Hồi ức tuổi thơ trong “mưa phía quê nhà”

NGUYỄN THỊ VÂN (cựu học sinh lớp 12 chuyên Toán Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông, Hội An, Quảng Nam) 09/08/2021 15:21

(QNO) - Lợi thế của một người giỏi khoa học tự nhiên lại yêu thích văn chương thường thể hiện qua kiểu tư duy logic, cảm xúc đầy ắp mà chặt chẽ, văn phong lôi cuốn nhưng vẫn phảng phất thơm mùi khoa học.

Nguyễn Thị Vân, học sinh lớp 12 chuyên Toán đã có một bài viết gây ấn tượng với Ban Tổ chức cuộc thi Cùng đọc sách khi chia sẻ một tác phẩm văn chương bằng một lối viết khá dung dị và thật đẹp.     

----------------

Mưa phía quê nhà” là tập sách đầu tay của Hoàng Cúc – người sinh ra và lớn lên tại làng biển Bình Minh (Thăng Bình), NXB Hội nhà văn ấn hành năm 2015.

Bìa tập sách “Mưa phía quê nhà”
Bìa tập sách “Mưa phía quê nhà”

Ngay khi ra mắt tới độc giả tại quê hương, với hơn 200 ấn bản được trưng bày vào dịp cận kề Tết Bính Thân - 2016, tập tản văn đã được mọi người đón nhận và ủng hộ nồng nhiệt. Tập sách như một món quà tết bình dị mà Hoàng Cúc muốn gửi tặng cho người dân quê hương mình.

Đầy chân thực, sinh động và không kém phần dung dị, 29 tản văn trong “Mưa phía quê nhà” khiến những ai xa quê cứ mỗi lần mở một trang văn lại như một lần bắt gặp chính bản thân mình trong đó.

Được sinh ra, nuôi dưỡng và lớn lên tại làng biển nghèo khó, tình yêu quê hương trong Hoàng Cúc đã được thai nghén từ thuở nhỏ. Đó là tình yêu với một miền quê “chang chang cát trắng, chang chang nắng mùa và những cơn mưa không về đúng hẹn”, là miền quê mà “sau một đêm, cái làng chài nhỏ ấy trở thành làng đàn bà”, bởi tại cơn cơn bão Chan Chu tàn khốc năm 2006 đã cướp đi sinh mạng 87 ngư dân Bình Minh vô tội, bỏ lại đằng sau bao mái ấm gia đình dang dở, bao hạnh phúc không vẹn nguyên. Có lẽ, chính cái làng biển đặc biệt đó và kỷ niệm những năm tháng tuổi thơ tại nơi đây đã tạo cho Hoàng Cúc nhiều xúc cảm về quê hương, để rồi đúc kết thành tập tản văn này.

Như một thước phim quay chậm, lần lượt những hình ảnh về quê hương, về gia đình, về tuổi thơ và cả những xúc cảm về đất nước, về tình yêu cứ nối tiếp nhau tái hiện trong tập tản văn.

Tuổi thơ trong "Mưa phía quê nhà" là những ngày lụi cụi chạy theo bóng cha ra biển, thả con diều giấy bay cao trong gió chiều, được cha thả vào tay những vỏ ốc biển nhặt được, hay những đêm tháng sáu được “rúc đầu vào lòng ngoại, vòi vĩnh ngoại hát ru”, thậm chí còn là những ngày tháng mười “vui mừng vì nghe trường thông báo nghỉ học chạy bão, thích thú chờ đợi những ngày ăn mì tôm, nằm gậm giường chờ xem gió bão mạnh thổi cối xay bay”…

Mang nhiều cảm xúc hơn cả, “Mẹ là trang sách đầu tiên” trong tập tản văn là một album ảnh cũ mà ở đó, mỗi bức ảnh là một kỷ niệm, một câu chuyện tuổi thơ gắn liền với ký ức về người mẹ đã “xa khuất bên kia con dốc của cuộc đời”.

Đó là lần bị mẹ vẩy mực lên chiếc áo đẹp nhất để dạy cho “tôi” bài học về tính trung thực khi đã lỡ trộm cây bút chì của bạn Hằng cùng lớp, hay là lần mẹ đổi lấy tấm chăn bé của bà để cho mẹ và “tôi” đắp, rồi bảo rằng: “hạnh phúc như một tấm chăn nhỏ hẹp, không đủ ấm cho hai người” để cho "tôi" nhận ra được ý nghĩa và giá trị thực sự của hạnh phúc trong đời.

Lục lại ngăn tủ ký ức xưa cũ, tác giả từng được mẹ may áo mới, chiếc áo được may bằng chính tiền bán mái tóc đen dài của mẹ (“Áo mới ngày xưa”). Hay trong “Đừng trôi nữa trăng ơi”, tác giả đã “mơ một lần được đi hết những ngày trung thu, mong mùa trăng trọn vẹn đêm rằm, một lần như thế thôi, để tìm lại cho mình những ngày đã mất”, đó là một giấc mơ về một cái tết Trung thu đoàn tụ, được “mang chiếc lồng đèn cha làm đi khoe với tụi bạn,… nghe những câu chuyện bà kể về chú cuội, chị Hằng”, một ước mơ về miền Trung với cái nắng đầu ngày, để làm hong khô đi những nỗi lo. Vì Trung thu năm nay: vầng trăng nơi quê nhà miền Trung ấy bồng bềnh trôi trong nước lũ!

Sau bao nhiêu năm đi vun đắp cho cái ước mơ trong đời, tác giả trở lại với chính quê hương, “say gió, say nắng biển quê nhà và xây những lâu đài cát cho riêng mình”. Dẫu biết mình đã lớn khôn nhưng những trò tinh nghịch thời thơ bé vẫn sẽ mãi là một mảnh ký ức tươi đẹp, bình dị neo đậu trong trái tim “tôi”.

Với lối viết dung dị, với cách kể chuyện đầy gần gũi, chân thực, Hoàng Cúc đã tái hiện rõ nét những hồi ức khó quên về làng biển Bình Minh và về khoảng thời gian gian khó trải qua cùng nó.

Gấp sách lại, những câu chuyện, xúc cảm trong "Mưa phía quê nhà" vẫn còn vương vấn trong tôi rất đỗi sâu sắc. Bởi lẽ, là người con cũng được sinh ra và trải qua những tháng ngày thơ ấu tại chính mảnh đất Bình Minh này, nên lòng tôi cũng đau đáu như thế. Tự hỏi: Sợ rằng mai sau, liệu thời gian có làm rêu phong đi những kỷ niệm thơ ấu đó?

-------------------

Bài dự thi “Cùng đọc sách” do Sở GD-ĐT phối hợp Báo Quảng Nam tổ chức trên báo Quảng Nam điện tử. 
Bạn đọc theo dõi thể lệ cuộc thi tại link sau: http://baoquangnam.vn/giao-duc/to-chuc-cuoc-thi-cung-doc-sach-tren-bao-quang-nam-dien-tu-111333.html
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồi ức tuổi thơ trong “mưa phía quê nhà”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO