(QNO) - Sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, nhà báo Nguyễn Viết Thái, phóng viên Báo Phú Khánh (tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên cũ) đi cùng đoàn công tác ra đảo Phan Vinh và đã chụp được tấm ảnh ca mổ ruột thừa đầy căng thẳng.
Chàng trung úy phụ trách ca mổ đó hiện nay là bác sĩ Nguyễn Đinh Năng, sinh sống tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Ông kể rằng, khó quên nhất là chỉ huy yêu cầu mổ dưới hầm để tránh bị Trung Quốc tấn công bất ngờ.
1. Đầu năm 1988, Trung Quốc cho quân chiếm đóng trái phép các bãi đá Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Subi, Huy Gơ thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, sau đó tăng cường các hoạt động uy hiếp.
Đến đầu tháng 3, Trung Quốc tiếp tục ngăn bộ đội công binh xây dựng cụm đảo chìm Gạc Ma, đến sáng 14/3/1988, lính Trung Quốc đã xông lên bãi đá cướp cờ, xả súng giết hại dã man 64 chiến sĩ Hải quân và bắt 9 chiến sĩ làm tù binh.
Sau sự kiện đau lòng này, lực lượng hải quân được tăng cường luân phiên ra đảo, trong đó có Trung úy Nguyễn Đinh Năng. Chiếc tàu HQ611 chở những người lính trẻ ra Trường Sa vào đầu tháng 6/1988.
Trước khi rời đất liền, chàng lính trẻ đã chia tay bịn rịn với một bóng hồng ở TP.Nha Trang. Ra đảo năm 27 tuổi, chàng trai quê ở tỉnh Nghệ An đã kịp kể cho cô gái đang trông đợi anh về truyền thống gia đình, cha là Trung tá Nguyễn Đình Uy, nguyên là lính Đoàn 559 xẻ dọc Trường Sơn và có mặt ở khắp các mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Con tàu chở lính tăng cường cập vào nhiều hòn đảo trước khi đi về đảo Phan Vinh. Thông tin trên tàu luôn cập nhật tình hình và thông báo về những chiếc tàu chiến của Trung Quốc vẫn bám theo tàu vận tải của ta. Hòn đảo Phan Vinh giữa mùa hè tỏa hơi nóng hầm hập, nhưng dưới lớp cát và san hô kia là những bể nước ngọt được anh em chắt chiu để dành.
Nước ngọt lúc đó quan trọng như một thứ vũ khí, buổi giao ban nào cấp trên cũng nhắc đến kế hoạch sử dụng nước. “Mỗi đồng chí tuân thủ quy định 5 lít nước ngọt/người/ngày. Dự báo tình hình là lượng mưa giảm, nên phải tích cực trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và chiến đấu”.
Là lính quân y, nhưng bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn như tham gia huấn luyện cứu thương, chăm sóc sức khỏe cho anh em thì chàng trung úy còn phải thực hiện nhiệm vụ canh gác như anh em công binh.
Cả đảo chỉ có 3 sĩ quan chỉ huy, một cán bộ quân y, quân khí, còn lại là một số cán bộ trung đội. Đêm xuống, mỗi người căng mắt quan sát chống người nhái xâm nhập. Đêm Trường Sa vào những ngày đó thật dài.
2. Nỗi lo lắng mà Trung úy Nguyễn Đinh Năng phập phồng trong chuyến tàu ra đảo đó là anh em bị đau ruột thừa. Trình độ y học cách đây 34 năm thì việc mổ cho một bệnh nhân ở trên những hòn đảo đơn độc là thử thách không nhỏ. Và rồi nỗi lo lắng đó cũng ập đến khi cậu lính tên Nguyễn Văn Trung bị đau ruột thừa và quân y trên đảo chỉ có một lựa chọn là mổ.
Dưới khu bếp nấu ăn của trung đội, mới sáng sớm đã phát ra âm thanh loảng xoảng của dao kéo khi anh em lấy nồi quân dụng để luộc thiết bị y tế, thanh trùng trước khi đặt lên bàn mổ. Trước giờ mổ, chỉ huy đảo Phan Vinh đã có ý kiến về việc tổ chức phẫu thuật dưới hầm quân y, nhưng chàng trung úy đứng lặng hồi lâu rồi đề nghị xin được mổ trong một ngôi nhà tạm được quây bằng những miếng gỗ ghép.
“Nếu đang mổ mà Trung Quốc lại tiếp tục tấn công thì sao?”. Đã có người đặt câu hỏi như vậy, nhưng trung úy Năng xin được mổ ở nơi có đủ nguồn sáng để ca phẫu thuật được an toàn. Vì ở đảo thì không có đèn chiếu sáng và ở một không gian tù mù thì ca mổ sẽ thêm căng thẳng.
Một đồng đội dúi cho anh bao thuốc lá Đà Lạt để thả lỏng tinh thần trước khi bước vào ca mổ. Trung úy Nguyễn Đinh Năng đứng bên cửa gỗ láng bóng mồ hôi nhìn ra phía biển. Trong lòng anh mong điều tệ hại nhất đừng đến trong thời gian phẫu thuật. Nếu đang mổ mà lại xảy ra chiến sự thì mọi việc xem như hỏng bét.
Mọi nguy cơ đều có thể xảy ra, vì ngày nào giao ban cũng nghe chỉ huy nhắc: “Chuẩn bị nước ngọt dự trữ chiến đấu, tăng cường cảnh giác, đề phòng địch tiếp tục tấn công bất ngờ, không thể tiếp tế nước ngọt!”.
Sau 30 phút phẫu thuật căng thẳng, Trung úy Nguyễn Đinh Năng bước ra khỏi phòng lau mồ hôi, xin thêm điếu thuốc Đà Lạt và hít thở sâu. Ca mổ đã được thực hiện thành công, cán bộ, chiến sĩ trên đảo vui mừng vì đồng đội đã được cứu sống qua khỏi cơn nguy kịch. Chỉ huy đảo lập tức tặng cho chàng trung úy phần thưởng đột xuất là 1kg đường và đậu đen để nấu chè.
3. Gần mười năm về trước, tôi gặp nhà báo Nguyễn Viết Thái ở TP.Nha Trang để hỏi về những nhân vật, số phận của nhân vật trong những tấm ảnh Trường Sa năm 1988 mà anh đã chụp. Anh Thái cho biết, tấm ảnh trung úy quân y mổ ruột thừa trên đảo Phan Vinh ngày đó đã được báo chí đăng tải, là câu chuyện xúc động về tinh thần vừa chiến đấu, vừa hoàn thành nhiệm vụ cứu chữa cho bệnh nhân.
Theo lời chỉ dẫn của anh Thái, tôi đã đi tìm người thực hiện ca mổ tên Nguyễn Đinh Năng. Năm 2014, chàng trung úy ngày nào còn ở đảo đã là Thượng tá Nguyễn Đinh Năng đang giữ cương vị Chủ nhiệm Quân y Học viện Hải quân Nha Trang.
Câu chuyện về việc thực hiện ca mổ trên đảo Phan Vinh được bác sĩ Năng kể lại đầy xúc động và nói rằng, phải quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, tình huống lúc đó thì không được phép lùi.
Trong câu chuyện, bác sĩ Năng còn kể về bóng hồng đã chia tay ngày lên đường ra Trường Sa. Trước đó, ông đi thực tế ở các bệnh viện cơ sở và được trực tiếp mổ ruột thừa cho cô gái này. Sau ca mổ đó, họ trở thành bạn bè, thường xuyên nhắn gửi và ngày anh lên đường ra đảo thì nhận được lời hứa “bao lâu em vẫn chờ…”.
Những ngày ở đảo, ông thường xuyên viết nhật ký và những trang nhật ký đầy ắp những dòng chữ yêu thương. Mỗi khi có tàu hậu cần cập đảo, ông lại rút một trang nhật ký bỏ vào phong thư để gửi về đất liền. Cô gái được ông trao gửi tình cảm tên Quảng Thị Phương Dung, ở TP.Nha Trang.
Năm 2022, nhân sự kiện 34 năm vụ thảm sát Gạc Ma năm 1988, tôi kết nối lại với ông trên mạng facebook và thấy ông đứng bên cạnh người vợ Quảng Thị Phương Dung và con gái Nguyễn Thị Khánh Hòa cùng cậu con trai Nguyễn Đình Thuận.
Bác sĩ Nguyễn Đinh Năng cho biết, năm 2017 ông nghỉ hưu, mang quân hàm đại tá và vẫn tiếp tục cộng tác làm việc cho một số cơ sở y tế tại Nha Trang. Cuộc sống dù đã trôi qua êm đềm, nhưng cứ đến tháng 3 thì lòng lại nhớ đến anh em đã hy sinh, nằm lại ở vùng biển Trường Sa.