Đóng góp thầm lặng của các tổ chức quốc tế thông qua nhiều dự án đã góp phần nâng cao độ che phủ rừng, đa dạng hệ sinh thái tự nhiên trên địa bàn tỉnh.
Nhờ có sự giúp sức của nhiều tổ chức, hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh dần được phục hồi. Ảnh: T.N |
Từ ngày Chính phủ quyết định “đóng cửa rừng” tự nhiên cũng là lúc các tổ chức tài trợ quốc tế quan tâm đến hệ sinh thái ở dãy Trường Sơn, đặc biệt qua địa bàn Quảng Nam. Nhiều năm nay, Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã thực hiện nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học ngắn hạn lẫn dài hạn. Thông qua đó, giúp người dân lẫn chính quyền địa phương thực hiện các nội dung bảo vệ rừng, phát triển vùng đệm các khu bảo tồn hiện có. Chẳng hạn, dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi và nâng cao năng lực kiểm soát buôn ngà voi ở Việt Nam đến năm 2020”; triển khai “Tuần lễ bảo tồn voi” tại huyện Nông Sơn. Ngoài giữ được “rừng thiêng”, thông qua các nguồn lực tài trợ của dự án quốc tế, chất lượng rừng nguyên sinh đã được khôi phục. Người dân bản địa còn có thể cải thiện thu nhập thông qua một số mô hình trồng cây dưới tán rừng.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, từ nguồn viện trợ của dự án dự trữ cac-bon và bảo tồn đa dạng sinh học (carbi), đến nay tại các xã Ba, xã Tư (huyện Đông Giang) đã có hàng trăm hộ trồng gần 500ha mây dưới tán rừng tự nhiên. Tương tự, 73 hộ của xã A Nông, Bha Lêê, A Vương (Tây Giang) trồng 7,3ha cây ba kích tím dưới tán rừng. Cạnh đó, hơn 35ha cây bản địa còn được nhân rộng. Từ năm 2012, WWF đã áp dụng nhiều chương trình phục hồi rừng, như quản lý rừng dựa vào cộng đồng; trồng mới phục hồi rừng bằng cây bản địa. Các chuyên gia của WWF còn tiến hành nghiên cứu, phân tích ADN nhằm ghi nhận sự hiện diện gen các loài động vật có trong máu của con vắt, cũng như nghiên cứu về tập quán sinh sống các loài động vật trong tự nhiên. Những hệ thống này đã giúp phát hiện thêm nhiều loại động vật của núi rừng Trường Sơn như thỏ vằn, mang Trường Sơn, gấu ngựa, vượn...
Lực lượng kiểm lâm huyện Phước Sơn, Nam Giang, Bắc Trà My từng bước quản lý rừng bền vững hơn. Thông qua dự án bảo vệ và quản lý tổng hợp các hệ sinh thái rừng Quảng Nam, năm 2016 đã có 10 thôn thuộc 5 xã thí điểm tại các địa phương nêu trên được thiết lập các mô hình quản lý rừng cộng đồng với gần 4.000ha rừng tự nhiên được bảo vệ có tổ chức, được cắm mốc ranh giới rõ ràng. Cuối tháng 12.2016, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (Hội An) ký thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Bảo tồn đa dang sinh học nước Việt xanh (GreenViet) về đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Tín hiệu tích cực là đầu năm 2017, WWF khởi động dự án “Giám sát đa dạng sinh học ở các khu rừng đặc dụng tại Quảng Nam” nhằm nâng cao sự hiểu biết của người dân về hậu quả từ áp lực con người đến quần thể tự nhiên các loài thú và chim; phân tích thực trạng và chiều hướng thay đổi của các hệ sinh thái rừng.
Giai đoạn 2016 - 2020, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố dự án Trường Sơn Xanh hỗ trợ 24 triệu đô la Mỹ nhằm giúp Quảng Nam và Thừa Thiên Huế chuyển đổi sang phát triển thích ứng thông minh với khí hậu và phát thải thấp thông qua cải thiện công tác bảo vệ rừng, đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường tính bền vững của các cộng đồng. Theo ông Từ Văn Khánh - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh, rừng có vai trò rất lớn trong việc bảo vệ các lưu vực, chống xói mòn đất, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu. Những dự án tài trợ quốc tế gần đây đã khôi phục và giúp cho ngành kiểm lâm tỉnh quản trị rừng bền vững và chất lượng hơn.
TRẦN NGUYỄN