Sau khi mua lại toàn bộ dây chuyền sản xuất cồn ethanol của Công ty CP Đồng Xanh (Đại Tân, Đại Lộc), Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm đã sửa chữa, đầu tư thiết bị mới và tái cấu trúc doanh nghiệp. Năm 2018, sản phẩm nhiên liệu sinh học của nhà máy chính thức tung ra thị trường.
Dây chuyền công nghệ tại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Tùng Lâm được cải tiến đáng kể. Ảnh: H.P |
GIAI đoạn 2012 - 2015, nhà máy cồn ethanol Đại Tân hầu như không vận hành dây chuyền sản xuất, hàng trăm tỷ đồng như đống sắt hoen gỉ bỏ hoang. Công ty CP Đồng Xanh nợ chất chồng, các đối tác khách hàng (chủ yếu cung cấp nguyên liệu sắn đầu vào cho nhà máy) lẫn người lao động dựng lều bạt trước cổng nhà máy để đòi nợ. Vì không có khả năng hoàn trả nên các đối tác khởi kiện công ty ra tòa. Theo phán quyết của TAND tỉnh, tài sản nhà máy cồn ethanol Đại Tân phải bàn giao lại cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) để xử lý nợ. Và Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm đã mua lại toàn bộ tài sản thi hành án.
Tái hoạt động
Con đường dẫn vào nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học tại xã Đại Tân (Đại Lộc) thi thoảng bị ùn tắc vài phút do các loại xe tải chở nguyên liệu vào, hay phương tiện chuyên dụng đưa sản phẩm ra ngoài địa bàn. Khu nhà ở cho công nhân trước đây bây giờ là văn phòng làm việc, điều hành của ban giám đốc công ty, nhân viên quản lý. Bên khu vực sản xuất chính có hơn 10 dây chuyền hoạt động, tiếng động cơ rầm rập. Vào giờ sản xuất, công nhân việc ai nấy làm. Trò chuyện bên trong nhà máy rất khó khăn bởi tiếng động cơ lấn át. Kỹ sư Nguyễn Tấn Ban (quê ở tỉnh Bình Định) phụ trách xưởng công nghệ máy móc trước đây được “giữ lại” nhà máy này làm việc. Ban kể, từ năm 2017 đến nay máy móc vận hành liên tục nên khâu sửa chữa, bảo dưỡng mất nhiều công sức lẫn thời gian. Sau khi tiếp nhận nhà máy, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chủ đầu tư mới là chạy thử dây chuyền cũ theo hướng hư đâu sửa đó. Một số thiết bị hư hỏng buộc phải thay thế hoàn toàn. “Ông chủ” mới sử dụng lại nhiều kỹ sư, công nhân trước đây đảm nhận ở các vị trí thiết yếu của nhà máy. Máy móc hiện đại cắt giảm nhiều bộ phận lao động thủ công. “Bình quân mỗi tháng tôi thu nhập 15 triệu đồng. Công việc lu bu chắc tết này không về quê được” - Ban nói. Đang lúi cúi quét dọn trước xưởng ủ cồn, Phạm Thị Hạnh (thôn Nam Phước 2, xã Đại Tân, Đại Lộc) bộc bạch: “Tôi làm việc tại đây hơn 2 năm, lương quét dọn vệ sinh hàng tháng 3,2 triệu đồng. Lúc không có việc làm, được nghỉ, công ty vẫn trả 30% mức thu nhập cơ bản”.
Năm 2017, nhà máy chạy thử dây chuyền máy móc đã cải tiến và ký kết cung cấp sản phẩm nhiên liệu sinh học với các đối tác trong nước. Những ngày đầu năm 2018, công ty đã lên chương trình, kế hoạch sản xuất kinh doanh. Theo lãnh đạo Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm, công suất thiết kế của nhà máy chế biến cồn ethanol đạt mức tối đa 330 tấn cồn mỗi ngày. Hiện tại, đơn vị mới đạt công suất 250 tấn/ngày. Hầu hết sản phẩm đều có thị trường tiêu thụ, không có tình trạng ứ đọng “cung vượt cầu”. Ông Phạm Văn Tĩnh – Phó Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm cho biết, thời điểm này, công ty thu hút được 180 lao động, 70% công nhân là người dân địa phương, thu nhập bình quân của người lao động dao động trên dưới 6 triệu đồng/tháng. Nhà máy tái khởi động, ngoài hàng trăm lao động có việc làm ổn định, góp phần cung ứng nhiên liệu sinh học đảm bảo chất lượng theo chủ trương của Chính phủ, còn đóng góp vào ngân sách địa phương. Đặc biệt, công ty cam kết đóng phí dịch vụ môi trường rừng do khai thác, sử dụng nước mặt và gây khí thải.
Hợp tác với nông dân
Để cho ra 1kg cồn (1,25 lít cồn sinh học), tốn gần 3kg sắn khô. Do vậy, việc đảm bảo nguồn nguyên liệu sắn đầu vào quyết định sự sống còn của nhà máy. Thời gian qua, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm chủ yếu mua sắn khô ở các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Bình Định. Sắn sản xuất trên địa bàn tỉnh phục vụ cho nhà máy này rất ít, do các nhà máy, cơ sở thu mua hết sắn tươi của nông dân. Với “vựa sắn” lớn ở Tây Nguyên và một số tỉnh lân cận, nhà máy sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu. Thực tế trước đây, nhà máy cồn ethanol Đại Tân của Công ty CP Đồng Xanh thua lỗ, nợ nần kéo dài dẫn đến tình trạng phá sản không phải do thiếu nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, chất lượng sản phẩm mà chủ yếu thiếu vốn lưu động và quản trị doanh nghiệp còn yếu.
Theo ông Phạm Văn Tĩnh - Phó Giám đốc Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm, doanh nghiệp đã tiếp cận với chính quyền huyện Đại Lộc và một số vùng lân cận đặt vấn đề thuê đất trồng sắn, hoặc hợp tác với người dân làm ăn. Chẳng hạn như góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, chia lợi nhuận theo tỷ lệ góp vốn cho người trồng sắn. Nông dân trồng sắn, công ty hỗ trợ vốn, giống, phân bón, bao tiêu sản phẩm khi thu hoạch cho người dân. Ưu tiên ngắn hạn là hình thành vùng nguyên liệu Quảng Nam - Quảng Ngãi. “Theo tính toán, 1ha sắn đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng cây keo nhưng để chuyển đổi cây trồng với người dân miền núi là chuyện không hề đơn giản, cần có thời gian tuyên truyền vận động và cơ chế chính sách đột phá của chính quyền tỉnh” - ông Tĩnh nêu khó khăn khi phát triển vùng nguyên liệu sắn tập trung.
Hiện tại, các xã Quế Cường, Phú Thọ, thị trấn Đông Phú (Quế Sơn); các huyện miền núi Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Hiệp Đức, Đông Giang… hình thành cả nghìn héc ta trồng sắn. Tuy nhiên, vùng nguyên liệu này chủ yếu phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn, làm thức ăn cho gia súc. Cho nên trong chiến lược phát triển vùng tây, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp cần “ngồi lại” để giải bài toán vùng nguyên liệu cho nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học. Như quả quyết của lãnh đạo Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm, nếu Quảng Nam - Quảng Ngãi có vùng sắn quy mô lớn, công ty cam kết mua sản phẩm của nông dân, doanh nghiệp, tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, kéo theo thu nhập người lao động sẽ tăng lên.
HỮU PHÚC