Chiều 14.10, đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với Sở NN&PTNT về công tác bảo tồn, phát triển dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh từ năm 2016 - 2019. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Hoàng Minh đến dự.
Theo Sở NN&PTNT, tổng diện tích cây dược liệu trên toàn tỉnh là hơn 7.300ha, trong đó vùng núi cao chiếm tỷ lệ 90,8%. Hiện nay, công tác thu hái dược liệu chủ yếu là thu hái thủ công, chưa có đơn vị nào đứng ra tổ chức sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm cho người dân. Việc tiêu thụ cây dược liệu hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường, do đó giá thành không ổn định và khả năng rủi ro cao. Sở NN&PTNT cho biết, việc điều tra rừng để cho thuê môi trường rừng trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Nam Trà My với các tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân thuê môi trường rừng để trồng cây sâm Ngọc Linh. Các nội dung cho thuê môi trường rừng để trồng các cây dược liệu khác dưới tán rừng gần như chưa có tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân thực hiện. Đến nay có 7 tổ chức được thuê môi trường rừng với diện tích phê duyệt là hơn 220ha, trong đó, 5 tổ chức đã ký hợp đồng thuê môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích là 97,31ha; diện tích đã trồng sâm Ngọc Linh đến cuối năm 2018 là 15,46ha. Ngoài ra, UBND huyện Nam Trà My đã phê duyệt hồ sơ thuê môi trường rừng cho 29 nhóm hộ với 453 hộ gia đình tại 6 xã (Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam, Trà Leng, Trà Dơn, Trà Tập) với diện tích gần 429ha để trồng sâm Ngọc Linh.