Ngày 17.7, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định 1956 (BCĐTƯ) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT). Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐTƯ Nguyễn Thiện Nhân chủ trì hội nghị.
BCĐTƯ khẳng định đề án đã đạt được nhiều kết quả nhưng cũng tồn tại không ít hạn chế cần khắc phục. Qua 3 năm (2010 - 2012) thực hiện đề án Đào tạo nghề cho LĐNT, toàn quốc đã hỗ trợ dạy nghề cho 1.088.393 LĐNT với tổng nguồn kinh phí hơn 1.641 tỷ đồng. Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trong số người đã học nghề có hơn 822.460 người có việc làm mới hoặc làm nghề cũ có năng suất, thu nhập cao hơn, đạt 78,9%. Bộ LĐ-TB&XH đánh giá trong những năm đầu triển khai, nhiều địa phương còn lúng túng do chưa có kinh nghiệm thực hiện nên số LĐNT được học nghề chưa nhiều. Toàn quốc có 783 cơ sở dạy nghề ở địa phương cùng trên 200 doanh nghiệp và 400 cơ sở có đủ điều kiện dạy nghề đã cùng tham gia đào tạo nghề. Tại Quảng Nam, đã có 12.126 LĐNT được đào tạo nghề với các nghề chủ yếu như nuôi gà thả vườn, mộc dân dụng, cá nước ngọt, may công nghiệp, thú y... Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT cũng đang tồn tại nhiều hạn chế, lãng phí. Việc dạy nghề chưa đáp ứng được yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp, phát triển công nghiệp. Chất lượng dạy nghề gói gọn trong những khóa đào tạo ngắn hạn nên không đạt chất lượng cao, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều nơi việc dạy nghề còn chạy theo số lượng, mang tính áp đặt, không sát nhu cầu người học và không phù hợp quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Bên cạnh đó, nhiều địa phương chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ngành; đầu tư sai đối tượng, chưa giới thiệu được nghề học phù hợp; thực hiện giám sát, kiểm tra mang tính hình thức; vấn đề việc làm sau học nghề ở một số nơi bị bỏ ngỏ...
D.LỆ