Tờ Người đô thị đưa tin, Hội An cùng hai thành phố khác của Việt Nam (Đà Nẵng, Đông Hà) lọt vào vòng chung kết cuộc thi Thành phố Xanh 2018 do WWF (Quỹ bảo tồn thiên nhiên quốc tế) tổ chức.
Cuộc thi dựa trên các tiêu chí về kế hoạch và hành động của mỗi thành phố trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai, cũng như xử lý bền vững các vấn đề giao thông, đô thị, môi trường…
Tin đó vui. Nhưng rồi lại nghĩ về một khía cạnh khác trong khái niệm đô thị “bền vững” bên cạnh một môi trường xanh. Đó là một đô thị “văn hóa”.
Không phải gần đây mới nổi lên những chuyện ồn ào về “giữ hay đập” các công trình/ cảnh quan có tính lịch sử trong các đề án quy hoạch đô thị. Nó chỉ tùy thời cơ mà đánh động dư luận nhiều hay ít mà thôi. Chuyện đang nóng như Dinh Thượng thơ, Dòng Mến thánh giá Thủ Thiêm, hoặc từng nóng và đã nguội thành sự đã rồi như hàng cây xà cừ trăm năm đường Tôn Đức Thắng ở Sài Gòn; hay chuyện dường như không nóng lắm khi các công trình thời Pháp thuộc dần dà biến mất khỏi Đà Nẵng, khiến cho “thành phố đáng sống” hầu như chẳng còn nhận ra được là một đô thị có trên 130 năm lịch sử… Những câu chuyện ấy là một phần song hành với quá trình phát triển của bất cứ đô thị nào, và nó đòi hỏi một sự hành xử vượt qua khỏi những toan tính đơn thuần về “lợi ích kinh tế”.
Trong trào lưu xây dựng đô thị “cao hơn, lớn hơn” như vậy, Hội An có lẽ còn may mắn vì có lớp áo bảo hộ là quy chế dành cho một “di sản thế giới”. Nhưng liệu điều đó có thể “bền vững” được không khi cái khuynh hướng chung cứ chạy đòi theo cái tiện nghi mới mà bỏ quên những điều tế nhị, ấm áp của “một thời cũ”? Khi những tiêu chí về hiệu quả kinh tế không tính hết được sự bù đắp cho hậu quả của nó?
Những mái ngói âm dương phố Hội, cũ kỹ, hao mòn, rêu phong…, vì cớ gì lại gây hứng thú cho những người khách khắp nơi tìm tới mà ngắm ngó? Ở xứ họ nào có thiếu những thứ đẹp đẽ, cổ kính và hoành tráng hơn? Những con tò he, gánh chè lề đường, nụ cười chào tở mở của người ở phố… có phải là thứ gì kỳ thú đến phải trầm trồ yêu mến?
Sở dĩ người ta lũ lượt tới đây, vì cái chữ “cổ” trong tên phố đó. Cái cổ không chỉ hiện bày trên những mái ngói, trên độ mòn của viên đá lát vỉa hè, trên những kết cấu nhà cửa ngõ hẻm bảng hiệu… mà chính là cái “phong khí” của một đô thị sống, được truyền thừa từ hàng trăm năm qua. Một đô thị từng hội tụ những hàng hóa tinh tuyển, những con người được tập rèn qua nhiều thế hệ, tạo nên một phong cách vừa chân tình hiếu khách, vừa sành sỏi phong lưu. Cái văn hóa của Phố cứ bảng lảng trong từng hơi thở mà người ta có thể cảm nhận khi dạo gót qua những đường ngang hẻm dọc như vậy.
Thử nhìn lại xem, Hội An còn giữ được bao nhiêu, và còn giữ được bao lâu những yếu tố “văn hóa” khiến cho phố còn là Phố đó? Chuyện phát huy phát triển cho bền vững cái vốn ấy của Phố, đâu chỉ là kế hoạch Xanh môi trường khí hậu, đâu chỉ là cứ đứng ngoài cái trào lưu đập/ giữ mà đã nói rằng vậy là ổn?
C.B.L