“Khúc ru trầm” (NXB Hội Nhà văn 2021) gồm 77 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh đã chạm đến cảm xúc bạn đọc bởi sự giao thoa giữa nhạc và thơ...
77 ca khúc phổ thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh bản thân nó đã là những khúc nhạc lòng, du dương trầm bổng. Ở phương diện ngôn từ, thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chứa đựng khả năng biểu cảm lớn, mang ý nghĩa sâu xa, bởi đó là ngôn từ của cảm xúc, cất lên từ sự thôi thúc của chính trái tim nhạy cảm, yêu thương vô bờ.
Thơ ông giàu tính nhạc, thơ đọc lên đã thành những giai điệu đậm chất trữ tình. Đó là lợi thế để thơ Nguyễn Ngọc Hạnh được phổ nhạc nhiều và trở thành những ca khúc hay trong lòng công chúng.
Một trong những điểm nhấn của “Khúc ru trầm” là bìa sách ấn tượng của họa sĩ Lê Thiết Cương, tranh thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều vẽ từ ý thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Bên cạnh đó, họa sĩ Đặng Tiến đã ký họa gần 40 chân dung của các nhạc sĩ phổ thơ Nguyễn Ngọc Hạnh. Mỗi trang sách đều chứa nhiều điều thú vị, bởi ở đó có sự giao thoa giữa nhạc, thơ, hội họa. Lẽ đó, “Khúc ru trầm” thể hiện tâm huyết, chuyển tải tiếng lòng của tác giả một cách trọn vẹn và đầy cảm xúc.
Điều làm nên nét riêng trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh chính là những xúc cảm từ quê xứ và về quê xứ. Đó là bến sông quê, cổng làng, con đường quen thuộc, là mái nhà xưa nơi chất chứa nhiều kỷ niệm...
Bên cạnh không gian hiện thực ấy, Nguyễn Ngọc Hạnh còn tập trung khai thác không gian tâm tưởng. Hình ảnh làng quê luôn chất chứa nỗi niềm. Bài thơ “Qua đò nhớ mẹ” được Nguyễn Ngọc Tiến phổ nhạc đã chạm đến nỗi nhớ thẳm sâu của những người con bước chân ra khỏi làng…
Đặc biệt, có những ca khúc phổ thơ anh được công chúng yêu thích, giới chuyên môn âm nhạc đánh giá cao và đoạt những giải thưởng danh giá của Hội Nhạc sĩ Việt Nam như các bài hát “Nhớ mùa hoa ven sông”, “Làng trong tôi”, “Đêm xa làng” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm...
Nhà thơ ra đi từ làng, về sống nơi phố thị nhưng tình cảm với quê hương, với những điều gắn bó từ làng vẫn vẹn nguyên, dạt dào. Những bài thơ đầy ắp nỗi niềm thương cảm của nhà thơ đã được gần 40 nhạc sĩ phổ thành 77 ca khúc thật ấn tượng.
Có nhiều tên tuổi lớn như nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, Nguyễn Thụy Kha, Thế Bảo, Nguyễn Cường, Trọng Đài, Trọng Lưu, Phạm Đăng Khương, Nguyễn Vĩnh Tiến, Nguyễn Ngọc Tiến, Quỳnh Hợp…
Đặc biệt hai anh em nhạc sĩ trẻ ở TP.Hồ Chí Minh là Hoài An và Võ Hoài Phúc với nhiều ca khúc tươi mới, giai điệu trẻ trung mang hơi thở hiện đại được nhiều ca sĩ trẻ hiện nay yêu thích.
Trong “Khúc ru trầm”, nhiều nhạc sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng như Nguyễn Duy Khoái, Trịnh Tuấn Khanh, Nam An, Hoàng Bích, Huỳnh Ngọc Hải, Diệp Chí Huy, Đinh Gia Hòa, Nguyễn Đức, Thái Nghĩa, Nguyễn Huy Hùng, Nguyễn Xuân Minh, Trần Ái Nghĩa, Thái Phú, Quang Khánh, Phan Trường Sơn, Nguyễn Đình Thậm, Huỳnh Văn Tấn… hầu như mỗi người đều góp phần đưa giai điệu của tâm hồn mình vào hồn thơ Nguyễn Ngọc Hạnh.
Có thể nói đây là niềm hạnh phúc lớn của người làm thơ khi thơ mình được bồng bềnh trong từng khúc hát. Nhiều người cho rằng, điều cốt lõi là thơ của Nguyễn Ngọc Hạnh có sức lan tỏa, nó đã chạm tới miền thẳm sâu trái tim của người nhạc sĩ. Từ đó, họ đã tìm thấy chính mình, gặp lại bóng dáng quê hương, bản quán mình từ trong nguồn cội...
Làm sao không day dứt xốn xang khi nghe ca khúc “Lạc giữa trời xa”, do nhạc sĩ Đinh Gia Hòa phổ từ bài thơ cùng tên với những giai điệu trữ tình này: “Một mình lạc giữa trời xa/ Mượn ai đây chút quê nhà nương thân/ Xứ người lạ đến phân vân/ Cả vầng trăng cũng khác vầng trăng quê/ Ở đây biển rộng bốn bề/ Mà sao lòng cứ muốn về sông xưa/ Nơi này kẻ đón người đưa/ Mà sao đất khách vẫn thừa mình ra”…