Hơn 19.800 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn 2011-2015

CÔNG TÚ 10/08/2017 15:11

(QNO) - Sáng 10.8, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng Nguyễn Quang Dũng - đại biểu Quốc hội đơn vị Quảng Nam đã chủ trì buổi làm việc giữa đoàn giám sát công tác quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn với các Sở: GTVT, KH-ĐT, Tài chính, Xây dựng. 

Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình đề nghị các ngành mổ xẻ những bất cập. Ảnh: CT
Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phan Thái Bình đề nghị các ngành thẳng thắn mổ xẻ những bất cập trong đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: C.T

Báo cáo với đoàn, Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính Sở GTVT, ông Võ Công Phúc cho biết, giai đoạn năm 2011-2016 là thời kỳ chuyển giao của 2 giai đoạn quy hoạch phát triển ngành GTVT (2005-2015 và 2015-2030), UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ cho Sở GTVT thực hiện lập Quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH giai đoạn 2015-2020, Đề án phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016-2020 và đã được HĐND tỉnh quyết nghị thông qua. Cùng với các quy hoạch phát triển vùng đông, vùng tây của tỉnh, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lại, TP.Tam Kỳ và các địa phương khác, Sở GTVT tham mưu UBND tỉnh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng giao thông quan trọng và hỗ trợ phát triển mạng lưới đường ĐH, đường giao thông nông thôn.

Thi công tuyến đường nối đường ven biển đến quốc lộ 1 qua huyện Thăng Bình. Ảnh: CT
Thi công tuyến đường nối đường ven biển đến quốc lộ 1 qua huyện Thăng Bình. Ảnh: C.T

Giai đoạn 2011-2015, Chính phủ thực hiện các giải pháp cắt giảm, tái cơ cấu đầu tư công nên ảnh hưởng lớn đến phát triển của ngành GTVT, nhất là trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng. Vốn đầu tư phụ thuộc phần lớn vào ngân sách trung ương nên tỉnh gặp những khó khăn nhất định. Tổng vốn đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng GTVT giai đoạn này trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 19.800 tỷ đồng. Một số công trình trọng điểm tiếp tục triển khai hoàn thành (cầu Cửa Đại, mở rộng quốc lộ 1, cầu Giao Thủy…), nhiều tỉnh lộ được nâng cấp, mở rộng, sửa chữa mặt đường. Đường ô tô đến trung tâm tất cả các xã được giải quyết căn bản, tỷ lệ đường huyện có mặt đường nâng từ 50% lên 70,7%; giao thông nông thôn được kiên cố hóa từ 49% được nâng lên 66%, giao thông đô thị giữ vững tốc độ phát triển, cảng biển Kỳ Hà, cảng hàng không Chu Lai duy trì tốt hoạt động, kết cấu hạ tầng phục vụ hoạt động vận tải như bến xe, trạm dừng nghỉ, cơ sở sát hạch lái xe từng bước được hoàn thiện phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Riêng tổng vốn đầu tư phát triển do Sở GTVT quản lý giai đoạn 2011-2015 là 2.094,39 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương (127,876 tỷ đồng), ngân sách địa phương (631,136 tỷ đồng), trái phiếu chính phủ (1.098,2 tỷ đồng)... dùng để cải tạo nâng cấp, xây mới một số tuyến giao thông. Năm 2016, là năm đầu tiên triển khai kế hoạch đầu tư trung hạn theo Luật Đầu tư công, ngoài việc tiếp tục triển khai các công trình giao thông chuyển tiếp, UBND tỉnh đã phê duyệt khởi công mới 28 công trình với tổng mức đầu tư 2.017 tỷ đồng; trong đó UBND tỉnh bố trí cho các dự án do Sở GTVT quản lý 389,612 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh An nêu lên những vướng mắc về cơ chế trong đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: CT
Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Thanh An nêu lên những vướng mắc về cơ chế trong đầu tư hạ tầng giao thông. Ảnh: C.T

Tại buổi làm việc, đại diện các Sở: Xây dựng, KH-ĐT, Tài chính cũng đã nêu lên một số điểm nhấn quan trọng về tình hình đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông; thực trạng mạng lưới giao thông đô thị; việc huy động, phân bổ và quản lý nguồn vốn đầu tư. Các ngành liên quan cũng đã thẳng thắn đề cập đến những hạn chế, bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư... Qua đây, nhiều đề xuất được đưa ra để Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền giải quyết.

Đối với Sở GTVT, ngành kiến nghị Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số nội dung của Luật Đầu tư công để giải quyết vướng mắc phát sinh trong thời gian đầu thực hiện, nhất là các thủ tục thẩm định nguồn vốn, phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư khi có phát sinh tăng kinh phí vượt tổng mức đầu tư; bổ sung quy định để cấp huyện lập quy hoạch phát triển ngành GTVT. Chính phủ và các bộ, ngành ở trung ương tăng hạn mức chỉ định thầu để đơn giản thủ tục đầu tư; bổ sung kế hoạch vốn bảo trì tại thời điểm công trình dự kiến hoàn thành; cho phép các Sở GTVT thành lập cơ quan trực thuộc để quản lý khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả quản lý các dự án bảo trì. Sở GTVT còn kiến nghị HĐND, UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư tăng cường công tác tổng hợp số liệu hàng năm; phân cấp cho UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch, lựa chọn danh mục công trình để đầu tư trong hạn mức ngân sách được tỉnh hỗ trợ, chủ động lập chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành sớm ban hành giá nhân công xây dựng, nâng cao chất lượng các công bố giá vật liệu xây dựng, kịp thời điều chỉnh giá cước vận tải hàng hóa...  

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hơn 19.800 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông vận tải giai đoạn 2011-2015
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO