Hỏi và “đánh bóng chuyền”

NGUYỄN ĐIỆN NAM 20/05/2023 05:15

Nhân một bài viết của doanh nhân Nguyễn Hoàng Nam trên trang VnExpress, tôi đọc thấy nhiều dòng chia sẻ của bạn đọc về tình trạng hiện nay có chuyện “Chờ hỏi cấp trên” khi giải quyết các vấn đề hành chính công vụ, cũng như thủ tục đầu tư dự án các kiểu.

Tóm lược bài viết nêu tình trạng cán bộ, khi giải quyết những thủ tục thường gặp đến các vấn đề chưa có tiền lệ, đụng đâu hỏi đấy, cái gì cũng phải chờ hỏi ý kiến cấp trên. Một dẫn chứng là TP.Hồ Chí Minh trong một năm gửi  584 văn bản hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nguyên nhân tác giả bài viết chỉ ra là cán bộ sợ sai, không dám thực hiện đúng chức trách, nên hỏi cấp trên, hỏi các bộ ngành; hỏi nhiều còn vì sự chồng chéo, thiếu rõ ràng trong hành lang văn bản pháp lý.

Đọc và trộm nghĩ, có lẽ không riêng TP.Hồ Chí Minh mà nhiều tỉnh thành khác cũng có tình trạng này. Nhỏ như cơ quan tôi ở Quảng Nam, chỉ có một dự án nhỏ về đầu tư công nghệ thông tin cũng phải hỏi lòng vòng cả năm rồi mà chưa thực hiện xong vì quy định chằng chịt, tỉnh cũng phải hỏi ra bộ về thủ tục phê duyệt, tư vấn, thẩm định… Lại đọc thêm, thấy có người ở Đà Nẵng phản ánh “các sở ban ngành Đà Nẵng cũng đánh bóng chuyền rất giỏi. Quy trình để phê duyệt dự án nhà ở hình thành trong tương lai giờ rất nhiều thủ tục, giấy tờ. Mà mỗi thủ tục trình các sở ban ngành thời gian ngâm cứu cực kỳ chậm, ký một thủ tục mất tầm 1-3 tháng, sở này hỏi sở kia, sở kia hỏi lên UBND thành phố. Rồi UBND cũng không chắc trả về lại các sở, các sở lại hỏi thêm các UBND quận, huyện. Và thế là doanh nghiệp và nhà đầu tư cứ phải chờ, tốn bao nhiêu thời gian, chi phí vốn vay, nhân lực. Sau khi thành phố phê duyệt xong vài thủ tục, thì lại hết thời gian được triển khai dự án trong chủ trương phê duyệt đầu tư, Luật Nhà ở có một vài thay đổi, lại phải xin gia hạn làm lại thủ tục mới”.

Điều đó dẫn đến hệ lụy rất nhiều dự án không hoặc khó và chậm triển khai, như ở Đà Nẵng hay Quảng Nam năm nay ít thấy dự án khởi công, khánh thành.

Điều đó cũng cho thấy việc hỏi và “đánh bóng chuyền” với thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư sẽ làm nghẽn mạch dòng chảy phục hồi kinh tế xã hội sau đại dịch.

Đứng về phía cán bộ thực thi công vụ, nếu ai tâm huyết việc chung càng lo về điều đó, khi còn tắc trách trong vận hành từ luật đến thông tư, nghị định, nghị quyết, chỉ thị, rồi đến hướng dẫn các loại, mà tệ nhất là có thể xảy ra chuyện ban hành văn bản lằng nhằng, hiểu thế nào cũng được, đến phải thốt lên “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng, chúng em lúng túng chẳng biết đúng sai” (!?).

Hội nghị Trung ương Đảng giữa nhiệm kỳ khóa XIII vừa bế mạc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu đánh giá tình hình, nêu những kết quả ấn tượng trong thời gian qua, nhưng đồng thời chỉ ra những mặt hạn chế cần lưu ý. Trong đó có nêu rằng công tác “lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế; tổ chức thực hiện một số chính sách phục hồi phát triển kinh tế - xã hội có lúc, có nơi còn chậm… Lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, quản lý, sử dụng biên chế có mặt còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu”...

Soi chiếu đánh giá trên với câu chuyện hỏi cấp trên và “đánh bóng chuyền” hẳn sẽ thấy nguyên nhân và cần tìm cách tháo gỡ, trước hết là từ chính sách, luật pháp. Đồng thời cũng phải nhận diện tình trạng “đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là” để tìm ra cách hóa giải hữu hiệu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hỏi và “đánh bóng chuyền”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO