Trong chương trình hội thảo “Những quy định liên quan đến quyền lợi khám chữa bệnh của trẻ dưới 6 tuổi trong dự thảo bảo hiểm y tế (BHYT) sửa đổi” vừa được Viện Nghiên cứu lập pháp và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, số trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT tăng dần theo năm. Nếu năm 2010 có 7,84 triệu trẻ em được cấp thẻ (chiếm 94,31% trẻ em) thì năm 2013 có 9,32 triệu trẻ em được cấp thẻ (chiếm 95,67% trẻ em). Theo đó, còn hơn 400.000 trẻ em dưới 6 tuổi chưa được cấp thẻ BHYT trong năm 2013.
Cũng theo BHXH Việt Nam, một số khó khăn trong công tác triển khai cấp thẻ BHYT và khám chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi đó là tuyên truyền đến với người dân vùng sâu vùng xa còn hạn chế, cha mẹ của các trẻ còn thiếu nhận thức về chủ trương cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi. Nhiều trường hợp các cháu sử dụng giấy khai sinh để đi khám chữa bệnh, quỹ bảo hiểm vẫn phải chi trả cho các đối tượng này nhưng đồng thời cơ quan BHXH cũng phải thanh toán chi phí khám chữa bệnh mà không được bổ sung kinh phí mua thẻ BHYT.
Việc lập danh sách cho trẻ dưới 6 tuổi trên địa bàn chưa được kịp thời và đầy đủ dẫn đến việc chậm chuyển danh sách cho cơ quan BHXH để tiến hành cấp thẻ cho đối tượng này. Tuy nhiên, hiện nay trẻ đi khám chữa bệnh vẫn phải tự nộp một khoản chi phí không nhỏ do cơ sở khám chữa bệnh đưa ra như chi phí chênh dịch vụ kỹ thuật, ngoài danh mục mà cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện và một số chi phí khác do phẫu thuật. Tỷ lệ trẻ em phải tự chi trả chiếm 18%. BHXH Việt Nam đề xuất cần giao trách nhiệm lập danh sách cho đơn vị đủ khả năng. Tăng cường tuyên truyền ở những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào thiểu số về cấp thẻ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi để thúc đẩy kê khai và lập danh sách kịp thời. Vận động các tổ chức, cá nhân, tích cực ủng hộ, tài trợ cho những chi phí còn lại chưa được thanh toán cho trẻ dưới 6 tuổi khi mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
A.T