Hội thi "Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Quảng Nam lần VIII năm 2013": "Sân chơi" chuyên nghiệp

LÊ QUÂN 01/11/2013 08:30

Hội thi “Đội tuyên truyền lưu động (TTLĐ) tỉnh Quảng Nam lần VIII” vừa khép lại vào tối 30.10 tại TP.Tam Kỳ, sau hơn nửa tháng tranh tài ở 6 cụm địa phương. Đề tài phong phú, câu chuyện hấp dẫn, diễn xuất chuyên nghiệp, là những nhận xét của Ban giám khảo tại hội thi này.

Hội thi tuyên truyền lưu động thu hút người xem bởi sự phong phú về hình thức, đa dạng đề tài, khả năng diễn xuất chuyên nghiệp.
Hội thi tuyên truyền lưu động thu hút người xem bởi sự phong phú về hình thức, đa dạng đề tài, khả năng diễn xuất chuyên nghiệp.

Phong phú loại hình

Đam mê với nghề

Qua hội thi, gần 300 tuyên truyền viên của 16 đội TTLĐ, dù già hay trẻ, đã thể hiện niềm đam mê và nhiệt huyết dành cho công việc tuyên truyền của mình. Nói như chị Phùng Thị Ngọc Huệ (Đội TTLĐ TP.Hội An), làm công tác thông tin tuyên truyền đã là một cái “nghiệp” mà những người được trời phú cho giọng ca trót mang vào mình. “Mà đã là “nghiệp” thì phải hết lòng. Chỉ mong những bạn trẻ đã và đang đi trong nghề sẽ hiểu và yêu cái công việc “làm dâu trăm họ” này mà cố gắng nhiều hơn” - chị Huệ chia sẻ.

Hai năm tổ chức một lần, hội thi “Đội TTLĐ toàn tỉnh” thực sự trở thành sân chơi chuyên nghiệp của những tuyên truyền viên. “Đây là hội thi mang tính chuyên ngành, nghiệp vụ được tổ chức nhằm nâng cao khả năng, trình độ nghiệp vụ, phương thức, hình thức tuyên truyền của các đội TTLĐ. Hội thi cũng là dịp tập hợp các đội TTLĐ, biểu dương lực lượng, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau” - ông Nguyễn Hoàng Bích, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi, chia sẻ. Hoạt động tuyên truyền đa dạng với nhiều hình thức đan xen nhằm lôi cuốn người nghe và truyền tải được những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước là yêu cầu đặt ra cho những người làm công tác thông tin tuyên truyền. Một chương trình tuyên truyền hoàn hảo phải đầy đủ các hình thức, từ trực quan cổ động, tuyên truyền miệng đến tuyên truyền bằng văn nghệ như ca, múa tiểu phẩm, tấu… được sắp xếp và liên kết theo một kịch bản, bám sát với chủ đề và nội dung chuyển tải. Hội thi lần này chứng kiến sự đầu tư khá kỹ càng từ các đội TTLĐ của các huyện, thành phố. Thể tài phong phú, đội ngũ tuyên truyền viên có cả “thanh” lẫn “sắc” khiến chủ đề tuyên truyền trở nên “mềm” và dễ dàng đi vào lòng người hơn.

Chọn thế mạnh kinh tế cũng như đặc thù của địa phương, huyện Núi Thành với lối dẫn dắt hóm hỉnh về đề tài “phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương” đã nhận được sự ủng hộ từ phía Ban giám khảo cũng như người xem. Với phần thi trực quan là mô hình tàu đánh bắt xa bờ, trên cột buồm là 2 tấm pa-nô với dòng chữ “vị mặn quê hương” và những số liệu kết quả đánh bắt thủy hải sản của huyện, các thí sinh thực hiện hình thức tuyên truyền miệng lồng ghép văn nghệ đã làm “mềm” đi nội dung cần truyền tải. Về câu chuyện thông tin “Vị mặn quê hương”, Đội thi TTLĐ huyện Núi Thành chọn hình thức tiểu phẩm để thể hiện với nội dung xoay quanh mâu thuẫn của một gia đình ngư dân muốn bán tàu, bỏ biển; trong đó, người vợ không muốn chồng con tiếp tục gắn với nghiệp biển. Tiểu phẩm tạo được các tình tiết mang tính cao trào, đưa các nội dung về phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo vào giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình. Ông Lý Như Sanh thủ vai người chồng - ông Mực trong tiểu phẩm - tạo ấn tượng cho người xem về giọng hát cũng như cách diễn. “Núi Thành chọn chủ đề tuyên truyền về biển đảo quê hương vì lẽ địa phương chúng tôi với đa số người dân làm nghề biển, tất cả những chính sách dành cho ngư dân cần phải được thông báo đến người dân một cách dễ hiểu nhất. Nhiệm vụ của những người tuyên truyền viên như chúng tôi là phải làm sao để người dân nắm được luật pháp một cách chắc chắn và cụ thể nhất” - ông Lý Như Sanh chia sẻ. Ông Sanh cũng là một trong số 11 tuyên truyền viên nhận Huy chương Vàng cá nhân tại hội thi.

Hai tuyên truyền viên Lý Như Sanh và Tăng Thị Kim Anh (Núi Thành) đều đoạt Huy chương Vàng cá nhân tại hội thi.Ảnh: LÊ QUÂN
Hai tuyên truyền viên Lý Như Sanh và Tăng Thị Kim Anh (Núi Thành) đều đoạt Huy chương Vàng cá nhân tại hội thi.Ảnh: LÊ QUÂN

Bám sát cuộc sống

Mười sáu đội TTLĐ dự thi với 16 câu chuyện thông tin, tiểu phẩm đã làm nên một bức tranh đa diện về những vấn đề thời sự tại các địa phương của Quảng Nam. Với cách dẫn dắt, diễn đạt khác nhau, các đội đều đạt được yêu cầu về nội dung, chủ đề tuyên truyền đã đặt ra. Trong đó, chủ đề được chọn nhiều nhất cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước: “Chung tay xây dựng nông thôn mới”. Cùng với những pa-nô về hình ảnh xây dựng nông thôn mới kết hợp hình thức văn nghệ tuyên truyền như hát múa, các điệu lý dân ca bài chòi, ở phần thi “Câu chuyện thông tin”, Tiên Phước thể hiện tiểu phẩm “Quán giữa đường đi”. Nội dung câu chuyện xoay quanh việc hiến đất làm đường và nêu cao ý thức tự giác của người dân. Đội TTLĐ Bắc Trà My tham gia hội thi với đề tài “Phấn đấu thoát nghèo bền vững, tiến lên xây dựng nông thôn mới”; trong đó, phần trọng tâm là tiểu phẩm “Chuyện nghèo xóm tôi”. Không chỉ lôi cuốn người xem bởi lời thoại, lối diễn xuất đầy sắc thái, đội TTLĐ Bắc Trà My còn thu hút sự chú ý bởi phản ánh khá sát thực tế về “chuyện nghèo” đang diễn ra hiện nay ở các địa phương. Tương tự, với đề tài “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, tiểu phẩm “Chuyện nhà ông Tám” của đội TTLĐ huyện Thăng Bình đã mang lại nhiều tiếng cười, đồng thời gửi gắm thông điệp “mỗi người, mỗi nhà hãy cùng chung tay với cộng đồng xây dựng nông thôn mới”.

Hội thi “Đội TTLĐ tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII năm 2013” có 4 đơn vị đoạt giải A toàn đoàn, gồm: Hội An, Núi Thành, Điện Bàn, Bắc Trà My; ngoài ra có 8 đơn vị đoạt giải B và 4 đơn vị đoạt giải C. Cùng với các giải riêng cho mỗi hình thức tuyên truyền (như: cổ động trực quan, câu chuyện thông tin...), Ban tổ chức cũng đã trao Huy chương Vàng cho 11 cá nhân và Huy chương Bạc cho 27 cá nhân.

Ngoài các đề tài xây dựng nông thôn mới, các vấn đề thời sự nổi cộm tại địa phương thời gian qua cũng được các đội thi đưa lên sân khấu. Có thể kể đến như Nam Giang với phòng, chống buôn bán người; Tây Giang trong công tác bảo vệ rừng; Nam Trà My bảo vệ rừng và động vật hoang dã; Hội An xây dựng thành phố du lịch không khói thuốc lá; Phú Ninh với an toàn giao thông; hay Tam Kỳ trong cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa… Các đề tài này đã bám sát cuộc sống, vậy nên sân khấu của hội thi cũng trở nên gần gũi với người xem. Theo ông Nguyễn Hoàng Bích, chất lượng của các đội thi năm nay có độ đồng đều, nhiều phần thi khá xuất sắc đã để lại ấn tượng tốt cả về nội dung lẫn hình thức tuyên truyền. “Nhiều diễn viên, tuyên truyền viên có khả năng thuyết trình, diễn xuất và hô hát tốt. Hình thức trực quan của nhiều đơn vị đã gây được sự chú ý cho người xem và được đánh giá cao như Tam Kỳ, Hội An, Hiệp Đức…” - ông Bích nói. Sử dụng chủ yếu các điệu hát truyền thống của dân ca khu 5, những câu chuyện thông tin của các đội TTLĐ đã thực sự khơi được “mạch” trong lòng người dân đối với mỗi nội dung cần truyền tải.

LÊ QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội thi "Đội tuyên truyền lưu động tỉnh Quảng Nam lần VIII năm 2013": "Sân chơi" chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO