(QNO) - 55 năm trước, vào tháng 10/1967, Đặc Khu ủy Quảng Đà được thành lập. Trong tám năm ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng (1967-1975), Đặc Khu ủy Quảng Đà đã để lại những dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trong bối cảnh và tâm thế “động viên những nỗ lực lớn lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”, tháng 10/1967, Khu ủy 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà; đồng chí Trần Thận, Phó Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà.
Việc thành lập Đặc Khu uỷ Quảng Đà là vấn đề có tính chiến lược nhằm kết hợp chặt chẽ và phát huy cao độ sự hỗ trợ giữa 3 vùng chiến lược: đô thị - nông thôn đồng bằng - miền núi; giữa 3 thứ quân: bộ đội chủ lực - bộ đội địa phương - dân quân du kích; giữa 3 mũi giáp công: chính trị - quân sự - binh địch vận, trong đó tập trung chủ yếu cho đô thị Đà Nẵng, trực tiếp là phục vụ cho Xuân Mậu Thân 1968 theo chủ trương của Trung ương Đảng.
Nhằm chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân, Thường vụ Khu ủy 5 cử đồng chí Trương Chí Cương, Phó Bí thư Khu ủy 5 về trực tiếp làm Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà; đồng chí Hồ Nghinh và đồng chí Trần Thận làm Phó Bí thư. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cử đồng chí Nguyễn Chánh (Bình), Phó Tư lệnh Quân khu 5, làm Tư lệnh Mặt trận 4. Quân khu đồng thời bổ sung cho Mặt trận 4 hai trung đoàn pháo 575, 577 và trung đoàn 31 bộ binh (thiếu 1 tiểu đoàn). Đảng bộ và Nhân dân Thanh Hoá kết nghĩa đã cử Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn (phiên hiệu D91) vào trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Quảng Đà.
Với quyết tâm “Tất cả cho tổng công kích, tất cả cho tổng khởi nghĩa”, “Tất cả để đuổi Mỹ, lật ngụy giành chính quyền về tay nhân dân” trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân, ở Quảng Đà, ta loại khỏi vòng chiến đấu 5.000 tên địch, gồm quân Mỹ, quân ngụy và quân Nam Triều Tiên, phá hủy và bắn rơi 192 máy bay, đánh cháy 40 xe tăng và xe bọc thép.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân đã tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giành những thắng lợi có ý nghĩa về quân sự, chính trị, góp phần cùng toàn miền Nam giáng một đòn nặng nề vào chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Paris.
Đây là lần đầu tiên quân và dân đất Quảng đồng loạt tiến công vào thành phố Đà Nẵng, các thị xã Hội An, Tam Kỳ, hầu hết các thị trấn, quận lỵ và cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy. Mặc dù còn gặp tổn thất do những yếu tố khách quan nhưng quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà đã thể hiện ý chí tiến công mạnh mẽ, giáng cho địch những đòn đích đáng, tạo nên thắng lợi to lớn về chính trị, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ.
Từ năm 1969 đến năm 1972, khi đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, ra sức thực hiện “bình định nông thôn”, cày ủi, xúc tát nhân dân vào các khu dồn, gây ra không biết bao nhiêu đau thương, mất mát cho quân và dân Quảng Đà.
Với tinh thần yêu nước nồng nàn, với khát vọng độc lập, tự do, quân dân Quảng Đà sát cánh cùng Đặc Khu ủy, tiến hành nhiều cuộc chiến đấu ngoan cường, anh dũng, góp phần làm thất bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.
Đặc Khu ủy Quảng Đà lãnh đạo mở đợt tiến công Xuân Kỷ Dậu năm 1969 và nhiều chiến dịch khác.
Tính đến cuối năm 1972, trên chiến trường Quảng Đà, quân và dân Quảng Đà đã tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực của địch, phá vỡ các khu dồn, vùng giải phóng được mở ra rộng lớn. Lực lượng chính trị trưởng thành hơn trước, lực lượng vũ trang ba thứ quân lớn mạnh hơn bao giờ hết, tạo được thế đứng chân vững chắc ở đồng bằng nông thôn, góp phần thắng lợi trong việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, với bản chất ngoan cố và hiếu thắng, Mỹ âm mưu phá hoại Hiệp định Paris. Được sự hỗ trợ của Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu thực hiện cái gọi là “tràn ngập lãnh thổ”, đưa quân lấn chiếm vùng giải phóng, xóa thế da beo và “đẩy cộng sản lên biên giới”.
Trước tình hình đó, tháng 7/1973, Trung ương Đảng tổ chức hội nghị lần thứ 21, ban hành một nghị quyết mới, nêu rõ: “Dù phát triển theo khả năng nào, con đường cách mạng miền Nam vẫn là con đường bạo lực cách mạng”, với phương châm “Kiên quyết phản công và tiến công, giữ vững và phát huy thế chủ động, đánh bại các cuộc hành quân lấn chiếm của địch”.
Tình thế trên chiến trường diễn ra rất quyết liệt, các lực lượng của ta kiên cường bám trụ, phản công địch lấn chiếm, giữ vững trận địa với quyết tâm “một tấc không đi, một li không rời”; nhưng sau gần một năm liên tục chiến đấu, sức khỏe giảm sút, trang bị chưa được bổ sung, quân số thiếu hụt, nên một số nơi gặp khó khăn. Trong khi đó, một bộ phận cán bộ chiến sĩ và nhân dân có biểu hiện mệt mỏi, địch đánh nơi nào đối phó nơi đó, không chủ động chuẩn bị kế hoạch đánh địch vì sợ vi phạm hiệp định, một số khác có biểu hiện ảo tưởng hoà bình, buông lỏng tiến công.
Thực hiện Nghị quyết 21 của Trung ương và Khu ủy Khu 5, Đặc Khu ủy Quảng Đà đã họp bàn nhiều biện pháp nhằm chuyển hướng lãnh đạo, xác định nhiệm vụ trung tâm lúc này là “ra sức đánh bại kế hoạch lấn chiếm bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực của ta”.
Đây là một chủ trương sáng suốt và kịp thời vì dự báo tình hình sau Hiệp định Paris sẽ diễn biến phức tạp, địch sẽ không tuân thủ nội dung đã ký kết. Đó là bài học mà Đặc khu ủy đã rút ra từ kinh nghiệm trong việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ gần 20 năm trước, khi đó ta nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định còn địch đã ngang nhiên xé bỏ nội dung hiệp định, tàn sát cán bộ, đảng viên và đồng bào yêu nước của ta.
Tiếp đó, từ ngày 4 đến ngày 10/9/1973, Đại hội Đại biểu Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà - đại hội cuối cùng trong kháng chiến chống Mỹ đã đánh giá tình hình địch ta, những khó khăn, thuận lợi và những bước đi của Đảng bộ qua chặng đường máu lửa suốt 19 năm chống Mỹ trên quê hương đất Quảng.
Được Nghị quyết Hội nghị lần thứ 21 Ban chấp hành Trung ương và trực tiếp là Nghị quyết Khu ủy 5 (tháng 7.1973) soi sáng, Đại hội đã đề ra nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ là “ra sức đánh bại lấn chiếm bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực của ta. Hướng tấn công chủ yếu là nhằm vào vùng tranh chấp và vùng địch. Phương châm là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao”.
Thực hiện chủ trương trên của Đặc Khu uỷ Quảng Đà, các địa phương, đơn vị đã nhanh chóng chuyển hướng nhiệm vụ, tập trung sức xây dựng lực lượng, đánh bại âm mưu bình định lấn chiếm của địch, xây dựng vùng giải phóng thành hậu cứ vững chắc để chuyển qua thế tiến công chiến lược.
Chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam cuối năm 1974 đầu năm 1975. Đặc biệt, Chiến thắng Thượng Đức (7/8/1974) là dấu mốc quan trọng, góp phần xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo thời cơ chiến lược để Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975.
Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân năm 1975, sau với thắng lợi của chiến dịch Buôn Ma Thuột và Chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm (10/3/1975). Tại núi Hòn Tàu, ngày 27/3/1975, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy 5 cùng bộ phận tiền phương của Khu ủy đã kiểm tra toàn bộ kế hoạch giải phóng Đà Nẵng, phân công các mũi công tác triển khai tiếp cận thành phố vào sáng 28/3, đồng thời trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng.
Ngày 28/3/1975, toàn bộ cơ quan Đặc Khu ủy Quảng Đà các ban ngành tiến về Đà Nẵng. Với khí thế tấn công thần tốc, trưa ngày 29/3/1975, quân chủ lực cùng với tự vệ và biệt động thành phố đã tiếp quản Tòa Thị chính. Lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam phất phới tung bay trên nóc Tòa Thị chính, thành phố Đà Nẵng được hoàn toàn giải phóng.
Đánh giá về vị trí, tầm vóc của cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng năm 1975, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng sớm ngoài kế hoạch, Đà Nẵng là căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất, mạnh nhất của địch mà bị ta đánh sập, có ý nghĩa quyết định và báo hiệu Sài Gòn sẽ bị sụp đổ không còn lâu nữa”.
Ngay sau khi giải phóng, Đặc Khu uỷ Quảng Đà chỉ đạo tốt an ninh trật tự, nhanh chóng ổn định tình hình để không xảy ra nạn đói, cướp bóc; làm tốt việc đăng ký, quản lý, giáo dục ngụy quân, ngụy quyền, các đảng phái chính trị phản động; chỉ đạo tốt việc cung cấp nhân tài vật lực phục vụ tiếp việc tấn công giải phóng các tỉnh phía Nam và thành phố Sài Gòn - Gia Định, thống nhất đất nước.
Chấp hành Nghị quyết số 245-NQ/TW, ngày 20/9/1975 của Bộ Chính trị về việc bỏ khu, hợp nhất tỉnh; ngày 4/10/1975, Ủy ban nhân dân Cách mạng Lâm thời khu Trung Trung bộ ra Quyết định số 119/QĐ về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Và như vậy, Đặc khu Quảng Đà, Đặc khu duy nhất ở chiến trường Khu 5 và thứ hai của miền Nam đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong một thời kỳ lịch sử đầy ác liệt nhưng cũng đầy sáng tạo, phi thường.
Nói đến vai trò, ý nghĩa, nhất là những dấu ấn trong quá trình ra đời và lãnh đạo phong trào cách mạng của Đặc Khu ủy Quảng Đà, không thể không nhắc đến sự ra đời của Căn cứ Hòn Tàu – "căn cứ của niềm tin, căn cứ của lòng dân".
Theo các tư liệu lịch sử: Hòn Tàu (có tài liệu nói là Tào Sơn) là một dãy núi giáp ranh giữa các huyện Duy Xuyên, Nông Sơn và Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, diện tích gần 100km², có độ cao 953m so với mực nước biển. Chưa rõ nguồn gốc Hòn Tàu có từ bao giờ.
Theo Địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng thì: “Từ xa, trông núi giống như đầu chiếc tàu thủy khổng lồ quay mũi về phía tây, nên dân gian gọi là Hòn Tàu”.
Còn theo Đại Nam nhất thống chí thì “Núi Tào ở cách huyện Duy Xuyên 25 dặm về phía Tây. Núi chia làm ba chi, chi giữa là núi Tào Sơn, là sống chính của núi, hình thể cao dốc, thế núi vững chãi, làm trấn sơn của một phương… Núi Tào Sơn quay đầu trông về phía tây như hình đầu tàu…”.
Hòn Tàu có nhiều núi hiểm trở, như: núi Nhà Muỗi, núi Cù Hang, núi Mặt Rạng; có nhiều hang động chứa được nhiều người, làm nơi sinh hoạt, hội họp. Từ Hòn Tàu nhìn xuống đồng bằng Quảng Nam rất rõ và nếu nhìn từ Đà Nẵng lên thì nơi đây như một bức bình phong vòng cung che chắn thành phố biển từ phía Nam và Tây Nam.
Đáng lưu ý, Hòn Tàu nối liền với vùng núi Tây Quảng Nam, hình thành vùng căn cứ địa liên hoàn, khi cần thiết có thể rút lui an toàn.
Hòn Tàu rất phong phú, đa dạng về tài nguyên, động vật, thực vật, thảo dược… nên từ khi đến khai cơ lập nghiệp tại vùng thung lũng Quế Sơn con người đã biết dựa vào Hòn Tàu để khai thác nguồn sống.
Qua các thời kỳ lịch sử Hòn Tàu luôn được chọn lựa làm căn cứ kháng chiến. Ngược dòng lịch sử, trong thời kỳ Phong trào Cần vương (1885 - 1887), sau khi Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam Trần Văn Dư bị giặc Pháp bắt và giết ngày 31/12/1885, Nguyễn Duy Hiệu lên làm Hội chủ Nghĩa hội Quảng Nam, ông chọn vùng chân núi Hòn Tàu (thung lũng Trung Lộc) xây dựng thành trung tâm lãnh đạo cuộc kháng chiến với tên gọi là Tân tỉnh Trung Lộc, vì “nơi đất đai màu mỡ, có nhiều vườn cây trái và cánh đồng lúa lớn, xung quanh có núi cao bao bọc”.
Với vị trí chiến lược hết sức quan trọng đó, tháng 12/1971, Hội nghị Đặc Khu ủy Quảng Đà đã quyết định chuyển toàn bộ các cơ quan của Đặc khu ủy về đứng chân tại Hòn Tàu. Trước đó, cuối năm 1968 bộ phận tiền phương của Đặc khu ủy và Văn phòng Đặc khu ủy về đóng ở núi Nhà Muỗi thuộc căn cứ Hòn Tàu. Còn bộ phận hậu cứ - bộ phận phía sau đứng chân tại khu vực ranh giới giữa huyện Nam Giang và Đại Lộc (gọi là Căn cứ A7).
Đặc Khu ủy chọn về đứng chân tại Hòn Tàu, là vì Hòn Tàu có vị trí chiến lược là gần đường giao thông nối liền với cơ quan Khu ủy 5 tại Phước Trà. Từ Hòn Tàu, có thể xuôi xuống Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An, hay ngược lên Hiệp Đức, Đại Lộc, qua Hòa Vang..., là căn cứ gần Đà Nẵng nhất, vì vậy thuận lợi cho việc theo dõi, nắm tình hình, kịp thời chỉ đạo, tổ chức các hoạt động đấu tranh. Theo đồng chí Phạm Thanh Ba: “Đứng trên núi Mặt Rạng, Hòn Tàu như đứng trên đầu thù, một vị trí thật lý tưởng, thật tuyệt vời cho chỉ đạo chiến tranh cách mạng”.
Thật vậy, 8 năm ra đời cũng từng ấy năm Đặc Khu ủy Quảng Đà đứng chân tại Căn cứ Hòn Tàu (1968-1975) với nhiều khó khăn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Địch biết, thậm chí biết rõ căn cứ Đặc khu ủy ở nơi này, nhưng suốt bao nhiêu năm đánh phá, tìm đủ mọi cách từ pháo kích, ném bom, thả biệt kích càn… căn cứ vẫn vững vàng. Giữa cam go của cuộc chiến, bao mệnh lệnh được phát đi từ căn cứ này đã góp phần thực hiện sứ mệnh lịch sử đưa quê hương đi đến ngày giải phóng.
Theo Đại tá Lê Công Thạnh: “…hơn hết, Hòn Tàu chính là một căn cứ của niềm tin. Bởi, sự vững chắc của Đặc khu ủy trong suốt thời gian chiến đấu, hoạt động ở Hòn Tàu đã tiếp sức cho bao thắng lợi khắp quê hương Quảng Đà ngày ấy. Không phải chỉ đơn thuần là nơi ẩn nấp, Hòn Tàu cũng là cứ địa để nuôi dưỡng, tích lũy lực lượng cách mạng, từ đó kiên trì đấu tranh... Nhưng quan trọng hơn cả, là từ Hòn Tàu, một niềm tin được gieo xuống trong lòng dân, nhất là người dân ở vùng lân cận.
Suốt những năm tháng ấy, dân một lòng ủng hộ, chở che, giúp đỡ cho cách mạng. Bao tuyến đường huyết mạch, đường liên lạc, vận chuyển lương thực được giữ. Dù qua nhiều lần di chuyển khắp Hòn Tàu, nhưng nơi đóng chân của Đặc khu ủy luôn giữ bí mật tuyệt đối, nhờ dân, nhờ sự trung thành của các cán bộ, chiến sĩ cách mạng”.
“Lâu nay, chúng ta chỉ nói đến giá trị lịch sử của một núi Hòn Tàu sừng sững thôi thì chưa đủ, mà phải nói rộng ra, nhấn mạnh thêm vai trò, vị trí của lòng dân. Bởi nếu không có nhân dân thì không có căn cứ Hòn Tàu. Tất cả gạo thóc, lương thực, thực phẩm nuôi cán bộ lúc bấy giờ đều nhờ vào dân tiếp tế.
Khi nhắc đến căn cứ Hòn Tàu phải nói đến lòng dân. Căn cứ Hòn Tàu là căn cứ lòng dân”.
(Đồng chí Phạm Thanh Ba - nguyên Chánh Văn phòng Đặc Khu ủy Quảng Đà).
Nhắc đến Hòn Tàu còn nhắc đến những hy sinh mất mát, nhưng đó còn là ý chí, khí phách, ngọn lửa của thời kỳ Đặc Khu ủy Quảng Đà. Đêm 21 rạng 22/5/1972, một loạt B52 đã trúng cơ quan Ban Tuyên huấn, 10 đồng chí hy sinh, có 5 đồng chí ở trong một hang, bị đá lớn chồng không lấy được thi thể. 40 năm sau, nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan liên quan, hài cốt của các anh đã được về với người thân, với đồng đội.
“Tôi chỉ thầm cầu mong thế hệ con cháu mình sẽ không phải đi qua, phải gánh vác những cuộc chiến tranh. Nhưng dù không được trải nghiệm, rèn luyện trong những thử thách của cuộc chiến tranh, những lớp trẻ sau này vẫn giữ, vẫn có ý chí, khí phách, ngọn lửa của thời kỳ Đặc Khu ủy Quảng Đà. Tôi tin rằng, có những giá trị ấy thì họ sẽ làm được những gì mà lịch sử giao phó, cũng như thế hệ thời Đặc Khu ủy Quảng Đà đã có được lời đáp sáng tạo cho những câu hỏi lớn của thời đại, nửa thế kỷ trước” - ông Nguyễn Đình An, nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Đặc Khu ủy Quảng Đà nói.
[VIDEO] - Đoàn đại biểu Ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng "Về nguồn" (tháng 9/2022)
Với ý nghĩa đó, Di tích lịch sử Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà tại Hòn Tàu đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 2164/QĐ-BVHTTDL ngày 8/6/2012.
Nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà (10/1967 – 10/2017), tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm và Khánh thành Khu Di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà. Đây là công trình có ý nghĩa chính trị - lịch sử rất lớn, là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
"Về với Hòn Tàu, đâu chỉ có kỷ niệm, nơi ấy còn có hồn thiêng núi rừng, hồn thiêng các anh hùng liệt sĩ. Đồng đội và các thế hệ nối tiếp sau không chỉ cảm nhận, mà cần làm tốt hơn nhiệm vụ đền ơn, hết lòng đáp nghĩa, luôn nhớ về các anh hùng liệt sĩ với lòng thành kính, biết ơn!". (Nhà văn Hồ Duy Lệ)
Kỷ niệm 55 năm thành lập Đặc Khu ủy Quảng Đà là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn của các thế hệ cha anh từng sống, chiến đấu và hy sinh trên vùng đất Xứ Quảng anh hùng. Tri ân những đóng góp hết lòng của “hậu phương lớn bên tiền tuyến anh hùng” - nhất là các tỉnh Thanh Hóa, Hải Phòng kết nghĩa.
Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, ý chí khát vọng xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.