Nhiều năm qua, phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Chi hội phụ nữ thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước (Phú Ninh) đã có nhiều cách làm hay, giúp cho nhiều hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Vì phụ nữ nghèo
Năm nay ngoài 50 tuổi nhưng chị Đặng Thị Minh Hiến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Kỳ Phú vẫn còn rất hăng say với công tác phụ nữ. Nhiều người đã không nói quá khi cho rằng, một tay chị Hiến đã vực dậy phong trào phụ nữ của thôn… Trong hoàn cảnh khá bất ngờ, chị Hiến được “bốc” lên làm công tác hội vì chị chi hội trưởng trước phải nghỉ vì bệnh hiểm nghèo. Vốn chỉ quen với công việc buôn bán ngoài đường, ngoài chợ, giờ bỗng nhiên phải đảm đương thêm công tác phụ nữ khiến chị Hiến không khỏi lúng túng. Chị tâm sự: “Hồi mới nhận công tác, tôi rất lúng túng trong công việc, nói năng thì không nên lời. Nhưng làm dần rồi thành quen. Chỉ đơn giản là cứ thấy việc gì đúng, việc gì có lợi cho chị em là mình không ngại khó khăn, làm cho bằng được. Nhiều lần làm tốt, được cấp trên khen, chị em tín nhiệm nên có thêm động lực. Giờ chỉ ước trẻ thêm vài tuổi để mình được tiếp tục gắn bó với công tác hội”.
Nhờ nguồn vốn do chị em trong tổ quay vòng giúp đỡ, chị Phạm Thị Cẩm đã mua được xe đẩy để buôn bán kiếm thu nhập hàng ngày. Ảnh: V.A |
Vốn là người chất phác, thật thà, sống ở cơ sở, gần hội viên nên chị Hiến hiểu và nắm bắt được những gì phụ nữ cần, từ đó tìm cách giúp đỡ. Điểm sáng đầu tiên, chị cùng với chi hội thành lập các tổ quay vòng vốn giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Chị cho biết, xuất phát từ thực tế ở địa phương, nhiều chị em phải “cắn răng” đi vay tiền với lãi suất “cắt cổ” từ những người cho vay nặng lãi (cứ vay 1 triệu thì phải chịu tiền lãi 200 ngàn đồng/tháng) để làm ăn, buôn bán; trong các buổi sinh hoạt hội viên phụ nữ ở thôn, chị Hiến đã đề xuất với các tổ phụ nữ thành lập các tổ quay vòng vốn để giúp nhau làm ăn. Mỗi tổ khoảng 15 người, trong đó có người nghèo, người khá… Mỗi tháng mỗi người đóng 300 ngàn đồng, sau đó xét hoàn cảnh của từng người, ai khó khăn và cần tiền làm ăn thì cho mượn trước, ai chưa cần tiền thì xem như “của để dành”. Với cách làm này, Chi hội phụ nữ thôn Kỳ Phú đã thành lập được 6 tổ quay vòng vốn, giúp đỡ cho nhiều chị em có đồng vốn để mua sắm dụng cụ, con giống để phát triển kinh tế. Từ đồng vốn nhỏ nhưng đã giúp nhiều chị đã vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thiết thực
Bản thân chị Phạm Thị Cẩm, thôn Kỳ Phú là một trong số những hội viên được thừa hưởng lợi ích từ nguồn vốn ở các tổ quay vòng. Là gia đình thuần nông, đông con cái, quanh năm bám ruộng, cuộc sống gia đình khá chật vật. Khó khăn hơn khi năm 2001 chồng của chị Cẩm đột ngột qua đời, để lại cho chị 3 đứa con thơ. “Lúc đó, tôi suy sụp hoàn toàn và không bao giờ dám nghĩ một mình có thể nuôi nổi 3 đứa con” - chị Cẩm nhớ lại. Đang lúc chưa nghĩ ra hướng đi nào thì chi hội phụ nữ ở thôn đem đến cho chị “cần câu”. Với vốn ban đầu 4 triệu đồng của chi hội, chị mua xe đẩy bán nước, sữa ở chợ Cẩm Khê (thôn Kỳ Phú, xã Tam Phước). Có công việc ổn định, thu nhập tuy không nhiều nhưng đều đặn nên chị Cẩm yên tâm lo cho con cái ăn học. Có thêm niềm tin, chị còn mạnh dạn mượn thêm 4 triệu đồng để đầu tư chăn nuôi gà, heo kiếm thêm thu nhập. “Được chị em trong tổ tạo điều kiện nên tôi đã mạnh dạn mượn tiền để mua sắm xe đẩy, mua thêm heo, gà để phát triển kinh tế. Cũng may làm ăn thuận lợi nên giờ tôi đã trả được hết nợ, có công việc hàng ngày kiếm thu nhập nuôi con ăn học” - chị Cẩm phấn khởi cho biết. Không chỉ đảm bảo cuộc sống, năm ngoái, gia đình chị Cẩm đã vươn lên thoát nghèo, trở thành tấm gương sáng cho nhiều gia đình khác học tập. Chị cũng may mắn có 3 đứa con đều học giỏi, đứa đầu đang theo học trường Đại học Sư phạm ở TP.Hồ Chí Minh, đứa kế học trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm và đứa út học cấp 2 ở địa phương.
Không chỉ thành công với các tổ quay vòng vốn, Câu lạc bộ Tiểu thương thuộc Chi hội phụ nữ Kỳ Phú cũng hoạt động rất hiệu quả. Khoảng 30 hội viên phụ nữ tiểu thương buôn bán trong chợ Cẩm Khê, tự góp vốn làm ăn buôn bán. Đều đặn hằng tháng, mỗi tiểu thương đóng góp 50 nghìn đồng làm quỹ. Trong tổ có ai cần vốn để mua hàng hóa buôn bán thì đăng ký để vay vốn (không tính lãi). Hoặc, ứng tạm để mua hàng, sau có thì đem trả lại. Ngoài ra, có số tiền quỹ ổn định nên trong tổ có hội viên nào đau ốm, khó khăn, thì tổ có thể trích tiền ra để giúp đỡ; hội viên nào có con em học tập giỏi, tổ cũng trích tiền để khen thưởng…
Theo chị Hiến, mặc dù chợ Cẩm Khê đã có ban quản lý chợ đảm nhận công tác vệ sinh, tuy nhiên qua thời gian làm không đến nơi, đến chốn nên tình trạng ô nhiễm môi trường trong khu vực chợ và quanh chợ đến mức báo động. Trong khi chính quyền địa phương đang loay hoay tìm cách khắc phục, chị em phụ nữ thôn Kỳ Phú đã đề xuất thành lập tổ dọn vệ sinh gồm 10 chị em đứng ra đảm nhận. Cứ đều đặn đến 4 giờ chiều hàng ngày, các chị lại tự giác đi thu gom rác, quét dọn chợ sạch sẽ. Việc làm này đã nhận được sự đồng tình của nhiều người. Mỗi tháng UBND xã trả cho đội dọn vệ sinh 2 triệu đồng, qua đó lần lượt từng chị thay phiên nhau nhận số tiền đó, đồng thời trích lại một khoản tiền để làm quỹ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn.
VINH ANH