Trang nghiêm, hào hùng là cảm nhận chung của người xem và các đơn vị khi tham gia Hội thi hát Quốc ca huyện Điện Bàn năm 2013 vừa khai mạc tại hội trường Trung tâm Văn hóa thể thao huyện.
Hội thi hát Quốc ca huyện Điện Bàn trở thành nơi hội tụ của những cảm xúc sâu lắng.Ảnh: KHÁNH LINH |
Hội tụ cảm xúc
Với mục đích khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong toàn thể cán bộ công nhân viên chức huyện, ngay từ đầu hội thi đã tạo ấn tượng mạnh mẽ khi thu hút sự tham gia của gần 1.500 “diễn viên” đến từ hơn 100 đơn vị thuộc các ban ngành, trường học và 20 xã, thị trấn trong huyện đăng ký tranh tài. Mỗi đơn vị, không phân biệt lãnh đạo hay nhân viên, bất cứ người nào có năng khiếu ca hát đều được “trưng dụng” vào đội dự thi. Dường như trong mỗi “diễn viên”, Hội thi hát Quốc ca không còn là một cuộc thi thông thường mà đã biến thành nơi hội tụ của những cảm xúc sâu lắng nhất, để rồi mỗi khi tiếng hát cất lên ai cũng cảm nhận được khí thế hào hùng, lòng bồi hồi xúc động.
Các đội tham gia Hội thi hát Quốc ca huyện Điện Bàn năm 2013 được chia làm 2 khối: khối các ban ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang; khối xã, thị trấn và trường học. Trong đó, khối các cơ quan thi tại Trung tâm Văn hóa thể thao huyện; khối xã, thị trấn và trường học được chia thành 3 cụm thi tại các xã Điện Minh, Điện Thọ và Điện Nam Trung. Từ các cụm thi, Ban giám khảo sẽ chấm chọn các đội xuất sắc vào vòng chung khảo được tổ chức vào cuối tháng 9 này. Theo Ban tổ chức, hội thi cũng là bước đệm để Điện Bàn hướng tới thực hiện chào cờ, hát Quốc ca vào sáng thứ Hai hằng tuần tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. |
Ông Mai Văn Võ - Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Điện Bàn chia sẻ rằng, chưa bao giờ ông tham dự một hội thi ý nghĩa đến vậy. Qua cuộc thi, ông như sống lại với những ký ức hào hùng của một thời trận mạc. “Tôi đã từng đi qua cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc nên mỗi khi nghe bài Quốc ca vang lên thấy lòng trào dâng cảm xúc thật khó tả, thiêng liêng lắm” - ông Võ tâm sự. Còn theo ông Đỗ Phát - Phó Trưởng đài Phát thanh truyền hình Điện Bàn, cuộc thi là hoạt động văn hóa văn nghệ bổ ích, không chỉ gắn kết các thành viên trong cơ quan lại với nhau cùng tham gia luyện tập mà còn khơi gợi trong mỗi người lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc. Để tham gia cuộc thi, hằng ngày sau giờ làm việc, toàn thể cơ quan đài từ lãnh đạo đến nhân viên đều tập trung lại luyện hát, ai cũng vui vẻ hào hứng. “Trong chúng ta chắc ai cũng biết hát Quốc ca nhưng do công việc, cuộc sống nên ít có cơ hội để hát, vì vậy tổ chức cuộc thi là việc làm rất thiết thực để giúp mình nhớ lời bài Quốc ca một cách trọn vẹn, đặc biệt là phần lời hai của bài hát này” - ông Phát nói.
Bồi đắp lòng yêu nước
Theo quy định, đơn vị tham gia chỉ được hát với hình thức hợp ca, không hát bè và không có nhạc đệm nên mỗi đội đều nỗ lực luyện tập để các giọng ca không vênh nhau. Nhiều đơn vị như Phòng Tài nguyên môi trường, Bảo hiểm xã hội huyện, Ngân hàng Chính sách xã hội, Trung tâm Văn hóa thể thao Điện Bàn... đã có sự chuẩn bị khá tốt, các giọng ca phối hợp ăn ý, thanh điệu rõ ràng, mạch lạc thể hiện sự hào sảng của một bản hùng ca dân tộc. Dù là lần đầu tiên tổ chức nhưng cuộc thi vẫn đón nhận sự hưởng ứng khá tích cực của hầu hết các cơ quan, đoàn thể, ban ngành trong huyện. Không ít đơn vị tham gia với 100% quân số, nhiều cơ quan không phân biệt trẻ già, lãnh đạo hay nhân viên, ai cũng tay đặt lên ngực cất vang tiếng hát.
Tuy vậy, cuộc thi vẫn không tránh khỏi những hạn chế nhất định, như thời lượng hát của mỗi đơn vị trên sân khấu chỉ gói gọn trong 2 phút nên sự cảm nhận của khán giả dường như vẫn chưa trọn vẹn. Bên cạnh đó, không ít đội còn quá chú trọng đến kỹ thuật hoặc luyến giọng hát nên vô tình biến bài Tiến quân ca vốn giai điệu trầm hùng trở nên thiếu sức sống. Ông Đỗ Phát cho rằng, nếu như Ban tổ chức quy định các đội tham gia ngoài phần thi chính là hát Quốc ca nếu có thêm phần văn nghệ múa hát tự chọn khác thì cuộc thi sẽ có màu sắc và đỡ đơn điệu hơn.
Ông Nguyễn Văn Dũng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa thể thao Điện Bàn, Phó ban Tổ chức cho rằng, tổ chức một hội thi quy mô toàn huyện và có ý nghĩa chính trị như Hội thi hát Quốc ca, Điện Bàn là địa phương đầu tiên trong tỉnh tổ chức nên sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế. Tuy nhiên, ý nghĩa và mục đích chính của hội thi là nâng cao nhận thức, ý thức cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước trong mỗi người dân cũng như cán bộ công nhân viên chức của huyện. “Tôi cho rằng, một trong những thành công của hội thi là sẽ giúp cho mọi cán bộ công nhân viên chức trong huyện có thể thuộc và hát trực tiếp Quốc ca tại những buổi lễ quan trọng trong thời gian đến” - ông Dũng nói. Một điều không thể phủ nhận là hội thi đã giúp cho một bộ phận cán bộ, công nhân viên chức huyện biết “hát và thuộc Quốc ca” một cách trọn vẹn, điều tưởng chừng bình thường với mọi công dân nhưng không phải ai cũng thực hiện được.
VĨNH LỘC