Hợp tác bảo vệ rừng giáp ranh

TRẦN HỮU 15/04/2014 08:24

Tại hội nghị sơ kết 2 năm phối hợp giữ rừng vùng giáp ranh 3 tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi – Kon Tum vừa diễn ra, các đại biểu đã tập trung “mổ xẻ”, đánh giá thực trạng và đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ rừng.

Mở đường trái phép tại vùng giáp ranh xã Trà Ka (Bắc Trà My) với huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) cuối năm 2012. Ảnh: HỮU PHÚC
Mở đường trái phép tại vùng giáp ranh xã Trà Ka (Bắc Trà My) với huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) cuối năm 2012. Ảnh: HỮU PHÚC

“Nóng” vùng giáp ranh

Vùng giáp ranh lâu nay luôn là “đại bản doanh” đóng quân của lâm tặc. Suốt thời gian dài, các địa phương rất lúng túng, chưa tìm được tiếng nói chung để quản lý, bảo vệ rừng. Trên thực tế, đối tượng xâm hại tài nguyên rừng vùng giáp ranh với nhiều thủ đoạn tinh vi, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ, gây khó cho công tác truy quét, đẩy đuổi. Trong khi đó, bộ phận người dân sở tại vẫn giữ thói quen đốt rừng lấy than không thể một sớm một chiều xử lý dứt điểm được. Thêm vào đó, mạng lưới thông tin liên lạc tại một số vùng bị tắc nghẽn nên nhiệm vụ phối hợp không phải lúc nào cũng có thể áp dụng được. Ngành kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi nhìn nhận, rừng giáp ranh có diện tích khá rộng, địa hình hiểm trở nên mỗi đợt truy quét có thể kéo dài hơn một tuần; trong khi cơ chế ưu đãi cho kiểm lâm thì vẫn hạn chế. Còn Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) cho biết, do địa hình chia cắt nên các phương tiện máy móc, thiết bị phòng cháy chữa cháy rừng chuyên dụng gần như đã không thể triển khai được ở khu vực giáp ranh.

Tạm giữ gần 100 ô tô, xe máy vận chuyển gỗ lậu

Hai năm (2012 - 2013), lực lượng kiểm lâm 2 tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi đã tổ chức hàng chục chuyến truy quét chung tại khu vực sông Bua, sông Lon, vùng giáp ranh giữa Núi Thành và các huyện Bình Sơn, Tây Trà (Quảng Ngãi). Theo đó, đốt phá 24 lán trại, 34 máy nổ; tạm giữ gần 100 xe máy và ô tô tham gia chở gỗ lậu, đẩy đuổi cả trăm đối tượng ra khỏi địa bàn. Ngoài ra, kiểm lâm còn xử lý 550 vụ vi phạm lâm luật với 547m3 gỗ bị tịch thu…

Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My – ông Nguyễn Tuấn Sơn, trên địa bàn huyện có các xã Trà Ka, Trà Kót và Trà Giáp giáp với các xã Trà Xinh, Trà Bồng và Trà Khê của huyện Tây Trà (Quảng Ngãi), hàng loạt vụ phá rừng quy mô đã được lực lượng kiểm lâm vùng giáp ranh chặn đứng. Điển hình, vụ phá rừng để mở đường khai thác khoáng sản trái phép từ trung tâm xã Trà Ka vào sông Lon. Dịp tết vừa qua, lực lượng kiểm lâm 2 địa phương đột kích tại “điểm nóng” sông Lon phá hủy 2 lán trại, 3 máy nổ, đẩy đuổi 10 đối tượng ra khỏi địa bàn… “Việc điều tra, xác định đối tượng vùng giáp ranh không đơn giản chút nào, do phần lớn họ chuyển địa bàn hoạt động. Nếu bị phát hiện, đối tượng xâm hại rừng của huyện này thường chuyển sang huyện khác lánh nạn” – ông Sơn nói. Tại vùng giáp ranh giữa huyện Phước Sơn với huyện Đắk Glei (Kon Tum), thời gian qua phức tạp nhất là tái diễn tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp để lấy đất trồng trọt song vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. Lợi dụng đường Hồ Chí Minh, vùng giáp ranh xã Phước Mỹ (Phước Sơn) với xã Đăk Man (huyện Đăk Glei, Kon Tum), lâm tặc thường khai thác, vận chuyển gỗ lậu rất khó kiểm soát. Trước đây đã từng xảy ra trường hợp 13 hộ dân thôn Mang Khênh (xã Đăk Man) sang thôn Long Viên (xã Phước Mỹ, Phước Sơn) canh tác gần 6ha. Theo ông Trần Lanh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn, vùng giáp ranh luôn là áp lực lớn với kiểm lâm do diện tích rừng giao cho chính quyền cơ sở và một số chủ rừng quá rộng nên chưa quản lý, giám sát có hiệu quả. Việc xác định trách nhiệm của các tổ chức, đơn vị có liên quan còn mơ hồ; thậm chí có biểu hiện đùn đẩy trách nhiệm cho nhau khi xảy ra sự cố phá rừng.

Tìm tiếng nói chung

Để giảm sự phức tạp ở khu vực giáp ranh, Hạt Kiểm lâm huyện Bắc Trà My đề nghị, xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc giữa Trạm Kiểm lâm sông Trường và Hạt Kiểm lâm Trà Bồng, Tây Trà (Quảng Ngãi). Ngoài lấy kiểm lâm làm nòng cốt, các địa phương cần huy động thêm lực lượng công an, bộ đội, dân quân tự vệ, đội ngũ bảo vệ rừng của các chủ rừng, chính quyền. Khoanh vùng, xác định tọa độ phá rừng trọng điểm để có kế hoạch truy quét hữu hiệu. “Chúng tôi sẽ bỏ một ít chi phí hỗ trợ khuyến khích người dân cung cấp thông tin, tố giác tội phạm phá rừng; bảo vệ tối mật nguồn tin quần chúng” – ông Nguyễn Tuấn Sơn nói. Còn theo Hạt Kiểm lâm Đắk Glei, phải có biện pháp căn cơ như xây dựng mạng lưới bảo vệ rừng vững mạnh từ cơ sở. Lực lượng kiểm lâm dù có hùng mạnh đến đâu nếu không có sự chung tay góp sức của người dân và chủ rừng vùng giáp ranh thì cũng khó giữ rừng bền lâu được. Do đó, công tác tuyên truyền phải sâu rộng, nâng cao nhận thức về pháp luật bảo vệ rừng cho người dân.

Tăng cường tuần tra, truy quét chung ở vùng giáp ranh là nhiệm vụ thường xuyên. Ảnh: HỮU PHÚC
Tăng cường tuần tra, truy quét chung ở vùng giáp ranh là nhiệm vụ thường xuyên. Ảnh: HỮU PHÚC

Ở Quảng Nam, nạn xâm hại tài nguyên rừng vẫn chưa có hồi kết, nhưng những nỗ lực khôi phục, bảo vệ và phát triển vốn rừng đang có dấu hiệu tích cực. Nhiều năm qua, Nhà nước đầu tư nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giúp đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện đời sống, góp phần giảm áp lực vào rừng khai thác gỗ; chủ trương giao rừng, cho thuê rừng và thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng mang lại lợi ích thiết thực với người dân. Hàng loạt chủ rừng mới đã được sắp xếp, tổ chức bài bản, nhằm quản lý, kiểm soát rừng tốt hơn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho rằng, hơn 1.000 chuyến tuần tra, truy quét chung; hàng chục vụ phá rừng quy mô lớn được xử lý, cho thấy kiểm lâm vùng giáp ranh đã tìm được tiếng nói chung trong giữ rừng. “Giai đoạn 2014 - 2015, các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng sớm triển khai bảo vệ, quản lý lâm sản vùng giáp ranh theo quy chế đã ký kết. Giám sát chặt các chủ rừng; trao đổi thông tin lẫn nhau và đặc biệt xây dựng mạng lưới bảo vệ rừng cơ sở dày đặc, có sự tham gia của người dân và chủ rừng” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang lưu ý. Trong khi đó, ông Phạm Trường Thọ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi khẳng định, hạn chế trong quy chế phối hợp là thiếu thông tin hai chiều trong đấu tranh, ngăn chặn, xử lý đối tượng vi phạm. Việc truy quét, tuần tra chung phải thống nhất; tránh tình trạng văn bản rườm rà, máy móc. Đồng thời các địa phương cần tích cực kiểm tra thực hiện nhiệm vụ của kiểm lâm địa bàn, chủ rừng khu vực giáp ranh…

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác bảo vệ rừng giáp ranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO