Hồi sinh Mỹ Sơn

VĨNH LỘC 27/02/2014 10:43

Dù vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng việc trùng tu thành công nhóm tháp G và tháp E7 Mỹ Sơn (Duy Xuyên) đã mở ra những tiền đề quan trọng trong việc gia cố, trùng tu các nhóm tháp khác tại khu di sản này, góp phần hồi sinh những đền tháp với niên đại hàng nghìn năm lịch sử.

Tháp G1 Mỹ Sơn được khôi phục hình dáng sau hàng trăm năm đổ nát. Ảnh: V.LỘC
Tháp G1 Mỹ Sơn được khôi phục hình dáng sau hàng trăm năm đổ nát. Ảnh: V.LỘC

Khôi phục hình dáng

Lịch sử trùng tu Mỹ Sơn tính đến nay đã trải qua hơn trăm năm kể từ lúc người Pháp lần đầu tiên phát hiện ra khu đền tháp vào năm 1898. Qua nhiều lần tu bổ rồi bị chiến tranh tàn phá, đến những năm 1980 công việc trùng tu mới được tổ chức bài bản khi kiến trúc sư Kazic (người Ba Lan) tiến hành gia cố chống đỡ các tháp D1, D2. Tuy nhiên, việc trùng tu Mỹ Sơn chỉ thực sự được tổ chức quy mô kể từ khi dự án bảo tồn nhóm tháp G do các chuyên gia Ý phối hợp với Viện Bảo tồn di tích tiến hành vào năm 2004. Thông qua các đợt khai quật khảo cổ, định vị, những mảng tường ngã đổ tại các tháp G1, G2, G3... đã được các chuyên gia bóc gỡ đánh số thứ tự, nghiên cứu một cách tỉ mỉ, đưa ra giải pháp trùng tu phù hợp. Qua hơn 10 năm thực hiện, tuy chưa phải hoàn hảo nhưng với những kết quả đạt được đã góp phần hồi sinh dáng vẻ kỳ vĩ của những ngôi tháp, đặc biệt là tháp G1. Các mảng tường tháp được gia cố ổn định, tường bao, bậc cấp cũng được trùng tu hoàn chỉnh. Tuy mới chỉ phục hồi được khoảng 60% kiến trúc ban đầu do tư liệu lưu lại không còn nhiều, nhưng có thể nhận thấy kết quả mà dự án mang lại cho tháp G1 đã đáp ứng được sự kỳ vọng của những nhà nghiên cứu, bảo tồn trong thời điểm hiện tại.

Nếu như việc trùng tu nhóm tháp G là dự án có sự tham gia phối hợp với các chuyên gia Ý thì dự án trùng tu tháp E7 chủ yếu do chuyên gia đến từ Viện Bảo tồn di tích (Bộ VH-TT&DL) thực hiện. Khởi công từ năm 2011 qua gần 2 năm thực hiện, từ một kiến trúc đối diện với nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào phải dùng giàn giáo chằng chống, đến nay tháp E7 không chỉ thoát khỏi nguy cơ sụp đổ mà còn trở nên vững chãi. Ngoài phần chân đế được gia cố từ thời cố kiến trúc sư Kazic, các mảng tường, mái tháp, lanh tô, cửa sổ, con tiện… đã được trùng tu hoàn chỉnh góp phần làm cho tháp E7 trở nên nổi bật giữa không gian 2 nhóm tháp E và F. Theo Chỉ huy trưởng công trình trùng tu tháp E7 - kiến trúc sư Đặng Khánh Ngọc (Viện Bảo tồn di tích), dù vẫn còn một số hạng mục như tường bao, sân nền, cải tạo cảnh quan, phân loại hiện vật… chưa thể hoàn thiện kịp tiến độ, nhưng có thể khẳng định tháp E7 đã hồi sinh 80% so với bản vẽ của kiến trúc người Pháp Henri Parmentier để lại từ đầu thế kỷ XX. “Tôi nghĩ đây là một trong những tháp được trùng tu cơ bản nhất hiện nay tại Mỹ Sơn” - ông Đặng Khánh Ngọc nói.

Tiền đề cho tương lai

Theo ông Nguyễn Công Hường - Trưởng ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, việc trùng tu thành công nhóm tháp G và tháp E7 là bước đột phá quan trọng, tạo tiền đề phục hồi hình dáng những đền tháp khác tại Mỹ Sơn trong tương lai. “Dù vật liệu và giải pháp trùng tu nhóm tháp G và tháp E7 cần có thêm thời gian kiểm chứng nhưng không thể phủ nhận tính mẫu mực của những giải pháp mới này” - ông Hường nhận xét. Đồng quan điểm, ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, đóng góp lớn nhất của các dự án là đã tạo dựng được hình dáng ban đầu của ngôi tháp, góp phần duy trì sự bền vững cho các đền tháp Mỹ Sơn thêm một thời gian trước khi có những giải pháp trùng tu tốt hơn. Tại Mỹ Sơn, ngoại trừ 3 nhóm tháp B, C, D còn tương đối nguyên vẹn, hầu hết các nhóm tháp còn lại đã bị sụp đổ hư hại nhiều. Trong thời gian tới, khi sự hợp tác với các tổ chức quốc tế, chính phủ khác được triển khai, hứa hẹn sẽ mang đến sự hồi sinh mạnh mẽ cho những đền tháp còn lại của khu di tích.

Việc bảo tồn thành công tháp E7 sẽ tạo tiền đề để các tháp khác tại Mỹ Sơn hồi sinh trong thời gian đến.
Việc bảo tồn thành công tháp E7 sẽ tạo tiền đề để các tháp khác tại Mỹ Sơn hồi sinh trong thời gian đến.

Tiếp nối những thành công từ dự án bảo tồn nhóm tháp G và E7, năm 2013 Viện Bảo tồn di tích đã phối hợp với Sở VH-TT&DL lập dự án bảo tồn trùng tu 2 tháp E2, E3. Nếu Bộ VH-TT&DL đạt được thỏa thuận nguồn kinh phí thực hiện, dự án sẽ là bước đi tiếp theo với những giải pháp đã được áp dụng hơn 10 năm qua tại Mỹ Sơn nhằm hướng đến hồi sinh các đền tháp đã bị sụp đổ như F1, A1, H… góp phần tạo nên một diện mạo mới cho khu di sản trong những năm đến.

Lịch sử hình thành và phát triển khu đền tháp Mỹ Sơn đã trải qua cả nghìn năm với hơn 70 đền tháp từng hiện diện mà ngày nay chúng ta có thể biết được. Tuy nhiên, trải qua bao biến động thời gian, chiến tranh, thiên nhiên tàn phá, số đền tháp nguyên vẹn còn lại không nhiều. Việc trùng tu thành công mỗi công trình kiến trúc tại Mỹ Sơn sẽ là một bước đi quan trọng và đầy ý nghĩa giúp Mỹ Sơn hồi sinh để tìm lại diện mạo vốn có của mình cùng vẻ huy hoàng của mỗi đền tháp như  đã từng hiện diện trên mảnh đất này.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồi sinh Mỹ Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO