Để giải bài toán nhân lực ngành du lịch, công nghệ thông tin đang thiếu hụt, hệ thống đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp cùng các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cần liên kết hợp tác, nâng cao chất lượng đào tạo để người lao động có trình độ, có tay nghề đạt tiêu chuẩn ASEAN và quốc tế.
“Khát” nhân lực du lịch
Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Việc Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 15.3 được xem là cơ hội vàng giúp ngành du lịch sớm phục hồi trở lại.
Ngành du lịch Việt Nam phấn đấu trong năm 2022 đón 65 triệu lượt khách du lịch (KDL); trong đó, có 5 triệu lượt KDL quốc tế và khoảng 60 triệu lượt KDL nội địa, bằng 150% so với năm 2021, tổng nguồn thu từ KDL dự kiến đạt 400 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, những người làm du lịch phải đau đầu tìm cách giải bài toán khó: thiếu hụt trầm trọng nhân lực trong ngành du lịch, nhất là nhân lực có chất lượng cao trong giai đoạn này.
Ông Vũ Thế Bình - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận xét, nguồn nhân lực vẫn luôn là điểm yếu của ngành du lịch nước ta. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp kinh doanh khách sạn vẫn trong tình trạng khan hiếm nhân lực làm việc chuyên nghiệp, có tính kỷ luật cao, thái độ phục vụ chu đáo. Đặc biệt, việc sử dụng thành thạo ngoại ngữ của đội ngũ nhân lực du lịch còn rất hạn chế (khoảng 57% nhân sự sử dụng được ngoại ngữ).
Thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam cho thấy, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động. Thế nhưng, lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm; trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Thực tế đến cuối năm 2022, riêng TP.Đà Nẵng cần thêm 55.000 nhân lực cho ngành du lịch.
Tại buổi tọa đàm bàn về “Phát triển nhân lực chất lượng cao ngành du lịch và công nghệ thông tin sau Covid-19” do Báo Tuổi trẻ, Sở TT-TT TP.Đà Nẵng và Trường Đại học Duy Tân (DTU) tổ chức ngày 27.5 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, những năm 2017 - 2018, Đà Nẵng đã bắt đầu thiếu hụt lao động du lịch và cú sốc Covid-19 càng làm mọi thứ khó khăn hơn.
“Trước dịch, chúng tôi đã ước thiếu khoảng 10.000 lao động, sau dịch số lao động càng sụt giảm. Đến nay, toàn ngành chỉ còn khoảng 20.000 lao động, nhất là cấp quản lý, trưởng phòng ban cũng thay đổi rất nhiều.
Dự đoán, cuối năm 2022 khách quốc tế sẽ tăng trở lại và Đà Nẵng phải cần tới 75.000 lao động du lịch, nếu muốn đưa lượng khách khai thác lên mức ngang bằng năm 2019” - ông Bình nói.
Đẩy mạnh hợp tác đào tạo
Mặc dù là lĩnh vực đang chịu nhiều thiệt hại và gần như đóng băng do đại dịch Covid-19 nhưng mùa tuyển sinh năm 2021, khối ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ vẫn là sự lựa chọn của đông đảo thí sinh.
Theo số liệu công bố của Bộ GD-ĐT về việc đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2021, đã có 199.166 nguyện vọng đăng ký vào nhóm ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ cá nhân; trong đó có 48.334 thí sinh lựa chọn nguyện vọng 1. Năm 2022, có 24.036 chỉ tiêu cho nhóm ngành này, cho thấy tiềm năng phát triển ngành du lịch, khách sạn vẫn còn dư địa rất lớn.
Để giải bài toán thiếu hụt nhân lực du lịch sau Covid-19, các chuyên gia kiến nghị hệ thống đào tạo đại học và giáo dục nghề nghiệp cùng doanh nghiệp, cơ quan quản lý du lịch cần có sự phối hợp đồng bộ. Chú trọng triển khai đào tạo nhân lực bằng nhiều hình thức như tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại cho nguồn nhân lực du lịch.
Qua đó, trang bị kiến thức, kỹ năng về cách mạng công nghệ số với ngành du lịch; nâng cao năng lực sử dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số cho doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và lao động ngành du lịch.
Theo GS-TS.Lim Sang Taek - Viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu du lịch, DTU cần đề xuất giải pháp thu hút nhân lực chất lượng cao qua chương trình du lịch kết hợp lao động, mở cửa đón lao động du lịch quốc tế, đặc biệt là vị trí cấp quản lý, trưởng phòng ban.
“Là một trong 2 trường đại học của Việt Nam lọt vào Top 500 đại học tốt nhất thế giới theo Bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) năm 2022, DTU cũng đào tạo khoảng 1.000 sinh viên ngành du lịch tốt nghiệp mỗi năm. Tuy nhiên, sau Covid-19, đây là số lượng rất ít so với yêu cầu “ - GS-TS.Lim nói.
10 năm tới, CNTT vẫn “hot”
Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Duy Tân cho rằng, Đà Nẵng định hướng phát triển là thành phố du lịch - dịch vụ, thành phố thông minh nên ngành CNTT và du lịch là 2 lĩnh vực cần phải chuẩn bị nhân lực bài bản, dài lâu.
“Nhân lực chất lượng cao là chìa khóa để bước vào kỷ nguyên khoa học công nghệ. Nắm bắt xu thế đó, từ năm 2008 cùng với các thành viên khác của SEG Việt Nam (Liên hiệp các trường đại học và doanh nghiệp đào tạo CNTT Việt Nam), nhà trường đã ký kết hợp tác đào tạo với CMU - 1 trong 4 trường đại học hàng đầu về CNTT của Mỹ.
Chương trình hợp tác này đã tạo nên một bước ngoặt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT ở miền Trung nói riêng và cả nước nói chung” - Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Thạch - Phó Giám đốc Sở TT-TT TP.Đà Nẵng chia sẻ, nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quyết định thành công của Nghị quyết 43 về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Do vậy, thành phố đã và đang triển khai những chính sách phát triển CNTT trong khu vực công và tư, đẩy mạnh triển khai đào tạo nhân lực CNTT tại cơ sở quản lý nhà nước, tổ chức hội và các doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực này.
“Hiện nay, TP.Đà Nẵng có khoảng 44.000 lao động trong lĩnh vực CNTT, trong khi nhu cầu thực tế cần 77.000 người” - ông Thạch nhận định.
Theo số liệu thống kê từ năm 2018 - 2022, nhu cầu nhân lực cho ngành CNTT tăng cao liên tục. Dựa trên Báo cáo về thị trường IT Việt Nam 2021 của TopDev, năm 2021 Việt Nam cần đến 450.000 lao động trong ngành CNTT.
Trong khi đó, số lượng lập trình viên hiện tại của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 430.000 người. Các chuyên gia dự báo, trong 10 năm tới ngành CNTT vẫn “hot”. Hiện Việt Nam có hơn 100 trường đại học đào tạo CNTT. Mỗi năm các trường chỉ cung cấp khoảng 50.000 kỹ sư trong khi dự kiến thị trường đang thiếu 190.000 lao động cho lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Anh Huy - Giám đốc Công ty CP Trung Nam electronic Manufacturing service cho biết, đến nay có 109 kỹ sư tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa và 30% ban lãnh đạo của công ty là cựu sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng).
Ông cũng chia sẻ, trong thời gian tới, Trung Nam có đầu tư một số dự án lớn tại Da Nang IT Park như Data Center theo tiêu chuẩn 3 Plus với tổng mức đầu tư khoảng 100 triệu USD, vận hành 2 nhà máy sản xuất điện tử tại Khu CNTT tập trung Đà Nẵng..., do đó cần một lượng lớn kỹ sư chất lượng cao tốt nghiệp từ Trường Đại học Bách khoa…
Tương tự, ông Lê Hồng Lĩnh - Giám đốc FPT Sofware miền Trung cho biết, đơn vị hiện có 5.000 lao động, định hướng đến năm 2024 tăng trưởng 10.000 người. Trong 2 năm tới, đơn vị cần 8.000 người nhưng năng lực đào tạo CNTT tại Đà Nẵng mỗi năm khoảng 22.000 người, cạnh tranh khá gay gắt.
“FPT Software áp dụng chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài, tạo an cư lạc nghiệp, đồng thời thu hút nhân tài ở 2 đầu đất nước về. Giải pháp dài hạn là cần đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp với các trường đại học để việc cung ứng và tuyển dụng bám sát nhu cầu của nhau” - ông Lĩnh chia sẻ.