(QNO) - Chiều nay 22.7, Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Quảng Nam họp đánh giá kết quả hoạt động tín dụng chính sách 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ các tháng cuối năm 2022.
Tính đến ngày 30.6, tổng nguồn vốn Ngân hàng CSXH Quảng Nam đạt 6.167 tỷ đồng (tăng 601 tỷ đồng so với đầu năm). Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 6.150 tỷ đồng (tăng 597 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 10,74%).
Một số chương trình cho vay tăng trưởng cao so đầu năm gồm hỗ trợ việc làm; duy trì và mở rộng việc làm; hộ cận nghèo; hộ nghèo... Riêng cho vay theo Nghị quyết 11 đã giải ngân số tiền hơn 184 tỷ (tỷ lệ 66,94% với 2.821 khách hàng vay vốn).
Đến ngày 30.6, nợ quá hạn và nợ khoanh của Ngân hàng CSXH Quảng Nam chiếm tỷ lệ 0,16%. Toàn tỉnh có 2 phòng giao dịch ngân hàng chính sách ở TP.Hội An và Phước Sơn không có nợ quá hạn.
Ông Lê Hùng Lam - Giám đốc Ngân hàng CSXH Quảng Nam đánh giá, trong 6 tháng đầu năm, đã hoàn thành tốt việc giải ngân, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho hộ nghèo, chính sách sản xuất, kinh doanh; đồng thời quản lý an toàn nguồn vốn, giữ vững chất lượng tín dụng. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH Quảng Nam tiếp tục được đầu tư đúng đối tượng, hiệu quả.
Trong 6 tháng đã có 31.539 lượt hộ nghèo, chính sách được vay vốn, trong đó có 13.203 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn; tạo việc làm cho 8.336 lao động, có 28 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài; giúp 337 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng, cải tạo hơn 13.800 công trình nước sạch vệ sinh; xây dựng 241 ngôi nhà ở xã hội...
Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH Quảng Nam thông qua nhiệm vụ triển khai trong thời gian tới là tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng chính sách thông qua việc nâng cao chất lượng bình xét khi cho vay, chất lượng hoạt động tổ vay vốn, chất lượng hoạt động ủy thác và chất lượng giao dịch ở xã.
Ngân hàng Chính sách phối hợp với các ban, ngành, hội đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng chính sách năm 2023 từ các thôn/khối phố để phản ánh đúng nhu cầu thực tế của các đối tượng thụ hưởng. Cùng với đó, tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được Trung ương giao năm 2022, đặc biệt là tập trung giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, nhất là chương trình cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khi có hướng dẫn cụ thể…