Những suy nghĩ mặc định kiểu “chỉ có trong tiểu thuyết” đã được tác giả Trần Tuấn thay đổi với góc nhìn sắc lẹm trong cuốn “Vượt qua tiểu thuyết”.
Trần Tuấn (Trần Ngọc Tuấn - Trưởng văn phòng Báo Tiền phong tại Đà Nẵng), đặt tên cho cuốn ký sự nhân vật của mình là “Vượt qua tiểu thuyết” (NXB Hội Nhà văn). Đó là những gương mặt tiểu thuyết nhưng không là tiểu thuyết. Lạ lùng, vô lý, không ngờ, đan xen với tang chứng vật chứng rõ ràng. Một cách chơi chữ… rất thơ khi anh là tay làm thơ có hạng.
Bạn đọc sẽ gặp ở đây những người quen: nguyên Bí thư Thành ủy Hội An là ông Nguyễn Sự; Lê Công Cơ - người sáng lập Đại học Duy Tân; những nhân vật bay đêm của không quân một thuở làm nên huyền thoại bầu trời đối mặt với máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc; ông Năm Thắng “bao công” hiếm hoi chỗ dựa cho những dân oan và cánh báo chí chống tiêu cực; ông Nhi khùng ở tuốt Hòn Kẽm Đá Dừng; Tư Hòa ở Điện Nam hay ông Hoàng chuyên viết đơn kiện ở Đức Phổ… Những ký sự in báo, được anh gom lại thành tập. Có đủ thành phần từ quan chức đến kỹ sư, nông dân chay đến thầy chùa, trí thức đến người gánh nước thuê...
Đọc ký sự của Trần Tuấn, dễ nhận thấy anh xác lập “kiềng ba chân” để xác định đưa lên “bàn mổ”, là phải... 3 kỳ: vùng đất kỳ ảo - nhân vật kỳ lạ - câu chuyện kỳ bí. Các nhân vật trong cuốn sách này, hầu hết là những người kỳ lạ. Ông Nguyễn Sự làm cũng lạ mà nghỉ hưu cũng lạ.
Ông Lê Công Cơ như kẻ “trả học phí bằng máu” lần nữa với việc bền gan dựng đại học tư thục đầu tiên ở miền Trung. Ông Lại Phiền Hà chuyên làm chuyện… phiền hà như xây nhà vệ sinh miễn phí, cứu người bị nạn trên đỉnh Hải Vân, rồi còn làm thơ. Nhi Khùng ở Nông Sơn không bỏ sót đám ma nào, không ai kêu cũng tới giúp một tay, lại vô cùng căm ghét lâm tặc.
Kỹ sư Trần Bá Dương, người mà đến nay, nói thẳng là đất Quảng Nam phải mang ơn ông, khi biến vùng đất trắng Chu Lai thành tổ hợp cơ khí khổng lồ. Ông Năm Thắng - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, chỗ dựa tinh thần của bao dân oan và báo chí chống tiêu cực… Họ kỳ lạ ở chỗ không kỳ lạ, là vượt lên chính mình, làm được điều thiên hạ không làm, không dám làm, không nghĩ, chưa từng nghĩ và hoàn toàn có thể e hèm rằng họ... không tưởng.
Tuyến thứ hai, là những nhân vật bi kịch dông gió như Tư Hòa, anh Thế, cả ông Hoàng chuyên viết đơn kiện miễn phí, cả đời mẹ Nhứt đau thương nữa. Những người vô danh, nhưng chuyện của họ buộc kẻ khác phải ngước nhìn: thầy giáo Thạch Gia Trang chuyên luyện gà giật giải Olympia; ông Đường gánh nước thuê ở Hội An; ông già cựu binh 80 tuổi mày mò học tiếng Anh để online với cựu binh Mỹ ngõ hầu tìm xác đồng đội; một trụ trì, thuở nhỏ Phật đã… chấm, tưởng đã an yên với gia đình, vợ con, nhưng đến 60 tuổi thì xuống tóc, vào chùa, sống trong kham khổ nhưng an lạc với chùa làng, hành trì công phu đúng với lời Phật dạy, tu ở tâm, niết bàn nằm ở chính ta chứ đâu phải chùa to điện lớn.
Cái nhìn của tác giả rất rõ: Với mọi nhân vật và câu chuyện, hơn cả chuyện thán phục, chính là tình yêu dành cho họ, bởi qua họ, một lăng kính khác thấu chiếu khả năng của con người, những người thực sự có trách nhiệm với cộng đồng, không vị kỷ, toan tính.
Ngay cả những người quyết cải hoán đời mình oan khốc, đau thương, họ cũng không phải đòi công lý cho họ, mà chính là một chỉ dấu như điều buộc phải có, phải đến, phải hiện diện bởi lẽ công bằng chính là thước đo của xã hội văn minh. Qua họ, gửi một điều khác: Ai cũng có thể vượt lên chính mình. Những điều họ làm, thật ra là đúng với khả năng con người chứ không phải gì ghê gớm, nhưng họ hơn chúng ta là không đạp lên bóng mình, không chịu đứng yên, và như thế họ viết một câu chuyện hơn cả tiểu thuyết, bởi có gì hấp dẫn kỳ lạ hơn chính đời sống.
Khen tác giả viết có nghề, là thừa, bởi Trần Tuấn là cây bút ký sự - phóng sự có thương hiệu hơn 30 năm qua. Nhưng bạn đọc, nhất là người viết ký, sẽ tìm thấy ở đây cách khai thác. Mọi thứ bài bản, trình tự lớp lang, tỉ mẩn, được diễn đạt trong sáng, mạch lạc và giàu hình ảnh.
Điều muốn nói hơn, là tác giả “lộ” cái nhìn hơi hiếm: luôn ngạc nhiên! Ngạc nhiên đến sững, đến… ngây ngô như thể muốn thốt lên lạ lùng trước câu chuyện, chi tiết nào đó, từ đó đào sâu vào, dựng không khí, truy đến tận cùng và liên tưởng đi xa. Mọi thứ bình thường như bị bóc tách ra, bởi đằng sau đó là cả một kho sự kiện, chi tiết.
Đây là “vũ khí” cần có, phải có và đặc biệt của người viết phóng sự ký sự, nhìn được cái thiên hạ không nhìn ra. Ngây thơ không phải là ngơ, mà là luôn nhìn thấy mới/ lạ. Đây là sự khác biệt của người chuyên dụng thể loại này với ai chỉ lướt qua, phản ánh. Đọc 21 bài ký này khá thú vị và mệt, như chính tác giả bình thường đối diện mình kể chuyện gì đó, sợ người ta không hiểu nên nói rất nhanh, rất dài, rất kỹ.
Tôi nhận ra thêm điều này, đằng sau mỗi câu chuyện kể, là cơn gió không hề vô tư đang thổi. Đó là nỗi đau đáu, trông chờ những đổi thay từ suy tư đầy trách nhiệm của người cầm bút, rằng hãy vượt lên, vượt qua để nếu có những nhân vật vượt qua tiểu thuyết nữa, thì những ao tù đời sống sẽ bớt đi và thi vị sẽ tới, bởi hầu hết trong các bài báo, đều kín đáo một tiếng thở dài.