Hồn Việt trên đất khách

LÊ HOÀNG MỘC MIÊN 04/04/2021 07:40

Tôi gặp Diana Nguyen trong một lần tình cờ được bạn bè giới thiệu. Chị là nhà thiết kế, gốc Việt, và tôi - sinh viên lớp báo, đang mong muốn viết một bài báo khám phá góc nhìn của một nghệ sĩ gốc Á về nạn phân biệt chủng tộc gần đây trên đất Mỹ. Giữa cơn lốc không kém phần đáng sợ đó, có một thứ mà những đứa con Việt xa xứ vẫn khư khư để thấy mình không nên và không thể khác đi. Đó chính là hồn Việt.

Tác giả (đứng giữa, mặc áo dài) cùng bạn bè quốc tế.
Tác giả (đứng giữa, mặc áo dài) cùng bạn bè quốc tế.

Văn hóa - sợi dây kết nối

Chúng tôi nói chuyện bằng tiếng Anh. Trước khi trò chuyện với Diana, tôi đã soạn sẵn cho mình 10 câu hỏi dự định phỏng vấn. Mọi thứ diễn ra khá trơn tru, chị chia sẻ với tôi về bản thân và gia đình chị trước hết. Diana sinh ra và lớn lên ở Mỹ, mẹ chị là một người tị nạn trong hằng sa số những sinh mạng lênh đênh trên con thuyền vượt biên. Cha chị phiêu bạt từ Campuchia sang Thái, ông ở trại tị nạn Thái Lan vài năm rồi mới sang được Mỹ.

Hai người đến Minnesota - nơi tôi sống - với hai bàn tay trắng. Họ bôn ba từ đó với nghề “nails” (làm móng) mãi đến tận bây giờ. Diana lớn lên trong ký ức của cha mẹ, ký ức của những người tị nạn với niềm ám ảnh khôn nguôi về sự kiêu hãnh và đồng tiền khó nhọc trên đất khách. Vì lẽ đó, họ bắt Diana buộc phải vào đại học để sau này trở thành kỹ sư. Với họ, kỹ sư, bác sĩ và y tá chính là ba nghề dễ “hái” ra tiền nhất, để đời con không phải khổ như đời cha. Diana, với sự nổi loạn và cá tính mạnh mẽ, đương nhiên đã không nghe lời cha mẹ mà lại chọn học Xã hội học. 

Chị nói như thể chúng tôi đã quen nhau lâu lắm rồi: “Gia đình chị ảnh hưởng chị nhiều, nhưng càng ảnh hưởng, chị càng thấy mình khác biệt. Họ muốn chị vâng lời, chị càng chống đối. Thứ duy nhất giữ chị lại trong gia đình chính là văn hóa Việt”. Được biết, mẹ Diana bắt anh em chị học tiếng Việt khi còn rất nhỏ với mục đích giao tiếp với bố mẹ. “Bà yêu văn hóa Việt Nam nhiều lắm, đồ ăn thức uống ngôn ngữ, cả cách la mắng, tất cả đều là Việt Nam. Đất nước ấy không còn là nhà của bà, nhưng văn hóa thì còn mãi. Thỉnh thoảng, bà la lên với chị “Tao tát chết mày bây giờ” bằng tiếng Việt mỗi lần chị vô lễ”. Tôi bật cười thành tiếng.

Diana Nguyen và mẹ thời thơ ấu. Ảnh: NVCC
Diana Nguyen và mẹ thời thơ ấu. Ảnh: NVCC

Sau khi hiểu hơn về gia đình chị, tôi tò mò hỏi về hành trình làm thiết kế của chị khi mới chỉ là sinh viên năm cuối đại học. Chị bảo chị ảnh hưởng từ mẹ. Bà thường đặt may áo dài từ Sài Gòn gửi sang Mỹ. Bà cũng hay dạo các tiệm đồ cũ, mua đồ cũ về và sửa như mới. Bà dạy chị rằng dù cho nghèo đói vẫn phải tươm tất, vẫn phải tỏ ra rằng mình ổn và mạnh mẽ dù bên trong mình có nổi dông bão. Phải ngẩng cao đầu để người khác không khinh thường. Điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến thời trang của Diana, khi chị hay mua đồ rẻ từ siêu thị về rồi cắt, may thành những thiết kế hoàn toàn mới. 

Sâu thẳm hồn Việt

Biết đến chị với tư cách là một nhà thiết kế trẻ, nhưng khi trò chuyện với chị, tôi mới biết chị còn là một nhà thơ. Chị kể ngày bé, bởi vì là người châu Á, chị nhận không ít sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc ở trường, ví dụ như bạn bè chị bảo đồ ăn trưa của chị “hôi”, vì nó làm từ loại nước mắm Việt Nam mà mẹ chị nâng niu như chính cái cách bà nâng niu văn hóa Việt… Những ký ức đó chị không kể cho cha mẹ, mà ôm mặt khóc rưng rức trong phòng mình mỗi khi đi học về. Trở về nhà sau những giờ học kiệt sức, chị thường ngủ sáu tiếng và rồi mắt ráo hoảnh đi vì khóc nhiều. Không có ai để bày tỏ, chị chọn cách viết ra. Thơ chị được sinh ra từ đó.

Và bằng một cách nào đó, làm thơ trở thành cầu nối giữa chị và văn hóa Việt Nam. Chị viết bằng tiếng Việt, nói chuyện nhiều hơn với người Việt tại Minnesota, và được động viên sáng tác bởi những tác giả người Việt tại đây. Thơ đưa chị gần gũi với Việt Nam, với nền văn hóa chị ngỡ như mơ hồ. Thơ đưa chị gần hơn với cha mẹ mình. Chính sự thấu hiểu của người con đã giúp hàn gắn khoảng cách thế hệ trong gia đình chị. Chị bảo, sau khi nhìn thấy những đắng cay thăng trầm mà cha mẹ đã trải qua, chị mới học được cách trân trọng và yêu thương gia đình mình. Dẫu họ không hiểu chị và chị cũng chẳng hiểu họ do khoảng cách thế hệ, và đâu đó là do khoảng cách của lịch sử, Diana vẫn sẵn sàng hủy bỏ tất cả kế hoạch chỉ để về nhà ăn cơm tối với cha mẹ.

“Họ đang già đi. Ba mẹ chị đang xa chị dần dần. Thật khó để không biết ơn họ và cũng thật khó để giải thích những yêu cầu vô lý từ họ. Điều duy nhất chị giữ trong tim mỗi khi cãi nhau với họ chính là tự nói với bản thân rằng: mọi mong muốn và yêu cầu từ ba mẹ chị chỉ mong cho chị một cuộc đời tốt đẹp hơn. Một - cuộc - đời - không - giống - họ”. Tôi lặng câm. 

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Việt Nam, nuôi dưỡng trong những bữa ăn không thể thiếu nước mắm và những đêm karaoke không đầu không cuối, Diana vẫn cảm thấy lạc lõng bởi một lẽ, bên trong chị vẫn có một phần Tây phương. Diana nổi loạn, sẵn sàng làm những điều mình thích. Trước buổi nói chuyện với tôi, chị đã xăm trên tay hình xăm thứ mười ba. Diana còn có một chiếc khuyên mũi. “Mẹ chị ghét từng cái hình xăm trên người chị. Nhưng bà không cản, vì có cản cũng không cản nổi” - chị cười khanh khách.

“Mẹ chị không hiểu vì sao chị thích làm những thứ đó và chị cũng chẳng hiểu được vì sao bà lại ghét xăm. Đó là lý do hồi cấp hai chị trầm cảm. Không chia sẻ được với cha mẹ, mỗi lần về nhà là nghe tiếng mẹ hét và ba càm ràm từ đầu đến cuối, ức chứ”. Vì nổi loạn mà chị ra riêng, điều hiếm thấy ở một sinh viên đại học năm cuối ở ta.   

Tiếng lòng người xa xứ

Nhưng như Diana đã nói, văn chương là thứ giữ hồn Việt vẫn sống và cháy trong chị trong hơn hai mươi năm tuổi trẻ. Với một tâm hồn chỉ có thể mượn thơ để trải lòng, học và nói tiếng Việt với chị quan trọng hơn hết. Kiểu nói tiếng Việt của Diana vẫn còn âm sắc của một người nước ngoài học tiếng Việt, chị bảo nhiều người ở tiệm làm móng của mẹ thường đùa với chị rằng, “Con thật dễ thương khi nói tiếng Việt”. Nhưng Diana vẫn cố gắng nói tiếng Việt dẫu âm Mỹ chiếm hơn một nửa, không chỉ vì mẹ chị bắt chị học, mà bởi vì với chị, đó là cách chị nối lại dòng máu của mình với dân tộc bên kia đại dương.

Tôi hỏi Diana có tự hào không khi là một người Việt? Chị bảo, có chứ, mình là con của Rồng mà phải không? Mà là con của Rồng thì không thể không tự hào. Tôi rơm rớm nước mắt. Mười tám năm ở Việt Nam và gần hai năm ở Mỹ, lần đầu tiên tôi thấy sức mạnh của cổ tích Việt Nam trong sự nỗ lực gìn giữ hồn Việt ở lại trong những người con xa xứ. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên đất Mỹ, những đứa trẻ đã bị Tây phương hóa vẫn khát khao tìm về với nguồn cội, để chạm vào văn hóa Việt, thứ đã và đang hoang hoải trong trái tim cha mẹ chúng một định nghĩa về “nhà.” Con của Rồng, tự hào chứ. Bởi vì tự hào nên dù cho thế nào vẫn phải ngẩng cao đầu mà sống, ôm đau thương vào trong mà sống, đó là thứ Diana thường tự nói với bản thân mình mỗi đêm.

Sau gần hai tiếng trò chuyện, Diana mời tôi sang nhà ăn tối với cha mẹ chị và… chắc chắn sẽ nói mẹ chị nấu bún riêu cho tôi. Tôi nhận lời ngay. Một ngày nào đó, tôi sẽ gặp cha mẹ chị tại bàn ăn tối, những người lênh đênh trên con thuyền vượt biên để kiếm tìm một cơ hội đổi đời trên đất khách mà hồn vẫn đau đáu về Việt Nam. Và một ngày nào đó, tôi sẽ hiểu ở Diana niềm khát khao mà Phạm Quỳnh Anh đã từng hát trong ca khúc Hello Vietnam: “Một ngày nào đó, tôi sẽ trở về quê hương để cất tiếng chào Việt Nam”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hồn Việt trên đất khách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO