(QNO) - Ngày 27.4, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc tổ chức hội thảo khoa học “Cuộc đời và sự nghiệp chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển”.
Đây là sự kiện nhân kỷ niệm 165 năm ngày sinh (14.5.1856 - 14.5.2021) và 110 năm ngày mất (2.5.1911 - 2.5.2021) của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển - người con Đại Lộc.
Chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển sinh ra tại làng Ô Gia, xã Đại Cường trong một gia đình khá giả, được ăn học đến nơi đến chốn, không chỉ học giỏi mà còn có tài thi phú. Ông cũng là người lận đận trong thi cử, chỉ đỗ đến tú tài.
Đến cuối đời Tự Đức, ông được triều đình nhà Nguyễn mời ra Huế giữ chức quan nhỏ thuộc hàng Chánh lục phẩm, chuyên viết các đạo dụ, sắc bằng của triều đình. Sau Hòa ước Quý Mùi (1883) được ký kết, triều đình nhà Nguyễn từng bước thỏa hiệp với thực dân Pháp. Không đồng quan điểm với triều đình, Đỗ Đăng Tuyển đã từ quan về quê Đại Lộc.
Năm 1885, khi vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, văn thân, sĩ phu đồng loạt đứng lên hưởng ứng. Tháng 8.1885, chí sĩ Trần Văn Dư thay mặt Nghĩa hội Quảng Nam ra Bản cáo thị kêu gọi toàn dân đứng lên đáp nghĩa Cần Vương chống Pháp và chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển là một trong những người đầu tiên của huyện Đại Lộc hưởng ứng phong trào.
Ông được giữ chức Đội quân biện lương với nhiệm vụ vận động tài chính, thu góp quân lương cho Nghĩa hội. Năm 1887, dưới sự đàn áp của Pháp và triều đình phong kiến tay sai, phong trào Nghĩa hội thất bại, người đứng đầu phong trào hy sinh và bị bắt, Đỗ Đăng Tuyên về ẩn cư tại quê nhà Đại Cường. Hằng ngày, ông mượn rượu giải sầu, giả vờ quên lãng thời cuộc để che mắt chính quyền tay sai lúc đó, song thực tế vẫn tìm mọi cách liên hệ với đồng chí cũ để mưu cầu việc lớn.
Từ Nghĩa hội cuối thế kỷ 19 đến phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du đầu thế kỷ 20 của Phan Bội Châu, Đỗ Đăng Tuyển luôn là nhân vật trọng yếu cho các hoạt động của các tổ chức này. Sau khi phong trào chống sưu cao thuế nặng năm 1908 thất bại, nhiều văn thân, sĩ phu bị bắt và xử tử. Năm 1910, chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển bị bắt.
Thực dân Pháp dùng mọi thủ đoạn để lấy lời khai, mua chuộc song Đỗ Đăng Tuyển vẫn không khai nửa lời, nhiều lần tìm cách tuẫn tiết. Về sau, Pháp đưa ông ra Nghệ An để đối chất với đồng chí của mình, sau đó giải ông về giam cầm tại nhà lao Lao Bảo (Quảng Trị). Tại đây, ông đã tuyệt thực hơn 1 tuần và hy sinh vào ngày 4.4 năm Tân Hợi (tức 2.5.1911), khi ông vừa 55 tuổi.
Hội thảo thu hút nhiều tham luận, ý kiến đóng góp, tư liệu quý của các nhà nghiên cứu, nhà lịch sử, nhà văn hóa trong và ngoài tỉnh về đóng góp của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển.
Trong đó tập trung làm rõ những nội dung chính như: truyền thống quê hương, gia đình, nhân tố quan trọng góp phần hình thành nên tinh thần yêu nước của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển; quá trình tham gia và hoạt động trong các phong trào đấu tranh yêu nước cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển và vai trò của ông trong các phong trào này; mối quan hệ của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển với các văn thân, sĩ phu yêu nước cùng thời; việc phát huy truyền thống yêu nước, ý chí kiên cường, bất khuất của chí sĩ Đỗ Đăng Tuyển...