Hội tụ sắc màu vùng cao

ALĂNG NGƯỚC 13/06/2017 08:43

Giữa thanh âm của nhịp trống chiêng rộn rã, điệu múa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) được những chàng trai, cô gái vùng cao thể hiện, càng khiến cho ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa thêm rực rỡ sắc màu.

  • Độc đáo nghi thức dựng nêu của đồng bào vùng cao
  • FESTIVAL DI SẢN QUẢNG NAM LẦN THỨ VI - 2017
Không gian đậm đặc những sắc màu văn hóa trong ngày lễ trình diễn cây nêu của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Không gian đậm đặc những sắc màu văn hóa trong ngày lễ trình diễn cây nêu của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Ngày hội đoàn kết

Ngày càng thêm đông bước chân du khách và đồng bào các DTTS tìm về không gian Nhà làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang trong “Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu và giao lưu văn hóa các dân tộc Việt Nam”. Những cây nêu được dựng lên, theo hình cánh cung của nhà làng, tạo nên một không gian đa màu sắc. Xen giữa các hoạt động trình diễn cây nêu là chương trình giao lưu văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của đồng bào các DTTS khắp 3 miền Tổ quốc, trong đó nổi bật là không gian văn hóa cồng chiêng và trình diễn sắc phục truyền thống của đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Tày, Nùng, Co, Gia Rai, Ê Đê, X’tiêng,… đầy thú vị và độc đáo.

“Ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các DTTS Việt Nam như cầu nối gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm giữa các nghệ nhân, diễn viên - những chủ thể văn hóa vùng cao. Từ đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy các nghi lễ, tín ngưỡng, cùng các loại hình nghệ thuật truyền thống, góp phần khơi dậy ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng vùng cao”. (Bà Nguyễn Thị Hải Nhung - Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ VH-TT&DL)

Ông Ma Đen, dân tộc Ê Đê, nghệ nhân của đoàn Đăk Lăk nói với chúng tôi rằng, dù ông và các nghệ nhân trong đoàn đã từng tham gia biểu diễn ở nhiều nơi, nhưng đây là lần đầu tiên chứng kiến một không gian lễ hội mang đậm màu sắc truyền thống của người vùng cao. Từ cao nguyên đá bazan, cho đến vùng núi phía bắc và miền Trung, sắc màu của đồng bào các dân tộc như quyện vào nhau, hội tụ quanh các trụ cây nêu, bên ché rượu cần, vui say cùng nhịp điệu cồng chiêng rộn rã. Ông Ma Đen và nhiều người khác nữa, khi chúng tôi hỏi về cảm xúc, đều chung một lời nhận xét, rằng đây thực sự là ngày hội kết đoàn giữa đồng bào các DTTS Việt Nam. Là bởi, ngoài tham gia trình diễn các lễ nghi truyền thống của đồng bào mình, đến với lễ hội, các nghệ nhân còn được hòa mình cùng sắc màu văn hóa đặc trưng của 15 dân tộc anh em, sinh sống theo dọc dài đất nước. “Không chỉ mang văn hóa của mình giới thiệu, quảng bá cho du khách và đồng bào các DTTS khác, lễ hội còn là dịp để chúng tôi ngồi lại bên nhau, cùng uống chung chén rượu cần, hát vang những lời ca của núi rừng và giao lưu, tìm hiểu bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi vùng đất, con người miền núi” - ông Ma Đen tâm sự.

Đêm khai mạc ngày hội diễn ra vào tối 11.6, sau chương trình nghệ thuật của các đoàn, một vòng lửa ấm cúng được đốt lên, rộn ràng cùng nhịp trống chiêng và các điệu múa truyền thống. Dưới ánh lửa bập bùng, những vòng tròn được tạo nên bởi các bàn tay nắm chặt vào nhau, cùng vui say theo hội kết đoàn, như chính câu mời gọi của già làng trong đêm khai mạc: “Hỡi các buôn làng gần xa; ơi các chàng trai, cô gái Ba Na, Ê Đê, Co, Cơ Tu, Xê Đăng, Bh’noong, Gia Rai, X’tiêng,… đến đây từ các miền quê Tổ quốc. Nào, cùng đốt lửa lên, đánh cồng chiêng vang lên, nơi vùng cao Quảng Nam yêu thương vui mùa hội mới”. Và, những tiếng hú hò đậm chất vùng cao, vang vọng, giữa đại ngàn Tây Giang hùng vĩ.

Cơ hội quảng bá văn hóa

Dù lần đầu tiên được tổ chức, nhưng ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa các DTTS Việt Nam được đánh giá sẽ là chương trình khơi mào cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào vùng cao. Không nằm ngoài mục đích tạo nên không gian sinh hoạt văn hóa cho đồng bào các DTTS, ngày hội còn là dịp để những đặc trưng khắp vùng miền Tổ quốc tiếp tục được quảng bá nhằm thu hút du khách theo các tour du lịch khám phá, trải nghiệm về với vùng cao.

Ông Lê Nhật Ánh, một du khách đến từ Bà Rịa Vũng Tàu chia sẻ, sau nhiều ngày được hòa cùng các hoạt động văn hóa theo nghi thức trình diễn cây nêu, giao lưu văn hóa cồng chiêng và trưng bày các hình ảnh, hiện vật tiêu biểu của đồng bào các DTTS, đã để lại trong ông nhiều ấn tượng mạnh, đầy thú vị. Vốn là người thích khám phá, khi biết Quảng Nam tổ chức lễ hội di sản, ông đã chọn ngay Tây Giang để trải nghiệm cho chuyến đi của mình. “Về với vùng cao, không những được hòa cùng văn hóa đặc sắc của đồng bào, còn để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp cho du khách. Sự mộc mạc, dân dã của người vùng cao sẽ mãi là kỷ niệm để chúng tôi, những du khách tìm đến. Mà lễ hội chính là cầu nối để người vùng cao quảng bá được văn hóa đặc trưng của mình với du khách” - ông Ánh nói.

Theo ông Bh’ling Mia - Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, ngày hội không chỉ đơn thuần là sự kiện văn hóa vùng cao, mà đó là cơ hội để các địa phương mang đến những “đặc sản” của mình quảng bá cho du khách. Thông qua các hoạt động văn hóa đặc sắc được tái hiện sẽ giúp đồng bào các DTTS trân quý hơn bản sắc của mình, cùng chung sức bảo tồn và phát huy trước dòng chảy hiện đại. “Tây Giang vinh dự được Bộ VH-TT&DL chọn làm nơi đăng cai ngày hội, trong chuỗi sự kiện Festival Di sản Quảng Nam 2017, chúng tôi xác định đây là cơ hội để địa phương giới thiệu những nét đẹp văn hóa của vùng đất và con người đồng bào Cơ Tu đến với du khách và bạn bè các DTTS trên khắp cả nước. Hy vọng, Tây Giang sẽ là địa chỉ du lịch mới thu hút du khách ghé chân” - ông Mia nói.

 ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hội tụ sắc màu vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO