(QNO) - Sáng nay 29.10, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tập trung lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 9.
Thiệt hại nặng nề
Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến 7 giờ sáng nay đã có 9 người chết, 47 người mất tích và 44 người bị thương. Về nhà ở, bão số 9 đã gây thiệt hại hoàn toàn 295 nhà ở (Tam Kỳ 85 nhà, Nông Sơn 45 nhà, Phước Sơn 142 nhà, Nam Trà My 14 nhà, Đại Lộc 7 nhà); 566 nhà bị thiệt hại nặng (Tam Kỳ 560 nhà, Duy Xuyên 6 nhà); 2.359 nhà bị thiệt hại một phần.
Hiện hệ thống thông tin truyền thông không hoạt động được; mất điện toàn tỉnh (trừ khu vực hành chính tỉnh ở TP.Tam Kỳ và trung tâm TP.Hội An); nhiều trường học, nhà công vụ giáo viên, trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng. Hơn 422ha hoa, rau màu, 2.090ha keo, 90ha cây ăn quả bị ngã đổ (số lượng gia súc gia cầm bị thiệt hại đang được thống kê).
Về giao thông, hiện vẫn chưa có thông tin về các tuyến quốc lộ do Cục quản lý đường bộ III quản lý. Các tuyến quốc lộ do Sở Giao thông vận tải Quảng Nam quản lý đã thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng (đang tiếp tục cập nhật). Trong đó, cây cối ngã đỗ, gây tắc các tuyến QL14B, QL14E, QL14H, QL40B và QL24C. QL40B và QL14E sạt lở ta luy dương 6 điểm gây ách tắc giao thông. Nhiều cống bị xói hạ lưu, cầu Suối Re QL40B hư hỏng mố cầu. Các tuyến ĐT thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng (đang tiếp tục cập nhật). Các tuyến đường do địa phương quản lý cũng bị hư hỏng, sạt lở thiệt hại nghiêm trọng.
Bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An) tiếp tục bị sạt lở khoảng 2.500m. Hệ thống đê ngăn mặn ven biển bị sạt lở, hư hỏng nặng tại nhiều vị trí, gây ảnh hưởng đến khả năng ngăn mặn, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của các địa phương ven biển.
Bão số 9 đã làm 12 tàu, ghe bị chìm (3 tàu ở Tam Hải, 1 tàu tại Hội An, 2 tàu và 6 ghe tại Duy Xuyên); làm đổ gãy nhiều cây xanh, cột điện; 5 trụ sở cơ quan thiệt hại 30 - 50%; nhiều lồng bè thủy sản bị hư hỏng…
Với sự cố gắng của các địa phương, tuyến đường Tam Kỳ - Phú Ninh sáng nay đã thông tuyến. Dọc đường ghi nhận khung cảnh tan hoang, cây cối ngã đổ hàng loạt. Tại nhiều đoạn, cây cối đè lên dây cáp viễn thông, các lực lượng chức năng đang nỗ lực dọn dẹp.
Ngoài nhà cửa bị tốc mái, thiệt hại nặng nhất đối với người dân Phú Ninh là các vườn keo. Nhiều vườn keo 2 - 3 năm tuổi đã bị bão quật ngã. Một số người dân đang liên hệ tư thương để bán, được chừng nào hay chừng đó.
Công tác khắc phục hậu quả bão số 9 được thực hiện khẩn trương. Tại các trụ sở hành chính, bệnh viện, trường học…, cán bộ, người lao động các đơn vị tập trung dọn dẹp khuôn viên, vệ sinh nơi làm việc.
* Tại Nông Sơn, theo thống kê ban đầu, mưa bão làm 5 ngôi nhà sập hoàn toàn, 40 ngôi nhà bị tốc mái hoàn toàn, 225 ngôi nhà bị tốc mái một phần. Ngoài ra ngã đổ hơn 40ha keo, 25ha cây ăn quả, 15 trụ điện và hàng trăm cây xanh ven đường gây ách tắc giao thông.
Ông Trần Thiện Thắng - Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nông Sơn cho biết, ngay sau bão đi qua, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung khắc phục hậu quả, giúp nhân dân sửa chữa nhà cửa, tổ chức dọn vệ sinh môi trường, đường giao thông. Ngoài ra, tổ chức thăm hỏi, động viên những hộ bị thiệt hại nặng. Chỉ đạo ngành điện năng khẩn trương khắc phục nhanh các đường dây điện, trạm biến áp để cung cấp điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Tại Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ (xã Sơn Viên), cô Nguyễn Thị Thê - Hiệu phó nhà trường cho biết, toàn bộ 9 phòng học, các phòng làm việc, 30 máy tính, 1 bảng tương tác thông minh, 8 cây đàn organ, tài liệu của nhà trường bị ướt, hư hỏng. Kiểm tra thực tế, chỉ đạo khắc phục hậu quả, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn - Nguyễn Văn Hòa cho biết, đối với trường học bị hư hại, địa phương trích ngân sách huyện để sớm sửa chữa, đảm bảo cho học sinh sớm trở lại trường. Riêng Trường Tiểu học Phạm Phú Thứ bị thiệt hại nặng nên sẽ tạm thời mượn phòng học của các trường tại xã Quế Lộc để đảm bảo chương trình dạy học.
Trên địa bàn huyện, lực lượng xung kích các địa phương cũng đang nhanh chóng thu dọn cây cối, vật ngã đổ, đảm bảo giao thông thông suốt. Cử lực lượng dân quân, đoàn viên, thanh niên hỗ trợ người dân, nhất là các hộ già yếu, neo đơn khắc phục thiệt hại, sửa chữa nhà ở. Chính quyền các địa phương tích cực phối hợp khắc phục các sự cố để sớm cấp điện, nước máy trở lại nhằm đảm bảo sinh hoạt của người dân...
* Tại Hội An, các lực lượng chức năng và người dân thành phố vẫn đang khẩn trương dọn dẹp, khắc phục hậu quả của cơn bão số 9. Thống kê sơ bộ ban đầu, trong đất liền bão số 9 khiến 3 nhà tốc mái hoàn toàn, 3 tàu bị chìm, tốc mái 7 trường học.
Nghiêm trọng nhất là xã đảo Tân Hiệp với 85 trường hợp nhà dân bị tốc mái, trong đó 7 nhà tốc mái hoàn toàn; 1 ghe bị chìm, 8 ghe bị hư hỏng. Ngoài ra, các công trình trường, trạm cũng bị thiệt hại. Hiện tại, địa phương đã triển khai lực lượng dọn dẹp xử lý đất đá sạt lở hoặc bị sóng đánh lên bờ; giúp dân khắc phục sửa chữa nhà cửa… Riêng điện sinh hoạt đã khôi phục được 1 thôn, cố gắng trong ngày này sẽ khôi phục điện sinh hoạt cho 2 thôn còn lại.
Ông Võ Duy Trung - Trưởng phòng Quản lý Khu phố cổ (Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An) thông tin, bão số 9 khiến cây cối trong khu vực phố cổ gãy đổ, bật gốc khá nhiều, tuy nhiên khá may mắn là không gây hư hại các di tích và nhà dân tại đây, kể cả các di tích bị xuống cấp.
Đến giờ cuối giờ sáng nay, 70% số tuyến đường TP.Hội An đã được cấp điện trở lại sau nhiều giờ Điện lực Hội An khẩn trương khắc phục, kiểm tra an toàn lưới điện. Ngành điện thành phố cũng đang cố gắng cấp điện sớm nhất có thể ở những nơi còn lại trong thành phố và một phần khu vực phía đông thị xã Điện Bàn.
Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế Hội An cho biết, hiện nay lũ ở Hội An đang dao động ở mức báo động 3. Thành phố liên tục phát thông báo cho người dân từ chiều hôm qua nên cơ bản chưa gây tác động lớn đến cộng đồng ngoại trừ nhiều tuyến đường trũng thấp ven sông Hoài bị ngập nặng.
* Sáng sớm nay 29.10, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp đưa 600 người dân của thôn Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh (TP.Tam Kỳ) đến tránh trú tại cơ quan Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh trở về lại nhà an toàn. Ngoài ra, các đồn biên phòng cũng đã phối hợp địa phương đưa hàng trăm người dân đến tránh trú tại đơn vị trở lại về nhà sau bão.
Các Đồn Biên phòng cũng đã cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ xuống địa bàn giúp nhân dân dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa, phát quang cây cối bị ngã, nhất là ở các tuyến đường huyết mạch, kịp thời đảm bảo giao thông đi lại thuận tiện.
Bên cạnh khắc phục hậu quả tại đơn vị, lực lượng biên phòng tỉnh đã dốc toàn bộ lực lượng sát cánh cùng quân dân trên địa bàn từng bước giúp người khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.
* Tại Duy Xuyên, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào sáng 29.10, ông Trần Văn Siêm - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải (Duy Xuyên) cho biết, do nằm ngay cửa biển nên cơn bão số 9 đã gây thiệt hại khá nặng cho địa phương. Qua thống kê sơ bộ, toàn xã Duy Hải có 1 người bị thương, 1 nhà sập hoàn toàn, 155 nhà tốc mái một phần. Ngoài ra, trụ sở làm việc của Trung tâm Bồi thường Đông Quảng Nam, nhà sinh hoạt văn hóa các thôn, trường mẫu giáo cũng bị hư hỏng nặng.
“Ngay sau khi bão tan, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát thực tế, hỗ trợ đưa người dân đi sơ tán trở về lại nhà. Đồng thời bố trí lực lượng xung kích vừa cưa cây cối ngã đổ đảm bảo giao thông, vừa hỗ trợ người dân có nhà bị tốc mái khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, điều đáng lo là, gió bão kèm theo sóng lớn đã gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển Duy Hải, đoạn từ thôn An Lương đến thôn Tây Sơn Đông với chiều dài khoảng 7km” - ông Siêm nói.
Theo ông Trần Huy Tường - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban Phòng chống thiên tai & tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên, qua thống kê sơ bộ, toàn huyện có 5 người bị thương, 361 nhà dân bị tốc mái, 1 nhà đổ sập hoàn toàn; 29 trụ điện cao thế, trung thế, hạ thế, điện chiếu sáng bị gãy đổ, nhiều cây cối bị trốc gốc, nghiêng ngã; 2 tàu thuyền, 6 chiếc ghe của ngư dân neo đậu tại âu thuyền Hồng Triều (xã Duy Nghĩa) và một số khu vực lân cận bị sóng lớn đánh chìm.
Mặt khác, khoảng 65ha cây ăn quả của người dân bị gãy, ngã đổ. Nhiều tuyến kè, bờ đê và đất canh tác ven sông Thu Bồn, Ly Ly, Trường Giang ở các xã Duy Thu, Duy Thành, Duy Nghĩa, Duy Hải bị hư hỏng, sạt lở, thậm chí cuốn trôi.
Ông Tường cho hay, thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, ngay trong tối 28.10, huyện Duy Xuyên huy động tối đa nhân lực, vật lực triển khai dọn dẹp vệ sinh trên các tuyến đường, nhất là quốc lộ 14H nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, phương tiện lưu thông và tiến hành thu hồi, xử lý, khắc phục các biển báo giao thông, cổng chào, trụ điện bị nghiêng, ngã đổ.
Chính quyền địa phương cũng đã thăm hỏi, động viên người dân nỗ lực khắc phục thiệt hại. Đối với những nhà dân bị tốc mái toàn bộ, lực lượng xung kích ở mỗi địa phương được huy động đến hỗ trợ sửa chữa, khắc phục.
Cũng theo ông Trần Huy Tường, mặc dù ngành điện huy động tối đa phương tiện, vật tư nhưng do trời tối, nước lũ trên sông Thu Bồn dâng cao nên đến trưa nay hệ thống điện trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện Duy Xuyên vẫn chưa thể khôi phục...
* Tin từ Công ty Điện lực Quảng Nam: Cơn bão số 9 đã làm hàng trăm trụ điện nhiều khu vực cả đồng bằng và miền núi bị ngã đổ, công ty đã chủ động cắt toàn bộ lưới điện 110kV và trạm biến áp 110kV trên địa bàn tỉnh. Theo đó, có 439 nghìn khách hàng trên địa bàn tỉnh mất điện.
Ông Võ Anh Hùng - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, ngay sau bão đi qua, công ty đã chỉ đạo cho đơn vị điện lực trực thuộc huy động toàn bộ lực lượng khắc phục, xử lý trong đêm để kiểm tra, thống kê và lên phương án xử lý sự cố. Toàn ngành phấn đấu khôi phục sớm nhất hệ thống lưới điện hư hỏng, trong đó sẽ ưu tiên cho những khu vực trung tâm hành chính.
Tính đến 19 giờ tối 28.10, PC Quảng Nam đã triển khai xử lý sự cố, khôi phục cấp điện cho một số xuất tuyến ưu tiên tại trung tâm hành chính của TP.Tam Kỳ, Hội An, huyện Đại Lộc, Thăng Bình.
Theo kế hoạch đề ra, trong ngày 29.10, công ty phấn đấu bằng mọi giá phải xử lý, khôi phục cấp điện trở lại cho trung tâm hành chính TP.Tam Kỳ, Hội An và trung tâm các huyện lỵ khác trên địa bàn tỉnh.
Đối với trung tâm huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, do công tác khắc phục, cấp điện trở lại kéo dài trong nhiều ngày, Công ty Điện lực Quảng Nam đã tăng cường 2 máy phát điện lưu động 110kVA để phục vụ điện trong công tác thông tin liên lạc, điều hành xử lý khắc phục hậu quả cơn bão số 9 gây ra.
* Theo thống kê sơ bộ từ Phòng NN&PTNT - cơ quan Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Núi Thành, đến trưa ngày 29.10, toàn huyện có 10 người bị thương, trong đó có 2 người bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Toàn huyện có 12 nhà bị sập (thị trấn Núi Thành sập 11 nhà, xã Tam Tiến 1 nhà); hàng trăm nhà bị tốc mái; làm ngã đổ nhiều cây xanh, cây cổ thụ, trụ điện...
UBND huyện Núi Thành và các xã, thị trấn đang tiếp tục điều tra, thống kê tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương và toàn thể cán bộ - nhân dân nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 9, nhanh chóng ổn định cuộc sống, khôi phục lại hoạt động bình thường ngay sau bão.
* Ở vùng đông Tam Kỳ, Đại úy Hoàng Linh Sơn - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tam Thanh cho biết, ngay sau khi bão tan, đơn vị đã cử 40 cán bộ, chiến sĩ giúp dân dọn dẹp nhà cửa tại 3 xã ven biển Tam Thanh, Tam Tiến, Tam Hòa.
Từ những ngày trước bão, lực lượng biên phòng đã hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa; sơ tán người dân đến Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Trường Cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Quảng Nam. Ngoài ra, đồn phân công hơn 10 cán bộ hỗ trợ người dân xã Tam Tiến (Núi Thành) neo đậu tàu thuyền, chằng chống nhà cửa an toàn.
Ngay từ chiều qua 28.10, sau khi bão tan, lực lượng biên phòng đã bắt tay ngay vào công tác dọn dẹp cây cối ngã đổ, và lên phương án khắc phục những nhà sụp đổ hoàn toàn, thiệt hại nặng nề.
“Cùng với công tác hỗ trợ người dân dọn dẹp nhà cửa, chúng tôi đã bố trí phòng ốc chi đáo để những hộ dân có nhà ở bị hư hỏng do bão có thể trú tạm chờ sửa chữa nhà” - Đại úy Hoàng Linh Sơn nói.
Thiệt hại ban đầu theo ước tính của UBND xã Tam Thanh, có khoảng 18 nhà bị tốc mái hoàn toàn, 1 nhà bị sập. Ngoài ra có 216 nhà tốc mái một phần, 8 trụ điện bị ngã đổ. Tàu thuyền của người dân Tam Thanh đều đã an toàn.
* Tại Đông Giang, địa phương đã di dời, sơ tán 582 hộ/1.527 nhân khẩu nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở đất, ngập lũ đến nơi an toàn. Bão số 9 đã làm 1 người bị thương, tốc mái 154 nhà ở, nhiều cây trồng, gia súc, gia cầm bị thiệt hại. Tuyến QL14G sạt lở 3 điểm với khối lượng đất đá trên 800m3; tuyến đường Hồ Chí Minh sạt lở nhẹ một số điểm; các tuyến đường huyện, xã sạt lở nhiều điểm. Bão cũng đã làm hư hỏng nặng 2 cầu treo tại xã Jơ Ngây và Kà Dăng; đập đầu mối cung cấp nước sinh hoạt, thủy lợi bị vùi lấp, đứt gãy ống dẫn nước một số tuyến tại các xã, thị trấn. Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 8,7 tỷ đồng.
Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết, các ngành chức năng của huyện đang phối hợp với Hạt Quản lý đường Hồ Chí Minh và Hạt Quản lý đường bộ QL14G khắc phục đảm bảo thông giao thông trên các tuyến này. Đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tổ chức dọn dẹp cây ngã đổ trên các trục đường liên xã, liên thôn đảm bảo giao thông đi lại cho nhân dân.
Các địa phương cũng đã đến thăm hỏi, động viên các hộ bị thiệt hại nặng, vận động nhân dân hỗ trợ các hộ có nhà ở bị ngập sâu dọn dẹp, sửa chữa nhà để từng bước ổn định cuộc sống. Địa phương tiếp tục kiểm tra, xác định khối lượng thiệt hại thực tế các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, cầu treo, các mố cầu bị hư hỏng để đề xuất các biện pháp khắc phục.
* Tại Tiên Phước, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết, các tuyến đường quốc lộ, ĐT, ĐH và đường dân sinh trên địa bàn huyện bị ách tắt giao thông do cây cối ngã đổ ra đường. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện có khoảng 1.000 nhà bị thiệt hại 50 - 70% và 1.000 nhà thiệt hại 30 - 50% (chủ yếu là tốc mái, bay tôn, bay ngói, cây ngã đổ đập vào nhà).
Có hơn 20 trường học bị tốc mái, bay tôn, sập tường rào, hầu hết các công trình nhà xe, nhà vệ sinh ở các trường bị tốc mái bay tôn hoàn toàn. Nhiều trụ sở cơ quan cấp xã, huyện bị hư hỏng. Hơn 3.000/5.882ha vườn và hơn 7.000ha rừng keo bị thiệt hại. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả, mô hình chỉnh trang vườn điển hình theo Đề án 548 ở các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu bị thiệt hại nặng trên 80%.
Hiện chính quyền các xã, thị trấn, lực lượng chức năng được tăng cường xuống cơ sở để xử lý, giải quyết các vấn đề cấp bách sau bão, giải phóng nhanh nhất cây cối, trụ điện đổ ngã trên các tuyến đường trọng điểm, phục vụ cho việc đi lại. Đồng thời kiểm tra khắc phục hậu quả, đưa các hộ dân đi sơ tán về nhà, xử lý các trường hợp nhà dân bị thiệt hại nặng, trường học bị hư hỏng...
* Ngay sau khi bão tan, các cấp Hội Chữ thập đỏ trong tỉnh nhanh chóng nắm bắt tình hình thiệt hại và hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả bão số 9.
Sáng 29.10, ông Phan Công Ry - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh cho biết, bên cạnh thành lập các đoàn đến địa bàn bị thiệt hại nặng để đánh giá tình hình thiệt hại và hỗ trợ, thành lập điểm tiếp nhận phân phối hàng cứu trợ, Hội CTĐ tỉnh xuất quỹ dự phòng hỗ trợ gia đình có người chết 2 triệu đồng/trường hợp; đồng thời hỗ trợ 7 tấn gạo, 2.000 thùng mì tôm và các nhu yếu phẩm cho nhân dân khắc phục hậu quả ban đầu.
Các huyện thị thành hội CTĐ, cán bộ, đội viên xung kích CTĐ đã kiểm tra, hỗ trợ dọn dẹp cây cối, vật dụng ngã đổ... tại nhà người dân, cơ quan, công sở.
Ngay trong chiều qua 28.10, Hội CTĐ huyện Tiên Phước đã giúp người dân cưa cây lớn ngã đổ để thông tuyến quốc lộ 40B; Hội CTĐ xã Bình Đào (Thăng Bình) dọn cây ngã đổ chắn ngang đường, giúp người dân đi lại thuận tiện.
Trước đó, sáng 28.10, trước khi bão đổ bộ vào Quảng Nam, Hội CTĐ huyện Đại Lộc hỗ trợ tiền mặt (200 nghìn đồng/hộ) và nhu yếu phẩm cho 12 gia đình tránh bão tại sân vận động thị trấn Ái Nghĩa và 55 hộ tại Trường Mẫu giáo xã Đại Đồng và chùa Đại Đồng. Tổng số tiền hỗ trợ 16 triệu đồng.
* Sở Giao thông vận tải cho biết, do ảnh hưởng của mưa và cơn bão số 9, nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh đã bị chia cắt do đất, đá sạt lở và cây cối ngã đỗ chắn ngang lòng đường.
Ghi nhận trên tuyến quốc lộ (QL) 40B, đoạn qua Phú Ninh, Tiên Phước, Bắc Trà My, hầu như lý trình ki lô mét nào cũng có cây cối ngã đổ ra đường. Lực lượng của đơn vị quản lý và địa phương nhanh chóng cắt, tỉa và đã thông xe bước một. Vẫn trên tuyến QL này, đất, đá từ taluy dương lý trình km68+100 qua xã Trà Đốc (Bắc Trà My) đổ ập xuống hàng chục nghìn mét khối làm tắc đường nhiều giờ liền; đoạn lý trình km85+000 đến km104+000 (địa phận Bắc Trà My và Nam Trà My) cũng bị ách tắc do cây ngã đổ và sạt lở tại 4 điểm, nặng nhất ở km96+750.
Khoảng 12 giờ trưa nay, việc thông xe bước một qua km68+100 của QL40B gần như hoàn tất, khi đơn vị quản lý là Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam đã mở lối đi tạm phía bên phải tuyến, gần sát bờ lòng hồ Sông Tranh. Trao đổi tại hiện trường, Tổng Giám đốc công ty - ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, trước mắt làm đường tạm như vậy để thông xe lên hướng Nam Trà My. Còn đất, đá sạt lở đang nằm trên lòng đường chính, đơn vị sẽ tiến hành hốt dọn ngay. Tuy nhiên, một khối lượng đất, đá lớn hàng chục nghìn mét khối khác, nhất là đá tảng từ phía vách cao taluy dương nằm “chơi vơi” có thể sạt xuống bất kỳ lúc nào, rất nguy hiểm cho người đi đường. Chính vì vậy, đơn vị đang xin phép để khoan nổ mìn phá khối đá này, sau đó tiến hành bạt và kè taluy dương bằng rọ đá.
Trên tuyến QL14H, đơn vị quản lý đường là Công ty TNHH Kỳ Trung từ chiều và tối hôm qua triển khai lực lượng chặt phá cây cối bị ngã đỗ và đã thông xe bước một lên đến km60+700 (Nông Sơn). Ngày hôm nay, doanh nghiệp sẽ tiếp tục chặt dọn cây cối từ đoạn km60+700 đến km73+540, song muốn thông xe được vẫn phải chờ nước lũ rút xuống.
Theo báo cáo nhanh của Sở Giao thông vận tải, nhiều tuyến đường tỉnh (ĐT) còn bị ách tắc lưu thông do nước ngập sâu, cây cối ngã đỗ, trụ điện gãy chắn ngang đường (tuyến ĐT613B). Chiều qua và sáng nay, các lực lượng liên quan đã nỗ lực triển khai dọn dẹp vật cản và hiện đã thông xe nhiều vị trí. Tuy nhiên, tuyến ĐT606 qua địa bàn huyện Tây Giang chưa thể thông xe đoạn lý trình km41+000 trở lên.
Theo ông Huỳnh Phước Đức - Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng và thương mại Phước Mạnh (đơn vị chịu trách nhiệm quản lý tuyến ĐT606), đoạn lý trình km41+000 vừa thông xe xong mới đây, nay đã lại bị ách tắc do có cung trượt hàng trăm nghìn mét khối đất, đá ở taluy dương đổ xuống. Đơn vị đang tiếp tục nỗ lực để xúc dọn nhằm thông xe bước một qua vị trí này và nhiều vị trí khác ở phía trên.
* Sáng 29.10, công tác khắc phục bão số 9 được các địa phương trên địa bàn huyện Hiệp Đức gấp rút triển khai.
Bình Lâm là một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề, trụ sở UBND xã bị tốc mái một số phòng làm việc; nhà văn hóa xã và 847 nhà bị tốc mái, 1 nhà tạm bị sập; 4 trụ điện bị ngã đổ. Ngay sau khi bão tan, xã Bình Lâm tổ chức họp khẩn, chỉ đạo các đoàn công tác xuống từng khu dân cư thống kê thiệt hại và giúp người dân khắc phục hậu quả.
Còn tại xã Quế Thọ, ngay từ sáng sớm, toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Tiểu học Kim Đồng được điều động để dọn dẹp vệ sinh, khắc phục hậu quả. Đây là ngôi trường bị thiệt hại nặng nề khi có hai dãy phòng chức năng của bị tốc mái hoàn toàn, nhiều cây xanh ngã đổ la liệt.
Theo số liệu thống kê của huyện, tuy không thiệt hại về người nhưng hiện có 1 trường hợp thất lạc chưa tìm được. Về nhà ở, có 6 nhà bị sập hoàn toàn, 122 nhà bị tốc mái hoàn toàn, hơn 4.700 căn nhà bị tốc mái một phần. Cầu ngầm thôn Mỹ Thạnh bị hư hỏng nặng. Trụ sở làm việc của 3 xã Bình Lâm, Quế Thọ và Thăng Phước bị tốc mái; nhà thi đấu đa năng, sân vận động huyện bị thiệt hại nghiêm trọng, nhiều nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, trạm y tế xã bị tốc mái... Toàn huyện có hơn 31 phòng học bị tốc mái. Về nông nghiệp có hơn 1.100ha cao su và hơn 9.600ha keo bị ngã đổ…
* Tại Thăng Bình, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết, bão số 9 đã làm 3.320 ngôi nhà bị tốc mái, xiêu vẹo. Trong đó, bão đã làm hư hỏng 60m tường rào, sập nhà xe, mái che tại một trường học ở xã Bình Phú; tốc mái 7 phòng học, nhà về sinh tại trường học, 3 nhà văn hóa thôn ở Bình Đào; tốc mái 20 phòng học tại các trường ở thị trấn Hà Lam. Nhiều cây cối, trụ điện ngã đổ gây ách tắc giao thông, mất điện toàn huyện; thiệt hại 1.000ha keo, 45ha cao su tại xã Bình Phú.
Bên cạnh đó, bão số 9 đã làm 2 tàu bị chìm ở bến Hồng Triều (gồm tàu QNa 95059 của ông Trần Công Đông - thôn Tân An, xã Bình Minh và tàu QNa05506 của ông Lê Bình tại xã Bình Dương).
Hiện các xã, thị trấn đang khẩn trường phân công lực lượng xung kích phối hợp với lực lượng của huyện kiểm tra phát dọn cây ngã đổ để lưu thông, kiểm tra sơ bộ tình hình thiệt hại trên địa bàn.
* Tại Điện Bàn, đến 14 giờ chiều nay toàn thị xã vẫn chưa có điện trở lại. Sáng nay, lực lượng chức năng cũng đã hỗ trợ đưa 23 hộ di dời tập trung trở về nhà.
Thống kê sơ bộ từ Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã, địa phương có gần 200 ngôi nhà bị thiệt hại do tác động của bão số 9. Có 14 người dân bị thương tích do té ngã khi chằng chống nhà cửa, đốn hạ cây cối..., trong đó có 9 trường hợp đang điều trị tại bệnh viện.
Chị Đặng Thị Bảo Trinh - Bí thư Thị đoàn Điện Bàn cho biết, từ tối 28.10 đoàn viên thanh niên các xã phường đã xung kích phối hợp cùng với lực lượng vũ trang, công nhân môi trường dọn dẹp cây cối ngã đổ, thông các tuyến giao thông, vệ sinh cơ sở giáo dục đến chiều nay cơ bản hoàn thành.
Do ảnh hưởng của xả lũ, mực nước tại Điện Bàn đang dao động dưới mức báo động 3, một số vùng trũng thấp chủ yếu thuộc xã Điện Phương, 3 xã vùng Gò Nổi đã bị ngập sâu từ 0,5 - 1m. Tuyến ĐT608 từ Vĩnh Điện đi Hội An bị chia cắt do ngập nên lực lượng chức năng đã cấm lưu thông từ tối qua.
* Tại Đại Lộc, cùng với bão, chiều tối và đêm 28.10, vùng hạ du của các thủy điện cũng xuất hiện lũ lên nhanh. Sau lũ, chính quyền và người dân các địa phương đang nỗ lực khắc phục thiệt hại. Sáng 29.10, khi nước vừa rút, lãnh đạo huyện Đại Lộc đã có mặt kịp thời trực tiếp đến hỗ trợ gia đình có người chết (tại xã Đại Quang) và bị thương do bão lũ, chia sẻ nỗi đau, mất mát của người dân.
Theo Thiếu tá Hoàng Ngọc Huân - Trợ lý Chính trị Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Đại Lộc, chiều 29.10, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị và các xã/thị trấn phối hợp với lực lượng Kho Công binh hỗ trợ dọn bùn non, rác thải, cây cối ngã đổ tại 4 trường học bị ngập nặng trên địa bàn là Tiểu học Trần Tống, Mầm non Đại Quang, Tiểu học Đại Hòa và Mẫu giáo Bình Minh.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó trưởng Ban PCTT&TKCN huyện cho hay, toàn huyện có 23 người bị thương do bão lũ; có 7 nhà xiêu vẹo, 395 nhà tốc mái. Diện tích chuối và cây ăn quả, lâu năm khác bị thiệt hại là 100ha. Đáng nói, có tới 139 lồng nuôi cá bị hư hỏng, thiệt hại hoàn toàn với tổng sản lượng 80 tấn.
Sau bão lũ, huyện đã thành lập 3 đoàn công tác đứng chân ở cơ sở để chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ. Trước mắt, tập trung hỗ trợ các trường học dọn dẹp vệ sinh môi trường để sớm ổn định việc dạy học trở lại. Huyện cũng chỉ đạo ngành y tế khử trùng, vệ sinh nguồn nước sau lũ; tổ chức phun hóa chất, tiêu độc môi trường tại các vùng trũng thấp, các chợ, các địa điểm có vật nuôi chết do dịch, do ngập nước trong lũ, tránh dịch bệnh phát sinh.
Đối với các điểm sạt lở tại làng mới Phương Trung và thôn Song Bình, địa phương vận động người dân tiếp tục ở khu vực sơ tán để đề phòng rủi ro. Phải chờ khi nắng ráo mới tiến hành các biện pháp khắc phục sạt lở tại 2 điểm này “Riêng với hộ nuôi thủy sản trong lòng hồ Khe Tân bị thất thoát, thiệt hại 100% do bão số 9, huyện đã báo cáo Sở NN&PTNT có hướng hỗ trợ” - ông Mẫn nói.
* Bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề tại huyện Quế Sơn, chính quyền địa phương và người dân đang tích cực khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống.
Ông Lưu Văn Thành - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, bão số 9 gây nhiều thiệt hại cho địa phương, đặc biệt là khu vực vùng trung và vùng tây. Bão đã làm 5 người bị thương (thị trấn Đông Phú 2 người, thị trấn Hương An 2 người, xã Quế Phú 1 người); làm sập và tốc mái hoàn toàn 25 căn nhà; tốc mái một phần hàng nghìn ngôi nhà. Rất nhiều diện tích cây keo lá tràm và hoa màu của người dân bị ngã đổ, hư hại chưa thể thống kê hết. Bão cũng đã làm sạt lở nhiều tuyến đường giao thông; làm gãy, đứt hệ thống đường dây điện gây mất điện tại các địa phương.
Theo ông Đinh Nguyên Vũ - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự chủ động, tích cực của người dân trong công tác phòng chống bão số 9 nên Quế Sơn không có thiệt hại về người. Tuy nhiên, cường độ gió quá lớn đã gây thiệt hại nặng về tài sản của người dân.
Sau khi bão số 9 tan, lãnh đạo huyện đã đến thăm hỏi, động viên những gia đình bị thiệt hại nặng; phân công thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN của huyện xuống địa bàn cơ sở nắm tình hình. Đồng thời chỉ đạo các lực lượng quân đội, công an, thanh niên xung kích ở các địa phương ra quân dọn dẹp cây cối ngã đổ trên các tuyến đường; giúp người dân sửa chữa nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống.
“Đến chiều 29.10, tất cả tuyến đường ĐT, ĐH, ĐX và đường dân sinh trên địa bàn huyện Quế Sơn đã được thông tuyến, đảm bảo cho người và phương tiện qua lại. Huyện cũng đang phối hợp với ngành điện lực khẩn trương khắc phục sự cố mất điện và tiếp tục thống kê thiệt hại để có phương án hỗ trợ người dân kịp thời” - ông Đinh Nguyên Vũ thông tin.