Nghệ nhân Nguyễn Văn Tiếp nhìn ngôi đình và nói vẻ mãn nguyện: “Vậy là ước mơ bao lâu nay của làng đã thành hiện thực”. Không vui sao được khi mới cách đây vài tháng ngôi đình Đông Khương vẫn còn dột nát hoang tàn.
Đình Đông Khương đã được trùng tu từ sự đóng góp kinh phí của người dân trong làng và con em xa quê. Ảnh: V.LỘC |
1. Đình làng Đông Khương (Điện Phương, Điện Bàn) đã vững chãi, sáng sủa hơn sau 3 tháng trùng tu sửa chữa. Mái ngói được thay mới, toàn bộ tường quét vôi màu vàng, những cấu kiện bằng gỗ hư hại bên trong được gia cố thay thế. “Đây là tấm lòng của hơn 600 con, cháu, dâu, rể, người dân làng Đông Khương khắp nơi hướng về tiền nhân” - ông Tiếp chia sẻ.
Lâu nay đình Đông Khương xuống cấp nghiêm trọng, mái dột nát, một số mảng tường bị bong tróc nham nhở. Trước nguy cơ đình làng trở thành công trình hoang phế, ông Tiếp và một số người trong làng bàn tính tìm cách trùng tu ngôi đình. “Ở nhiều nơi đình làng dù bị tàn phá, sụp đổ người ta vẫn cố gắng phục dựng, kể cả xây bằng bê tông cốt thép, trong khi mình có một ngôi đình đẹp nguyên sơ và quý giá như vậy tại sao lại không giữ? Nghĩ vậy nên anh em quyết tâm làm” - ông Tiếp nói.
Ban vận động trùng tu đình Đông Khương được thành lập do ông Nguyễn Văn Tiếp làm Trưởng ban cùng một số thành viên khác trong làng như các ông Nguyễn Kim Tự, Đoàn Văn Bá, Lê Đình Chi… đã viết thư vận động người dân, con em Đông Khương đang làm ăn sinh sống xa quê ủng hộ tiền của trùng tu đình làng. Ai cũng nhiệt tình hưởng ứng, người ít thì 20 - 50 nghìn đồng, nhiều thì vài triệu đồng, có người ủng hộ đến 25 triệu đồng. Qua hơn một tháng kêu gọi, tổng số tiền huy động được đã hơn 250 triệu đồng. Thế là dân làng mạnh dạn khởi công trùng tu đình; tất cả thu chi tài chính đều được công khai minh bạch.
“Cái may mắn của đình là hầu hết cấu kiện gỗ bên trong còn khá nguyên vẹn nên chỉ cần thay thế một vài rui mè bị mối mọt, quét lại vôi màu, tô vẽ trang trí, thay ngói mới, làm lại sân nền là ngôi đình đã khang trang như xưa” - ông Nguyễn Kim Tự, thành viên Ban vận động cho biết. Suốt 3 tháng trùng tu đình, dường như ngày nào ông Nguyễn Kim Tự hoặc các thành viên trong Ban vận động cũng ra giám sát việc thực hiện của thợ thầy như chính ngôi nhà của mình “Được như thế này là thỏa mãn tâm nguyện rồi, chỉ mong sắp tới có kinh phí làm thêm tường rào cổng ngõ, để đình sạch sẽ, trang nghiêm, xuân thu nhị kỳ có chỗ cúng tế, bà con trong làng có nơi sinh hoạt” - ông Tự bộc bạch.
2. Theo lời các bô lão trong làng, đình Đông Khương có niên đại hàng trăm năm, gắn với quá trình khai hoang lập xứ của 4 tộc tiền hiền: Đoàn, Lê, Trần, Đỗ. Năm Thành Thái thứ sáu (1901) đình được trùng tu một lần, sau đó trải qua nhiều đợt trùng tu nhỏ, mãi đến năm 1961 được đại trùng tu, cho đến nay. Trong chiến tranh đình Đông Khương là nơi diễn ra các hoạt động mít tinh, tuyên truyền, hội họp bí mật của nhiều đoàn thể cách mạng. Sau ngày giải phóng đình tiếp tục trở thành điểm sinh hoạt của các hội đoàn thể; là nơi phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước… Đến những năm 1990 đình xuống cấp và bỏ hoang.
Ông Nguyễn Lượu (85 tuổi), trong thời chống Mỹ từng có thời gian hơn 3 năm dạy học tại đình Đông Khương nhớ lại: “Năm 1958 tôi dạy học ở đình, mỗi lớp có 60 trò là trẻ con trong vùng. Sau 3 năm thì lớp dời từ đình xuống nhà thờ tộc Trần vì đường đi nhỏ, sân đình chật chội; cửa vào đình có thanh chắn ngang học trò ra vô khó, dễ té ngã. Mấy chục năm rồi đình cũng không thay đổi nhiều, chỉ hư hại xuống cấp hơn do thời gian. Mỗi khi đi ngang qua đình tôi thấy tiếc, bây giờ được trùng tu rồi cả làng ai cũng mừng”.
Đình làng Đông Khương có kiến trúc nhà gỗ truyền thống 3 gian 2 chái, tiền đàn hậu tẩm, nhất là cách chạm trổ trang trí trên gỗ khá tinh tế. Trong đó, kỹ thuật kèo đóng khít khao không vẹo lệch, không có dấu đóng trít khiến nước đổ không ngấm, kỹ thuật được xem là cao nhất trong giới những người làm nghề mộc. Nay đình đã được trùng tu đẹp đẽ và vững chãi, nhưng trong tâm tư của ông Nguyễn Văn Tiếp và các thành viên Ban vận động niềm vui cũng chưa trọn vẹn vì tường rào cổng ngõ vẫn dang dở do hết kinh phí. “Tuy một số hạng mục vẫn chưa xong nhưng bước đầu như vậy là mừng rồi, nguyện vọng tiếp theo là mong muốn Nhà nước xem xét các giá trị văn hóa, kiến trúc để công nhận di tích lịch sử cho đình vì nó không chỉ gắn với dinh trấn Thanh Chiêm xưa mà còn kết nối với Hội An và những con người ở đó lên đây sinh sống, làm nghề mộc” - ông Tiếp bày tỏ.
VĨNH LỘC