Hồn đá

SONG ANH 20/07/2013 19:37

Đá vô tri, nhưng qua mắt Bùi Toàn và sự cọ rửa của anh, đá lại có hồn và trở thành thực thể có cuộc đời với nhiều niềm suy tưởng.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Bùi Toàn hay gọi hành trình tìm đá của mình là “cuộc tìm kiếm nhân duyên”. Những ngày rong ruổi khắp các hóc núi, đầu sông, ngọn suối để tìm cho được những viên đá có dáng hình lạ đã cho người đàn ông này nghiệm ra nhiều điều. Từ những lẽ sống tưởng chừng rất nhỏ nhặt, đến những triết lý nhân sinh, Bùi Toàn nói đều từ đá mà ra. Viên đá lộ những ý tưởng với người, ấy là “duyên”. Trong cuộc tìm kiếm này, “duyên” luôn đặt lên hàng đầu. Bùi Toàn kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về viên đá có hình dáng hai chú cò, hiện đang được một người tại Đà Lạt sở hữu. “Sau một ngày rong ruổi tại Suối Đá (Tiên Phước), mãi vẫn chưa tìm được viên đá như ý, tôi lụi cụi dọn dẹp hành lý, cùng với đứa cháu đi về. Ngược đường, ngồi nghỉ dưới một gốc cây, bất chợt tôi nhìn thấy hình như có hai chú cò rất nhỏ đang đậu trên một mỏm đá. Khi định thần lại, tôi mới biết đó là hình dáng hai chú cò in trên phiến đá. Vậy là hai chú cháu vội vàng chạy lại, khiêng tảng đá về. Về đến nhà vẫn chưa tin là có hai chú cò trên đá đâu, sau một ngày chùi rửa kỹ càng, hình dáng con cò càng rõ rệt. “Đấy chẳng phải là duyên thì là gì?” - Bùi Toản kể.

Hành trình săn đá.
Hành trình săn đá.
Từ những viên đá nguyên thủy, muốn có một viên đá đẹp, gợi nhiều liên tưởng cho người xem, còn cần thêm quá trình kỳ cọ kỹ lưỡng và làm đế. Nhiều người còn thích đề thơ hoặc vẽ tranh vào đá, nhưng với Bùi Toàn, anh luôn tôn trọng tính chất nguyên thủy của đá. Đá cảnh có các loại như trầm tích, cát kết, sét kết và sỏi kết. Sự bào mòn của nước qua thời gian dài đã tạo ra những tác phẩm độc đáo nên đá đẹp thường xuất hiện ở nơi có thác, suối… Hồn đá và sự hấp dẫn của đá nằm ở khả năng cảm nhận của từng người. Không những thế, chỉ cần thay đổi hướng nắng, không gian trưng bày là “hồn đá” cũng thay đổi.

Tuổi của mỗi viên đá dễ đến hàng triệu năm, qua sự bào mòn của con nước, mỗi viên đá lại có những dáng hình khác nhau. Chính những hình dáng ấy  lại có sức cuốn hút vô cùng với con người. Nó mê hoặc người chơi theo cách riêng. Không cầu kỳ và tốn nhiều công chăm chút như bonsai, chim, thú hay hoa, nhưng để tìm thấy và gặp được một viên đá như ý là cả một sự kỳ công tìm kiếm của người mê nó. Cái đẹp của đá, theo Bùi Toản, thường phụ thuộc vào sự suy tưởng của mỗi người. Có khi cái đẹp xuất phát từ màu sắc, cũng có lúc từ hình dáng tự nhiên của nó, hay nhiều khi lại đến từ vân đá. Nếu thực sự đam mê và có óc liên tưởng, mỗi người mỗi ngày lại nhận thấy một vẻ đẹp từ đá. Nghề chơi này cũng lắm công phu, khi mỗi chặng hành trình tìm kiếm thường kéo dài từ lúc sáng sớm cho đến chiều tà, và mỗi lần như vậy thường là những cuộc đi dài ngày. “Nhiều đợt đi ròng rã cả một tuần vẫn không thể tìm được viên đá nào đẹp” - Bùi Toàn tâm sự. Thêm vào đó, nguy hiểm luôn rình rập bởi những viên đá đẹp luôn cần sự khám phá. “Lội suối với mực nước ngang người là điều thường xuyên, bởi những nơi càng ít người đến thì đá đẹp mới có” - Bùi Toàn cho biết thêm.

Bùi Toàn đề thơ lên đá.
Bùi Toàn đề thơ lên đá.

“Hậu duệ họ Bùi”

Những người dân Duy Hòa hay gọi Bùi Toàn là hậu duệ Bùi Giáng, bởi sự tài hoa và tâm tính của con người này. Thư pháp Bùi Toàn đã nức tiếng khắp miền Trung. Chơi đá cảnh với những viên đá thuộc “hàng độc” cũng đã làm nên thương hiệu Bùi Toàn. Không chỉ có vậy, những bức tranh thủy mặt, cũng là một phần hồn của anh. Tất cả “ngón nghề” này đều do anh tự học, tự mày mò. Cơ duyên đến với đá cảnh của Bùi Toàn cũng rất tình cờ. Năm 2004, khi cùng một bạn ngược nguồn sông Thu Bồn, bắt gặp một viên đá có hình dáng rất đẹp, vân đá tựa như hình chữ S bản đồ Việt Nam, từ nguồn cơn đó, người đàn ông này bắt đầu dấn thân vào cuộc chơi với đá.

Bộ sưu tập đá của Bùi Toàn.
Bộ sưu tập đá của Bùi Toàn.

Đam mê và để có thể sống được cùng đam mê, trừ những viên đá tâm đắc bởi “số phận kỳ lạ” khi đến với Bùi Toàn, phần lớn đá cảnh Bùi Toàn đều được những người cũng có thú chơi “lạ” như anh tìm đến mua. Vậy là để có thể nuôi gia đình và nuôi nghiệp - như cái cách anh gọi về nghề chơi này, những viên đá đẹp dần dần tìm đến với chủ mới. Đã nhiều lần tham gia các hội chợ cũng như triển lãm trên cả nước, cũng khá nhiều lần anh bắt gặp chính viên đá của mình trong… gian hàng triển lãm của người khác. Mỗi lần như vậy anh lại mang nhiều cảm xúc khác nhau. “Lúc đầu thì tiếc, xót xa, nhưng sau lại tự hào. Vì nếu không có mình tìm thấy, chắc gì vẻ đẹp này được nhiều người biết đến” - Bùi Toàn cười bảo. Anh còn chia sẻ thêm, không nơi đâu có đá cảnh đẹp như vùng núi Quảng Nam. Vậy nên mỗi khi tìm thấy một viên đá đẹp, liên tưởng đến nhiều hình dáng, ngoài niềm vui của người đam mê, còn có cả niềm tự hào. Năm người trong nhóm chơi đá cảnh ở Duy Xuyên (thuộc Hội Sinh vật cảnh tỉnh), tuần nào cũng rủ nhau “ngược nguồn” để tìm sự kỳ thú trong những viên đá. Chừng như ai, cũng ở tâm thế của Bùi Toàn…

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồn đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO