Dù ngẫu nhiên hay tất nhiên, đá cũng là một hình ảnh quen thuộc hiện diện, gắn bó cùng với đời sống muôn vẻ của con người. Nghĩ đến đá, người ta thường gán cho nó ý niệm về sự bất động và vô tri. Có lẽ đó chỉ là vẻ ngoài. Vì mỗi sự vật trong mênh mông vũ trụ này đều có ý nghĩa riêng và linh hồn của nó. Vấn đề là “những cây sậy có tư tưởng” cảm nhận chúng như thế nào. Khi phát hiện ra linh hồn của những vật tưởng như vô tri ấy, chúng ta sẽ cảm thấy bao điều kỳ diệu. Có một nhà văn đã khám phá ra điều thú vị: chiếc vỏ sò trên sa mạc toàn những cát và gió lại mang trong mình đời sống của biển. Biển mênh mông sẽ rì rào trong chiếc vỏ sò nhỏ bé ấy mãi cho đến khi nào nước biển lại dâng đầy lên sa mạc. Có khi nào đá cũng mang trong mình cả đời sống bí ẩn của những biến động đầy cảm xúc của thế giới xung quanh?
Tuổi thơ của tôi gắn liền với những kỷ niệm về ngôi làng cổ Lộc Yên (Tiên Phước) có “đặc sản” là ngõ đá. Những phiến đá phơi mình trên các triền đồi được người dân nơi đây chẻ ra, đem về chất, xếp rất khéo léo và kỳ công thành các ngõ đá đẹp mê hồn với bờ ngõ là hai hàng chè tàu. Năm tháng phủ lên ngõ đá lớp rêu xanh. Bước chân đến nơi này, du khách như nghe lời thời gian thì thầm tự thuở nao vọng về. Những đá tảng đá hòn còn lại thì kiên gan cùng tuế nguyệt. Chúng tôi tha hồ leo lên đá, ăn cơm gói trên “bàn” đá, ngủ trên những tảng đá ẩn mình dưới vòm cây và dây leo. Và thuở ấy, không ít đứa trong đám bạn chăn bò ước gì mình được chụp những kiểu ảnh ngộ nghĩnh với đá. Bởi biết đâu, đấy lại là một sứ giả của hành tinh xa xôi nào đấy vừa trải qua cuộc viễn du, và chọn điểm dừng này để cảm nhận về trái đất? Vậy đó, đá thành bạn thân, thành chứng thạch kỷ niệm của cái thời rực rỡ, huy hoàng nhất của đời người, cái thời mà mỗi khi nghĩ lại, ai cũng tha thiết “cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”.
Nhưng rồi “chân cứng đá mềm”, lũ bạn tôi mỗi đứa một nơi. Bây giờ về thăm quê, nhiều lúc cao hứng rủ nhau leo núi, thăm lại miền tuổi thơ. Ai cũng háo hức nhưng chưa một lần thực hiện được. Vì quá bận bịu với quỹ thời gian ít ỏi và 1001 lý do. Những phiến đá có buồn cho chúng tôi không nhỉ? Có lẽ là không, bởi đá vẫn sống đời sống riêng, vẫn độ lượng và mong mỏi! Có lần, với quyết tâm trở về với đá, tôi một mình lên thăm rẫy Bảy Thạch, gần hố Chò. Chợt giật mình: đám rẫy ngẫu nhiên lại mang tên đá. Hình như thời gian bào mòn rẫy đá, vì tôi thấy đám đá bị thu nhỏ lại với dạng hình nhiều thay đổi. Vậy là đá không phải bất biến và vô tri! Áp mặt trên một phiến đá, nghe thời gian trôi, nghe như mình được truyền một nguồn năng lượng dồi dào. Ngẩn ngơ nhớ đám bạn chăn bò, nhớ tuổi thơ!
Nhạc sĩ họ Trịnh tài hoa có những ca từ để đời: “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”. Nếu hạt cát nhỏ là một khoảnh khắc của sự sáng thế mà vũ trụ cần hàng triệu năm để tạo ra thì những phiến đá này đã là sự sống của triệu triệu năm. Sỏi đá cần nhau, con người cần nhau, con người cũng rất cần sỏi đá để cảm nhận sâu sắc hơn về cuộc đời, về dòng chảy miên viễn của thời gian, về những hòn đá lặng lẽ trên đồi...
NGUYỄN THỊ DIỆU HIỀN