Hồi sinh cho đất

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP 13/01/2015 09:15

Vượt lên gian khổ, hiểm nguy, cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 đã và đang ngày đêm thầm lặng góp phần hồi sinh những vùng “đất chết”, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Được thành lập vào 2005, Trung tâm Xử lý bom mìn và môi trường Quân khu 5 (gọi tắt là Trung tâm xử lý bom mìn) chuyên tư vấn giám sát, khảo sát, dò tìm và xử lý bom mìn, vật nổ, chất độc hóa học, bảo đảm cho phát triển kinh tế, quốc phòng và dân sinh. Trong 10 năm qua, đơn vị đã thi công hơn 500 công trình trên khắp 3 miền Bắc, Trung, Nam và cả ở các nước bạn Lào, Campuchia. Qua đó thu gom, tiêu hủy gần 90 tấn bom đạn các loại, xử lý hơn 3.000ha đất bị ô nhiễm bởi chất độc hóa học.

Cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Xử lý bom mìn tiêu tẩy chất độc hóa học tại khu vực thủy điện Sông Bung 4, huyện Nam Giang. Ảnh do trung tâm cung cấp
Cán bộ, chiến sĩ Trung tâm Xử lý bom mìn tiêu tẩy chất độc hóa học tại khu vực thủy điện Sông Bung 4, huyện Nam Giang. Ảnh do trung tâm cung cấp

Công việc đối mặt với hiểm nguy nên cán bộ, chiến sĩ trung tâm luôn xác định tâm thế “vào ca là vào vị trí chiến đấu”. Thiếu úy Phan Văn Lãnh - Đội trưởng Đội dò tìm xử lý bom mìn số 3 cho biết: “Thi công các công trình, chúng tôi luôn xác định sẽ phải đương đầu với nhiều trở ngại. Bởi lẽ số lượng bom, đạn, vật nổ còn tồn đọng sau chiến tranh đa dạng về chủng loại, không ít ký hiệu trên thân đạn, vật nổ không còn dẫn đến khó phân loại giữa đạn thông thường với đạn chứa chất độc hóa học. Mặt khác các hố chôn đạn, vật nổ đã lâu năm, có nhiều chủng loại lạ chôn cùng trong một hố. Các loại đạn, vật nổ có nhiều quả vỏ đã mục nát, những loại đạn chứa chất độc hóa học khi thu gom đưa lên khỏi mặt đất rất dễ xảy ra nguy cơ phát tán ảnh hưởng đến sức khỏe người làm nhiệm vụ... Do vậy, trong quá trình thi công, Ban chỉ đạo và Ban chỉ huy công trường thường xuyên có mặt tại hiện trường, chỉ đạo, tổ chức điều hành đạt chất lượng, hiệu quả, an toàn. Đồng thời chúng tôi luôn tranh thủ sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn thuộc Quân khu 5 như Cơ quan Chủ nhiệm Hóa học, Cơ quan Chủ nhiệm Công binh, Phòng Vũ khí đạn...”.

Tuy nhiệm vụ luôn phải đối mặt với hiểm nguy, nhưng thuận lợi của trung tâm là lực lượng tham gia thi công đã được đào tạo bài bản, đúng chuyên ngành bởi Binh chủng Công binh, Viện Hóa học và môi trường quân sự - Binh chủng Hóa học. Nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ trung tâm nắm chắc về tính năng, cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các loại bom, mìn, vật nổ; nắm chắc quy trình kỹ thuật, quy tắc an toàn. Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ còn được tập huấn bảo đảm khai thác, sử dụng thành thạo các loại máy móc trang bị hiện có. Đơn vị thường xuyên giáo dục cho quân nhân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tuyệt đối chống tư tưởng chủ quan đơn giản, triệt để tuân thủ quy trình kỹ thuật. Kiên quyết không chạy theo năng suất đơn thuần dẫn tới làm dối, làm ẩu, để sót bom, mìn, vật nổ hoặc để xảy ra mất an toàn trong khi thi công.

Xác định an toàn là tiêu chí hàng đầu, trung tâm trang bị đầy đủ trang phục bảo hộ lao động (quần, áo, giày, mũ, mặt nạ phòng độc), xe tiêu tây, bình cứu hỏa... Các loại máy, khí tài, trang bị dùng cho nhiệm vụ dò tìm, xử lý bom, mìn, vật nổ được mua sắm đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, đồng bộ, hiện đại, định kỳ được kiểm tra, kiểm định tình trạng kỹ thuật. Trước khi triển khai công trình, đơn vị luôn làm kỹ công tác khảo sát, lập phương án tổ chức thi công chặt chẽ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thường xuyên kiểm tra chất lượng trang thiết bị dò tìm, trình độ chuyên môn của nhân viên kỹ thuật, chất lượng công trình, việc chấp hành quy tắc an toàn... để kịp thời loại trừ sai sót. Anh Hồ Văn Phương - nhân viên kỹ thuật Đội 3 cho biết: “Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi gặp nhiều loại mìn nguy cơ cao như M14, M16A1, M16A2, M79, M72, bom bi… tồn đọng từ thời chiến tranh. Khi xử lý chúng rất nguy hiểm, chỉ cần tác động một lực nhỏ hoặc làm thay đổi tư thế cũng có thể gây nổ. Do đó, người xử lý phải thật nhẹ nhàng đưa chúng vào thùng cát và giữ nguyên tư thế như khi chúng còn nằm trong đất”.

Những năm qua, dấu chân người lính Trung tâm Xử lý bom mìn đã in khắp các tỉnh thành miền Trung. Nhiều công trình thi công ở những nơi xa dân cư, đơn vị phải dựng lán tạm để ở, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề. Ban đêm ở trong rừng còn phải lo chuyện rắn độc, vắt, côn trùng cắn... Đáng chú ý, khi dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ dưới nước, đơn vị phải dùng các loại phao, neo để định vị và đánh dấu, khoanh khu vực dò tìm. Việc chuẩn bị mặt bằng dưới nước chủ yếu tiến hành bằng thủ công nên phải loại bỏ triệt để các vật gây tín hiệu nhiễu để có thể dò tìm hết bom mìn, vật nổ. Để quân nhân yên tâm gắn bó với đơn vị, hoàn thành tốt công tác được giao, trung tâm luôn chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, duy trì các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, giao lưu kết nghĩa. Những năm qua, đơn vị đã tổ chức cho cán bộ, công nhân viên tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, hành quân về nguồn thăm Khu di tích lịch sử nước Oa - Căn cứ Quân khu 5 trong chống Mỹ (tại xã Trà Tân, Bắc Trà My); hỗ trợ một phần kinh phí cải thiện nhà ở cho cán bộ, nhân viên có hoàn cảnh khó khăn; thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách công tác tại đơn vị nhân dịp lễ tết.

Trung tâm Xử lý bom mìn cũng là đơn vị tích cực tham gia các hoạt động xã hội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, giúp nhân dân những nơi thi công nạo vét cống rãnh, mương thoát nước, thu hoạch nông sản, làm đường giao thông. Đồng thời hỗ trợ xây dựng 36 nhà tình nghĩa, nhà chính sách với tổng số tiền 1,55 tỷ đồng; tặng quà cho đồng bào nghèo, học sinh, trẻ em là nạn nhân chất độc da cam... với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.

Với những thành tích xuất sắc, năm 2013 Trung tâm Xử lý bom mìn vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba.

ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồi sinh cho đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO