Nhìn những sản phẩm truyền thống độc đáo được làm ra từ đôi bàn tay khéo léo của đồng bào, tôi biết nghề truyền thống của người Cơ Tu ở Tây Giang đang bắt đầu vực dậy, từ bây giờ.
1. Làng Pơr’ning (xã Lăng, huyện Tây Giang) chìm trong màn sương, dưới những cơn mưa rả rích ngày sắp đông. Nhưng khói bếp gươl làng vẫn nghi ngút, ánh lửa bếp vẫn rực hồng. Già C’lâu Nâm, người anh hùng lực lượng vũ trang của xã Lăng đón chúng tôi như những người thân vừa trở về. Lũ làng đông đúc trong gươl, chăm chú theo từng vòng đan của những người già, hệt như một “hợp tác xã” đan lát truyền thống. Già Nâm bảo, mô hình đan lát tập trung này đã được hình thành từ nhiều tháng qua, với sự giúp sức của chính quyền địa phương. “Hàng ngày, nếu không bận công việc gì, ai cũng mang vật liệu đến gươl làng để ngồi đan từng chiếc gùi, cái rổ, nong, nia… Người đan giỏi thì bày cho người mới biết đan, người mới biết đan chỉ lại cho người chưa biết. Cứ thế, vừa học hỏi lẫn nhau, vừa chỉ dạy nhau về nghề đan lát truyền thống của cha ông mình” - già Nâm bộc bạch.
“Hợp tác xã” đan lát truyền thống Pơr’ning được phục hồi từ một dự án của địa phương. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Ở một góc gươl, những chiếc gùi, chiếc nia vẫn còn đan dở. Già Nâm nhấc nhẹ một đế gùi, rồi góp ý với người thanh niên trẻ. Chốc lát, đã thấy đế gùi được tháo dần vòng đan, chuẩn bị làm lại từ đầu. Qua nhiều vòng kiểm tra, chỉ bảo như thế, càng về sau các sản phẩm đan càng đẹp hơn, sắc sảo hơn. “Phải có người chỉ vẽ như thế, người trẻ mới tiến bộ được. Đó là cách người Cơ Tu truyền đạt kinh nghiệm cho nhau” - Bh’ling Phát - Trưởng thôn Pơr’ning chia sẻ. Xưa, đàn ông Cơ Tu từ nhỏ đã được truyền nghề bởi những nghệ nhân của làng. Vì thế, họ thành thạo việc đan lát từ rất sớm và xem đây như một “tài nghệ” để chuẩn bị cho việc bắt vợ, gả chồng sau này. Trong vô số quà tặng của nhà trai cho nhà gái trong ngày cưới hỏi, luôn kèm vài chiếc gùi đan bằng mây, hoặc chiếc nong, nia do chính tay chú rể đan làm quà ra mắt bố mẹ, người thân bên vợ. Phong tục độc đáo này cũng một phần giúp lưu giữ được nghề đan lát truyền thống của đồng bào Cơ Tu trong suốt hàng trăm năm qua.
Các cụ bà cần mẫn ngồi đan sản phẩm chiếu, gối, túi xách alớ truyền thống. |
Phục hồi thương hiệu chiếu, gối alớ Tại làng nghề đan lát Pơr’ning (xã Lăng), ngoài sản phẩm đan lát, đồng bào còn phục hồi nghề làm chiếu, gối truyền thống. Đồng bào dùng vật liệu lấy từ lá cây dứa rừng (alớ), sau khi được làm mịn, nhuộm màu và phơi khô, alớ được đan thành các sản phẩm chiếu, gối rất độc đáo, phục vụ nhu cầu cuộc sống. Để đa dạng mẫu mã sản phẩm, đồng bào còn đan thêm túi xách, nón lá alớ trông rất đẹp mắt bán cho du khách. Trên các trang mạng xã hội facebook, nhiều khách hàng ở TP.Đà Nẵng đã bắt đầu tìm kiếm, đặt hàng sản phẩm chiếu, gối alớ, mang về tiêu thụ. |
2. Truyền thống đan lát của đồng bào Cơ Tu có từ rất lâu đời, trước đây chủ yếu là để phục vụ nhu cầu cuộc sống. Song, chừng chục năm trở lại, ngón nghề này đang dần mai một, khi lớp trẻ ít quan tâm học hỏi, lưu truyền. Đó là chưa kể đến các mặt hàng gia dụng từ bên ngoài xâm nhập, cạnh tranh với nhiều mẫu mã sản phẩm đa dạng, trong khi vật liệu tự nhiên (mây, nứa) ở vùng cao ngày càng khan hiếm. Già C’lâu Nhấp nói: “Chứng kiến nghề truyền thống dần mất đi, ai cũng thấy đau lòng lắm. Đã có nhiều cuộc họp bàn làm thế nào để vực dậy được nghề truyền thống, nhưng rồi cũng không làm nổi, vì cuộc sống bây giờ đã khác xưa rất nhiều”.
Khi nghề truyền thống tưởng chừng đã không thể vực dậy nổi, thì 3 năm trước, làng Pơr’ning đón tin vui được chính quyền địa phương chọn làm thí điểm để phục hồi làng nghề đan lát, hướng đến hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Thế là, người dân trên dưới đồng thuận, quyết tâm đưa sản phẩm nghề của cha ông sống lại với con cháu. Gươl làng được chọn làm nơi “hành nghề” tập trung. Các già làng, trưởng bản phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của làng, luân phiên nhau vào rừng kiếm nguyên vật liệu về phục vụ đan lát. Cứ thế, khi công việc gia đình đã hoàn tất, họ lại cùng nhau tập trung học nghề, truyền nghề đầy niềm vui dưới mái gươl làng. “Sau một thời gian thí điểm, nhiều sản phẩm của làng nghề Pơr’ning, đã được bán ra thị trường. Qua đánh giá, mặt hàng này rất bền về chất lượng sử dụng, giá cả lại phù hợp với đồng bào miền núi, mẫu mã ngày càng đa dạng. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng trong tương lai sản phẩm này sẽ tiếp tục được mở rộng thị trường tiêu thụ, cung ứng cho nhu cầu của khách hàng ở trong và ngoài tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang - Arất Blúi nói.
3. Chủ trương khôi phục làng nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu gắn với hoàn thành và giữ vững các tiêu chí về nông thôn mới, giúp nâng cao thu nhập cho đồng bào địa phương trở thành mục tiêu để Tây Giang quyết tâm hồi sinh các làng nghề. Ngoài Pơr’ning, dự án này còn được thực hiện cùng lúc tại các thôn Anoonh và Arớt (xã A Nông). Ở các điểm thôn của A Nông, nghề dệt thổ cẩm truyền thống của phụ nữ Cơ Tu được chọn để phục hồi. Điểm chung, chính là nỗ lực khôi phục làng nghề ngay tại gươl làng, tạo không gian tập trung gắn với nâng cao thu nhập từ chính sản phẩm của nghề, cũng như hướng đến việc giữ vững các tiêu chí về nông thôn mới. Sự kết hợp “3 trong 1” này vừa khuyến khích sự sáng tạo, giúp họ sống được với nghề, vừa làm cầu nối đưa các sản phầm đến gần với người tiêu dùng hơn.
Già làng Anoonh - Arâl Đúch cho rằng, cái khó hiện nay ở các làng nghề mới phục hồi, chính là nhiều sản phẩm làm ra chưa đáp ứng với nhu cầu của khách hàng. Điều này dễ nhận thấy nhất ở sự thiếu đa dạng về mẫu mã sản phẩm đan lát, dệt thổ cẩm, mặc dù chất lượng được đánh giá rất bền. Để các sản phẩm ở các làng nghề truyền thống này tạo được tiếng vang - theo già Đúch - chính quyền địa phương cần hỗ trợ việc kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm, vừa tạo dựng thương hiệu vừa giúp người dân thực sự sống được với nghề.
ALĂNG NGƯỚC