Đặt chân tới được đảo Hòn Nhạn (xã đảo Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang) là điều không dễ. Một nơi đẹp hoang sơ, kỳ bí, là điểm đặt cột mốc A1 - điểm đầu tiên của đường cơ sở tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam.
Ngày 21/2/2025, Bộ Ngoại giao có thông cáo báo chí tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ và điểm cuối cùng là A24.
Mơ tới đảo xa
Vừa đặt chân lên Hòn Nhạn, mọi người chạy thật nhanh lên các bậc thang bằng đá có màu trắng như một tảng muối. Nhiều tiếng reo vui khi đã tới được đây.
Một vẻ đẹp khác lạ khi cỏ đều ngả màu vàng úa nhưng vẫn phủ tràn ngập ven đảo, hệt như cánh đồng lúa với hạt vàng kéo rũ ngọn. Ông Lý Ngọc Định, công tác tại Tỉnh ủy Kiên Giang vừa đi vừa thở và nói: “Ai cũng khoái, vì ngay cả người dân ở Kiên Giang cũng đâu có mấy người có cơ hội đặt chân lên Hòn Nhạn, nơi vua Gia Long (Nguyễn Ánh) từng bôn tẩu”.
Đi dọc ven biển và càng vào sâu vùng cực Nam của đất nước, dấu ấn của Nguyễn Ánh thời còn xuôi ngược chạy trốn sự tầm nã của quân Tây Sơn vẫn còn lưu lại ở những di tích, trang sử, câu chuyện truyền miệng.
Đi qua những bến sông vẫn nghe ngâm nga những ca khúc về nỗi lòng của Nguyễn Ánh: “Lo vì quốc sự bồi hồi tâm can/Bao giờ bình định giang san/ Quốc dân hưởng phước lòng vàng mới an”.
Khi lên Hòn Nhạn, nghe dưới chân có tiếng kêu chiếp chiếp, tôi bới những cành cỏ héo úa và nhìn sâu vào hốc đá, bất ngờ vì những cặp mắt của chim nhạn con.
Ở Hòn Nhạn, mọi người khám phá thế giới chim ngay dưới chân mình. Những phiến đá xếp chồng lên nhau, tạo nên muôn vàn ngóc ngách nhỏ hẹp và được bao phủ bởi thảm cỏ pha sắc xanh lẫn màu vàng như rơm, nên chim nhạn vẫn tìm được nơi ẩn náu trước con người.
Ngư dân Phạm Hữu ở xã đảo Thổ Châu và bà con cho biết, có nhiều đoàn tổ chức ra thăm đảo, lên cột cờ Tổ quốc quần đảo Thổ Chu, sau đó sang Hòn Nhạn. Nhưng lúc mới ra thì sóng êm, vài tiếng đồng hồ sau thì biển lại nổi sóng ầm ào, vậy là chỉ biết đứng bên này ngó qua.
Từ năm 1975 đến 1992, Hòn Nhạn là một hoang đảo. Bà Đinh Thị Khuyển cho biết, dân ở tuốt các đảo gần bờ, nếu nhắc ra ngoài này lập nghiệp thì ai cũng sợ bọn Khmer đỏ nó quay lại giết.
Quần đảo Thổ Chu nằm cách bờ biển Hà Tiên 200km. Trong sách “Xã Thổ Châu 30 năm xây dựng và phát triển (1993 - 2023)”, do ông Lý Ngọc Định sưu tầm và biên soạn, Hòn Nhạn luôn thấp thoáng bóng Nguyễn Ánh trên đường trốn chạy ra đảo xa - “Tháng 8/1783, thuyền vua ở hòn Chông rồi chạy ra hòn Thổ Châu; tháng 4/1785, bị quân Tây Sơn đánh rát quá nên vua phải rời Thổ Châu chạy sang Xiêm…”.
Đường ra Hòn Nhạn
Gần 5 ngày rong ruổi ở Phú Quốc mới có 1 chuyến tàu ra quần đảo Thổ Chu, từ đây đi thuyền nhỏ sang Hòn Nhạn. Tôi nhận được lời khuyên từ Phú Quốc, nên tới thăm Mũi Ông Đội trước khi có tàu ra quần đảo Thổ Chu.
Di tích tại Mũi Ông Đội là giếng Tiên và miếu thờ vua Gia Long. Trong dân gian kể lại, khi bị quân Tây Sơn đuổi gắt, ông đã dừng lại, cắm gươm xuống đất và cầu trời ban cho nước uống và thức ăn.
Đến ngày xuống tàu đi tiếp ra quần đảo Thổ Chu, tôi nhận được điện thoại thông báo, khả năng đi từ xã đảo Thổ Châu (thuộc quần đảo Thổ Chu) sang Hòn Nhạn là 50/50, vì đang vào mùa gió bấc, ghe nhỏ không thể cập được vào đảo.
Sau 5 giờ hành trình từ đảo Phú Quốc ra tới quần đảo Thổ Chu, vừa cập cảng chúng tôi đã được nghe bà con trên đảo kể về Hòn Nhạn.
Bà Tăng Thị Phượng, 72 tuổi, thế hệ cư dân đầu tiên từ các đảo gần bờ cùng gia đình ra quần đảo Thổ Chu mô tả khung cảnh vào năm 1993: “Thuở đó, chim nhạn bay trắng đảo. Lúc đó 1 tháng mới có chuyến ghe đò từ Thổ Chu ra vô, thiếu đồ ăn nên người ta vác xô, vác chậu qua Hòn Nhạn để hốt trứng chim”.
Chiếc tàu nhỏ chở cả đoàn chạy lạch xạch sau gần 1 giờ thì tiếp cận Hòn Nhạn. Những bầy chim nhạn bay trên bầu trời đầy mây trắng. Âm thanh ríu rít của chim vang lên giữa tiếng rì rào của sóng biển.
Dấu tích có sự can thiệp của con người lên hoang đảo là bậc thang bằng đá để đi đến cột mốc A1. Những tảng đá sát mặt nước có màu đen, còn lại toàn bộ bề mặt đá trên đảo giống như được phủ một lớp vôi trắng và kết dính rất chắc.
Những hòn đá nằm trên Hòn Nhạn trông cũng rất kỳ lạ. Có những tảng đá nặng khoảng 20 tấn nhưng nứt ra thành những tảng đá nhỏ, mỗi tảng ước chừng nặng khoảng gần 2 tấn.
Có nơi rất nhiều tảng đá trông giống như chiếc mai rùa, mỗi tảng nặng khoảng 3 tấn. Khu vực hướng đông của Hòn Nhạn có những tảng đá nhỏ, mỗi tảng nặng chừng khoảng 1 tấn và nằm ở nhiều tư thế, giống như có sự sắp đặt.
Chiếc thuyền nhỏ chở người sang Hòn Nhạn và việc đi từ thuyền để lên Hòn Nhạn cũng là một pha thót tim. Một miếng xốp dài hơn 1 mét, chiều ngang 0,5 mét được thả xuống nước. Mọi người ngồi lên miếng xốp giống như trẻ con chơi trò bơi vịt nhựa trong hồ. Người đã vào đảo trước kéo miếng xốp bằng một sợi dây mảnh cho người sau.
Vị trí hiểm yếu
Từ đầu thế kỷ 17, quần đảo Thổ Chu, trong đó có Hòn Nhạn đã được các nhà hàng hải phương Tây ghi “The island of Polepaniang” - là điểm định vị, cột mốc cho tàu thuyền đi trên tuyến đường hàng hải.
Nhìn từ Google Map, vị trí của quần đảo Thổ Chu và Hòn Nhạn khá nhạy cảm khi nằm ngay giữa 1/3 của vịnh Thái Lan, và các tàu viễn dương đi vào cảng biển của Thái Lan - Campuchia đều trong tầm quan sát.
Ngày 3/9/1956, chính quyền Việt Nam cộng hòa xây dựng cột mốc ở xã đảo Thổ Châu (hiện vẫn còn). Đến tháng 2/1970, đợt di dân đầu tiên với 20 hộ được đưa ra. Vài năm sau, dân số trên đảo là hơn 500 nhân khẩu. Năm 1974, khi chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sập đổ, việc tiếp quản đảo của quân giải phóng chưa kịp triển khai thì quân Khmer đỏ đã tràn lên đảo bắt toàn bộ 503 người dân mang sang đảo Koh Tang giết và làm phân bón cho dừa.
Hiện nay khi ra quần đảo Thổ Chu, mọi người sẽ ngạc nhiên khi thấy có 2 cột mốc chủ quyền cùng nằm tại một vị trí, một cột mốc đã rất cũ (1956) và một cột mốc mới xây dựng (1976).
Nhưng cột mốc để tính chiều rộng lãnh hải của Việt Nam và được đánh dấu là số 1 là cột mốc nằm bên Hòn Nhạn, trên mặt bia ghi dòng chữ: “Điểm cơ sở A1 theo tuyên bố của Chính phủ về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải trên vùng biển Việt Nam, tọa độ N 09 độ 15 phút 00 giây - E 103 độ 27 phút 00 giây”.
Trong bộ tác phẩm về miền đất phương Nam, cố nhà văn Sơn Nam đã tái hiện cuộc sống của cư dân cách đây 70 - 80 năm về trước, qua các nhân vật Dượng Hai, thầy Hai Rắn, con Bảy đưa đò… Cư dân ở các hoang đảo sống lành như đất, nói gì cũng ừ, cũng gật chứ không cãi như người xứ Quảng.
Bà Đinh Thị Khuyển kể bằng giọng mộc mạc như những nhân vật trong văn chương của nhà văn Sơn Nam: “Năm 1992, qua bển (Hòn Nhạn) mang theo đôi thùng gánh nước, hốt một chút là đầy 2 thùng trứng. Hồi đó tui mới ra, thiếu ăn thì phải kiếm đủ thứ ăn bậy ăn bạ, bây giờ thì cấm hốt trứng chim rồi”.