Hồn của ngôi trường

NGUYỄN TRÍ VIỄN 22/08/2017 10:22

Tin liên quan

  • "Nhưng thôi... tiếc mà chi"

(QNO) - Trong tập thơ Quê Ngoại I của Hồ Dzếnh, có bài Trưa Vắng mở đầu bằng 4 câu thơ:

"Hồn tôi đó, căn trường nho nhỏ,
Nước vôi xanh bờ cỏ tươi non
Lâu rồi còn thoảng mùi thơm,
Chân đi nghe động tới hồn ngày thơ"...

"Hồn tôi đó", là hồn của tác giả, hay hồn của ngôi trường mà dù thời gian có trôi nhanh khi đã trưởng thành tác giả vẫn còn như thấy được, chạm được, cảm được, sống lại được những ngày thơ giữa ngôi trường cũ? Tôi cảm nhận đó là cái hồn của ngôi trường; mỗi ngôi trường đều có cái hồn riêng của nó...

1
Bài hát truyền thống của các thế hệ học sinh về chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu.

Thời gian gần đây, khi ngôi trường Nguyễn Duy Hiệu của quê hương Điện Bàn sắp tròn 60 năm thành lập, lại rộ lên tin di dời trường đi nơi khác, tạo nên luồng cảm xúc nuối tiếc, hụt hẫng, như bị đánh cắp ký ức trong các thầy cô giáo, cựu học sinh và những thị dân - cũng là phụ huynh học sinh đã gắn bó nhiều thế hệ với ngôi trường.

Đã có nhiều bài viết trên Báo Quảng Nam, Lao động, và nhiều báo mạng, trang cá nhân bàn về việc dời trường dưới góc nhìn kinh tế, xã hội, giáo dục, phát triển, bảo tồn... Là người có cơ may gắn bó lâu năm với ngôi trường này, tôi lại tự hỏi cái hồn của ngôi trường Nguyễn Duy Hiệu nằm ở đâu, gồm những mảnh hồn nào?

Mảnh hồn đầu tiên là ngôi trường được xây trên mảnh đất thiêng dù trước khi xây dựng chỉ là miếng ruộng trũng nhưng đó chính là nơi lãnh tụ Nghĩa Hội Quảng Nam Nguyễn Duy Hiệu bị giặc Pháp bêu thủ cấp sau khi bị hành hình ở An Hòa - Huế, để kẻ xâm lược ra uy thị chúng với phong trào yêu nước của dân ta lúc bấy giờ. Đây là một sự thật lịch sử mà nhà Quảng Nam học Nguyễn Sinh Duy đã xác định và qua các hồi tưởng của con cháu cụ trong những ngày giỗ kỵ hàng năm. (Vì thế không phải ngẫu nhiên mà ngôi trường mang tên vị anh hùng mọc lên từ nơi có hương hồn và tượng đài của Người!).

Mảnh hồn tiếp theo, ngôi trường đã được xây dựng năm 1958, dưới chế độ cũ. Đó là chỉ dẫn hành chính bên ngoài, còn thực chất việc xây dựng trường là công sức, của cải, mồ hôi nước mắt của nhân dân huyện nhà, từ những người dân bình thường đến những người có người thân đi làm cách mạng (gọi là can cứu), vì họ tha thiết với việc học của con em. Nên ngôi trường là di tích, là chứng tích của người dân Điện Bàn yêu nước và hiếu học được dựng lên trong chiến tranh.

2
Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu.

Mảnh hồn thứ ba, đối với các cơ sở, công trình văn hóa có nhiều năm thành lập, vì bề dày, chiều sâu đào tạo, độ thẩm thấu trong xã hội cao, đáng được tôn trọng, giữ gìn. Cơ ngơi của trường gắn liền với thành quả đào tạo bao lớp người đi dựng xây Tổ quốc và chỉ cần bổ sung thêm cho kịp với yêu cầu của thời đại, để đủ sức đáp ứng cho nhu cầu đào tạo ở hiện tại và tương lai. Nên lưu ý, khi chọn địa điểm xây dựng trường nơi đây, các thế hệ tiền bối cũng đã tính đến sự phát triển sao cho ngôi trường trở thành một địa chỉ văn hóa nằm ở vị trí đẹp giống các ngôi trường hàng trăm năm tuổi, như trường Quốc học ở Huế, Trưng Vương, Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long)... ở TP. Hồ Chí Minh, mà trước kia các trường này cũng chỉ ở nam bờ sông Hương hay ở rìa quận I của Sài Gòn. Và các thành phố đó bây giờ, người dân hãnh diện có một địa chỉ văn hóa giáo dục ở một vị trí trung tâm của thành phố phát triển. Vậy thì, cái hồn của ngôi trường Nguyễn Duy Hiệu trong con mắt phát triển cũng cần giữ như thế.

Mảnh hồn thứ tư, Điện Bàn hiện có 5 trường THPT, tuy vậy trường Nguyễn Duy Hiệu vẫn là cơ sở giáo dục có tầm vóc cao nhất của quê hương này vì bề dày của nó, vì là nơi giao lưu văn hóa của những ai đã đến, đã đi, đã ở Điện Bàn. Những nhà văn hóa, những nhà lãnh đạo, những danh sĩ, đã đến đây, đã dạy học, đã nói chuyện ở đây như cựu Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, Thứ trưởng Lê Thế Tiệm, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ Phan Duy Nhân, học giả Nguyễn Văn Xuân, nhà thơ Phùng Quán, nhà văn Sơn Nam, nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn, Từ Huy, tiến sĩ Trần Văn Thọ đã từng giảng dạy học tập ở đây... cùng bao nhiêu nhân tài ưu tú khác của Điện Bàn!

Tất cả tạo nên cái HỒN của ngôi trường hiện nay.

Thời gian và trầm tích, thời gian và phát triển, thời gian và tình yêu. Đó là ba cặp từ mang tính quy luật riêng cho mỗi cặp, nhưng luôn có liên quan chặt chẽ với nhau, cái này bổ sung, tôn tạo, phát tiết cái kia. Do đó, việc di dời một ngôi trường không thể chủ quan duy ý chí, hoặc vì mục tiêu, mục đích chưa minh bạch, chưa thuyết phục, ngoại trừ lý do khách quan bất khả kháng. Với bài viết này, tôi ước mong các cơ quan chức năng và quý vị liên quan tìm cách giữ lại được cái HỒN của ngôi trường!

NGUYỄN TRÍ VIỄN

(Cựu Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, 1985-2010)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồn của ngôi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO