(QNO) - Ngày 20/8, tại TP.Đà Nẵng diễn ra Hội thảo khoa học "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên".
Hội thảo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức nhằm có cơ sở cung cấp những luận cứ khoa học về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo hướng bền vững; qua đó, góp phần triển khai tinh thần Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Ban tổ chức hội thảo đã tiếp nhận và tuyển chọn được hơn 40 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các cơ quan nghiên cứu, trường chính trị cùng các ngành, tổ chức chính trị - xã hội của các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Các tham luận cùng ý kiến trao đổi, thảo luận tại hội thảo đã đánh giá, luận giải một cách khách quan, khoa học và thẳng thắn những vấn đề lý luận và thực tiễn về: Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh; quan điểm của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, các công ước quốc tế về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa được UNESCO ghi danh...
Bên cạnh đó, nêu bật những thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức và vấn đề đặt ra đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên; các định hướng chính sách và giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng và cả nước.
Trong tổng số 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, miền Trung - Tây Nguyên có 5 di sản, bao gồm: Nhã nhạc cung đình Huế (ghi danh năm 2003); Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005); Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh (2014); Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (2017) và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (2022).
Theo GS-TS. Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tạo nên những điểm nhấn đặc sắc trong bức tranh văn hóa miền Trung - Tây Nguyên, góp phần làm nên đặc trưng thống nhất trong sự đa dạng, giàu bản sắc của văn hóa Việt Nam.
Tuy nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Trên cơ sở tham luận và ý kiến trao đổi, ban tổ chức hội thảo sẽ tổng hợp, chắt lọc để đề xuất, kiến nghị cơ quan Trung ương, chính quyền các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên các giải pháp đột phá nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể theo hướng bền vững trong tình hình mới.