Hội thi "Giao lưu tiếng Việt của chúng em": Bổ ích và thiết thực

THIÊN THU 20/12/2018 06:34

Có nhiều phương pháp nhằm góp phần phát triển kỹ năng tiếng Việt cho học sinh nói chung và học sinh dân tộc thiểu số ở huyện miền núi Nam Giang nói riêng. Trong đó, hội thi “Giao lưu tiếng Việt của chúng em” là một điển hình.

Hội thi “Giao lưu tiếng Việt của chúng em” tại Trường Tiểu học Zơ Nông (Nam Giang). Ảnh: T.T
Hội thi “Giao lưu tiếng Việt của chúng em” tại Trường Tiểu học Zơ Nông (Nam Giang). Ảnh: T.T

Hàng năm, Trường Tiểu học Zơ Nông đều tổ chức hội thi “Giao lưu tiếng Việt của chúng em” cho học sinh từ khối lớp 1 đến khối lớp 5, qua đó, tạo sân chơi cho học sinh các dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Tà Riềng đang theo học tại trường. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Zơ Nông, cô giáo Lê Thị Thanh Thảo cho biết, tham gia hội thi, mỗi khối lớp gồm một đội trải qua 5 phần thi: tiểu phẩm, hát, đọc thơ, kể chuyện và trình bày ý tưởng ước mơ.

Ở phần thi tiểu phẩm, câu chuyện “Một lần mất tín vạn lần mất tin” của khối lớp 4 đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem: Huy Bình là học sinh lớp 4, vì ham chơi, không lo học hành nên mỗi lần cô giáo kiểm tra bài cũ, em thường viện lý do đau ốm rồi xin phép xuống phòng y tế học đường để nghỉ ngơi. Có lần, em Bình bị đau thật nhưng cô giáo và bạn bè cứ nghĩ rằng em nói dối nên không quan tâm. Sau lần đó, em nhận ra việc làm của mình là sai trái và hứa sẽ khắc phục để mọi người tin tưởng, yêu thương. Em Riah Thị Uyên Trinh,  dân tộc Cơ Tu, học lớp 4/3 nói: “Em rất vui khi được tham gia tiểu phẩm. Qua đó, giúp em tự tin hơn và có cơ hội thể hiện năng khiếu của mình, nhất là khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt”. “Đối với từng nội dung thi, nhà trường mong muốn học sinh dân tộc thiểu số phát triển và rèn luyện ngôn ngữ tiếng Việt. Đặc biệt, ở phần thi kể chuyện, còn giúp học sinh phát triển các kỹ năng như kỹ năng trình bày, tư duy sáng tạo, diễn đạt cảm xúc và xử lý tình huống” - cô Thảo nói.

Trường Mẫu giáo liên xã La Dêê - Đắc Tôi, hàng năm nhà trường cũng tổ chức hội thi “Giao lưu tiếng Việt” dành cho học sinh dân tộc thiểu số nhằm giúp các em có đủ điều kiện cần thiết vượt qua rào cản ngôn ngữ để đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng môn tiếng Việt và tự tin trong học tập, giao tiếp. Cô giáo Zơrâm Kiên (dân tộc Tà Riềng) - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo liên xã La Dêê - Đắc Tôi cho hay, tham gia hội thi, các thí sinh phải trải qua phần thi chính đó là: đọc thơ, kể chuyện, hát, tiểu phẩm. Ngoài ra, mỗi lớp còn tham gia triển lãm ảnh hoạt động về lĩnh vực dạy và học tiếng Việt ở địa phương. Theo đánh giá của cô giáo Zơrâm Kiên, nhìn chung các cháu đều tỏ ra bình tĩnh, tự tin, hoàn thành tốt các nội dung dự thi. Đặc biệt, trong màn chào hỏi, các lớp đã sử dụng hình thức sân khấu hóa một cách sinh động để giới thiệu các thành viên trong đội, giới thiệu về bản làng, nét đẹp văn hóa địa phương, mái trường thân yêu của mình.

Ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang cho biết, mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội của huyện miền núi còn nhiều khó khăn, song việc tổ chức các sân chơi dành cho học sinh nói chung và học sinh dân tộc thiểu số nói riêng luôn được Phòng GD-ĐT huyện quan tâm đầu tư đúng mức. Mục đích của hội thi “Giao lưu tiếng Việt” là nhằm khích lệ phong trào thi đua dạy tốt, học tốt môn tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, từ đó góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Tham gia giao lưu chính là cơ hội cho trẻ học hỏi lẫn nhau, rèn luyện cho các em học sinh dân tộc thiểu số kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt một cách thông thạo”.

THIÊN THU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội thi "Giao lưu tiếng Việt của chúng em": Bổ ích và thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO