Chúng tôi may mắn thuộc thế hệ mà giờ văn vẫn luôn là những giờ hấp dẫn và lý thú đối với học sinh, dù chương trình không được bài bản và dù thầy cô của thế hệ chúng tôi có lẽ không được trang bị phương tiện đầy đủ như bây giờ.
Thuở chúng tôi học, trong giờ văn thầy cô chỉ cho học và phân tích những đoạn văn hay để học hỏi, hoặc buộc mỗi tổ đọc một tác phẩm (thường là của nhóm Tự Lực văn đoàn), rồi sau đó tổ chức cho từng tổ trình bày lại nội dung tác phẩm đó trước lớp, gọi là “giờ trần thuyết”, ngay ở cuối cấp 2 (thuở đó gọi là trung học đệ nhất cấp).
Chưa bao giờ chúng tôi nghe nói đến những cái gọi là “văn mẫu”, cũng chẳng hề có khái niệm gì với bộ môn ngữ pháp rối rắm như hiện nay. Văn chương đã ngấm vào tâm hồn chúng tôi qua những tác phẩm văn học, qua lời giảng.
Thầy cô thuở đó thường chỉ dạy theo nguồn cảm hứng của mình và đã truyền nguồn cảm hứng đó vào tâm hồn chúng tôi qua các tiết học. Tôi nghĩ rằng chính nhờ cảm hứng đó và cũng chẳng bị ràng buộc vào khái niệm giáo án mà bài giảng của thầy cô hấp dẫn thực sự, giúp chúng tôi yêu thích môn văn, và qua đó yêu thêm tiếng Việt. Mà yêu tiếng mẹ đẻ luôn là chất xúc tác để nâng cao lòng yêu nước.
Tiếng Việt trong môn văn của thế hệ chúng tôi hiện ra như một người mẹ quê hiền lành, chân chất, miệng nhai trầu móm mém, đổ giọt mồ hôi trên những vồng sắn nương khoai, tay cầm quạt mo cau xua cái oi nồng trưa hè dưới những hàng cau, gốc mít, chứ không phải là bà mẹ kiêu kỳ trong những khái niệm ngữ pháp phương Tây như hiện nay.
Tiếng Việt thuở đó dĩ nhiên cũng có pha ít nhiều khái niệm ngữ pháp phương Tây, nhưng cơ bản nó vẫn là hình ảnh cô thôn nữ chân chất của Nguyễn Bính, với áo tứ thân, với khăn mỏ quạ, cho dù “hương đồng gió nội” đã “bay đi ít nhiều”... Về cái gọi là “ngữ pháp” ngấm dần vào trí não chúng tôi rất đỗi vô hình, như người đi đêm đến khi ngấm lạnh mới biết áo mình đã ướt đẫm sương khuya.
Còn những bài luận thì học sinh tha hồ tả theo cảm xúc thực. Tôi nhớ hồi học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ), trong kỳ thi đệ nhất lục cá nguyệt (tức học kỳ 1), trong bài văn tả người bạn thân nhất của em, có một bạn đã kết luận bài luận bằng câu: “Em rất yêu quý bạn em, đó là người bạn trăm năm không dĩ vãng”. Cô đọc lên cho cả lớp nghe và hướng dẫn chúng tôi góp ý để tìm cách đổi lại câu khác. Cô như một người mẹ đang kiên nhẫn dạy cho những đứa con tập nói, còn chúng tôi nhao nhao góp ý đến hết giờ lúc nào chẳng hay. Mà ở tuổi đó, đúng là chúng tôi đang tập nói: tập dùng tiếng mẹ đẻ để diễn đạt ý tưởng bằng những câu văn.
Bao nhiêu năm đã trôi qua, hồi ức về những giờ học văn vẫn luôn đọng lại trong tâm hồn thế hệ chúng tôi cảm xúc nhẹ nhàng. Để rồi suốt một đời, chúng tôi luôn thấy được “Tôi yêu tiếng nước tôi/Từ khi mới ra đời…/Mẹ hiền ru những câu xa vời...” (lời Tình Ca - Phạm Duy).