Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hình ảnh những người con đã ngã xuống vì nền độc lập của dân tộc luôn hiện về trong mẹ - Mẹ Việt Nam anh hùng.
Mẹ Đặng Thị Bướm. Ảnh: T.T |
1.Chúng tôi tìm về với Bà mẹ Việt Nam anh hùng Đặng Thị Bướm (ở xóm 5, thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, Nông Sơn) trong một buổi chiều nhạt nắng. Ngôi nhà nhỏ, ấm cúng, các bức tường ken dày những tấm bằng Tổ quốc ghi công úa màu năm tháng. Thắp nén nhang sưởi ấm vong linh của những người con đã yên nghỉ trong lòng đất mẹ Quảng Nam, mẹ Đặng Thị Bướm kể, chồng mẹ là người cùng làng, tên Phạm Thiếu, ngày xưa xung phong cõng gạo ở chiến trường Hạ Lào, sống nơi rừng thiêng nước độc một thời gian khá lâu nên ông bị bệnh rồi qua đời năm 1961. Vợ chồng mẹ sinh được 6 người con, trong đó Phạm Thị Bông (SN 1943), Phạm Thị Hoa (SN 1948), Phạm Nhị (SN 1951) đều hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ; Phạm Thị Ba bị bệnh mất lúc nhỏ; Phạm Tường (SN 1955) làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia từ năm 1977 đến 1979 và người con trai út là thương binh Phạm Hồng Khoa (SN 1958).
Năm tháng qua đi, hình ảnh, kỷ vật để lại của những người con đã hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vẫn còn in đậm trong tâm trí mẹ. Dù tuổi tròn trăm nhưng mẹ Đặng Thị Bướm vẫn còn minh mẫn, nhớ khá rõ về những người con máu mủ mà mình đứt ruột đẻ ra. Rằng, con gái Phạm Thị Hoa với dáng người cao ráo, tóc dài, có chiếc răng khểnh, lanh lợi, xinh xắn, từ nhỏ đã theo bố mẹ vào rừng tiếp tế lương thực cho cách mạng, cấy lúa nuôi quân. Năm 16 tuổi, Phạm Thị Hoa chính thức tham gia đội du kích xã Sơn Phúc (nay là xã Quế Lộc), ban ngày làm nhiệm vụ chiến đấu, ban đêm tham gia lao động sản xuất. Hoa bị trúng đạn hy sinh tại gò Cây Sanh vào một sáng tháng 5.1968, lúc ấy mới 20 tuổi, được đồng đội chôn cất tạm thời; hòa bình lập lại, gia đình mới đưa hài cốt về Nghĩa trang liệt sĩ xã Sơn Viên.
Mẹ Nguyễn Thị Yên cùng vợ chồng người con trai Nguyễn Văn Rê. Ảnh: T.T |
Còn người con trai Phạm Nhị sớm tham gia hoạt động cách mạng. Khi đang họp tại nhà ông Phan Khắc Sửu thì bị pháo kích ở Bằng Thùng bắn trọng thương, đồng đội khiêng đến trạm xá Hòn Tàu nhưng anh đã trút hơi thở cuối cùng trên đường đi, lúc đó vào năm 1969 và được chôn cất ở vườn mít gần nhà. Tuy nhiên, nơi anh Nhị nằm xuống thời gian sau này bị bom đạn cày xới liên tục, địa hình thay đổi nên đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt.
Người thân đã vĩnh viễn ra đi vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, để lại cho các mẹ nỗi đau day dứt. Và với chúng con, các mẹ luôn là những phụ nữ anh hùng và vĩ đại nhất của dân tộc. |
2.Cũng như mẹ Đặng Thị Bướm, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Yên (SN1927) ở thôn Phước Bình Trung, xã Sơn Viên (Nông Sơn) dù bị địch bắt tù đày, trải qua nhiều đợt tra tấn dã man nhưng bà nhất quyết không khai nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng trung ương và địa phương.
Những tháng ngày thời chiến hiện về qua lời kể của mẹ Yên. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, 12 tuổi, mẹ đã làm liên lạc cho cách mạng. Sáu năm sau đó gặp ông Nguyễn Năm (SN 1925) cùng đơn vị chiến đấu, hai người nên duyên vợ chồng và lần lượt sinh được 5 người con gồm: Nguyễn Văn A (SN 1947) là liệt sĩ được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba vì đã có công lao trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; Nguyễn Văn Ban (SN 1953) tham gia du kích, Xã đội trưởng Sơn Thọ; Nguyễn Văn Xê (SN 1956) làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới Tây Nam; Nguyễn Văn Rê (SN 1958) tham gia thanh niên xung phong ở Hồ Giang và con gái út Nguyễn Thị Hoa mất vừa lúc mới lọt lòng.
Lần theo ký ức, mẹ ngậm ngùi nhớ lại từng người thân của mình gửi lại thân thể trong lòng đất mẹ nên câu chuyện có lúc bị ngắt quãng do tuổi cao sức yếu lại thêm những vết thương hành hạ mỗi khi trái gió trở trời. Rằng, chồng mẹ - ông Nguyễn Năm tham gia vận chuyển lương thực, khiêng thương, tải đạn phục vụ chiến dịch xuân hè 1965 trên địa bàn Quảng Nam. Tháng 11.1966, Mỹ đổ bộ xuống Dốc Chuồi và tổ chức càn quét vào xã Sơn Thọ. Ông Năm cùng lực lượng du kích xã phối hợp với V11, bộ đội địa phương huyện tổ chức đồng loạt tấn công vào đội hình quân Mỹ và ông đã dũng cảm hy sinh trong trận đánh này tại chân Cầu Dài, để lại cho vợ kỷ vật là chiếc lược chải đầu được chế tác từ mảnh nhôm máy bay. Người con trai đầu lòng Nguyễn Văn A của mẹ Yên từ nhỏ đã sớm giác ngộ, nung nấu ý chí cách mạng. Năm 14 tuổi, anh gia nhập vào đội du kích xã, tham gia huấn luyện để xây dựng lực lượng vũ trang địa phương. Năm 16 tuổi, anh được cấp trên đưa đi học y tế phục vụ công tác chiến đấu. Tháng 3.1965, địch tổ chức càn quét vào thôn Trung Yên rồi mở rộng ra các thôn khác hòng chiếm lại xã Sơn Thọ, anh A đã hy sinh tại Đồng Bàu, lúc đó anh mới 18 tuổi để bảo vệ cho đồng đội tiếp tục chiến đấu và để lại lá thư tình chưa kịp gửi cho người con gái mà mình yêu thương. Quê hương giải phóng, mẹ Yên đưa hài cốt chồng và con về an nghỉ ở gò Chàng Ràng, mảnh đất nơi mẹ sinh ra và lớn lên.
THIÊN THU