Hợp tác đào tạo nhân lực du lịch

VĨNH LỘC 03/10/2018 03:31

Đào tạo bằng các chương trình, chuyên đề phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên, giảng viên đến thực tập thực tế; tuyển dụng sinh viên làm việc thời vụ hoặc nhân viên chính thức khi doanh nghiệp có nhu cầu… là những nội dung chính về hợp tác đào tạo du lịch vừa được Trường Đại học Quảng Nam ký kết với 6 doanh nghiệp lưu trú, lữ hành trên địa bàn Quảng Nam và TP.Đà Nẵng.

Việc hợp tác trong đào tạo nhân lực du lịch sẽ giúp nhà trường và doanh nghiệp cùng hưởng lợi. Ảnh: V.LỘC
Việc hợp tác trong đào tạo nhân lực du lịch sẽ giúp nhà trường và doanh nghiệp cùng hưởng lợi. Ảnh: V.LỘC

Hỗ trợ lẫn nhau

Theo nội dung Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Quảng Nam ký với 6 doanh nghiệp du lịch (khách sạn Bàn Thạch, Mường Thanh, La Merci Đà Nẵng, khu du lịch Phú Ninh, khu du lịch Tam Thanh, Công ty Du lịch Quảng Nam), nhà trường sẽ cử giảng viên đào tạo các nghiệp vụ hoặc các chuyên đề phù hợp cho nhân viên công ty theo yêu cầu của doanh nghiệp; cử giảng viên và sinh viên tham gia các sự kiện liên quan đến chuyên ngành văn hóa, du lịch theo yêu cầu của doanh nghiệp; cải tiến và cập nhật chương trình đào tạo trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp thực tế của doanh nghiệp; hỗ trợ trong việc tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực có trình độ và chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của công ty… Về phía doanh nghiệp, hàng năm sẽ tiếp nhận và tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên nhà trường đến tham quan, thực tập thực tế tại đơn vị; sẵn sàng cung cấp thông tin tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng sinh viên nhà trường vào làm việc bán thời gian và toàn thời gian theo nhu cầu; tham gia đóng góp ý kiến về chương trình đào tạo, tham dự hội thảo khoa học, hội chợ việc làm thường niên do nhà trường tổ chức…

Theo TS.Trần Văn Anh, Trưởng khoa Kinh tế - du lịch (Trường Đại học Quảng Nam), việc ký kết biên bản hợp tác giữa nhà trường với các doanh nghiệp du lịch sẽ mở ra nhiều cơ hội cho sinh viên được kiến tập, thực tập và trải nghiệm. Đặc biệt, sinh viên sẽ có cơ hội được tuyển dụng trở thành nhân viên chính thức ngay tại những đơn vị thực tập. Ngược lại, doanh nghiệp cũng có thể tuyển dụng được những sinh viên chất lượng trong thời gian thực tập, thử việc nơi đây. “Với phương châm đào tạo lấy trải nghiệm thực tế làm đầu, Khoa Kinh tế - du lịch đang hướng đến trở thành một địa chỉ đào tạo các ngành kinh tế, du lịch có chất lượng và uy tín trong khu vực, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội” - TS.Anh nói.

Cải thiện chất lượng nhân lực

Thực tế, việc ký kết hợp tác trong đào tạo giữa nhà trường với doanh nghiệp du lịch không phải mới mẻ. Mới đây, Trường Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật và du lịch Quảng Nam cũng đã ký kết hợp tác với Dự án Nam Hội An đào tạo nguồn nhân lực cho dự án tại cơ sở Duy Phước, Duy Xuyên trong vòng 5 năm. Theo đó, phía dự án sẽ đầu tư khoảng 4 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, sửa chữa phòng ốc, xây dựng nội dung chương trình đào tạo và tiếp nhận đầu ra sinh viên. Còn nhà trường sẽ đảm nhận vai trò tuyển sinh, quản lý lớp học và dành một số cơ sở phòng ốc cho phía đối tác… Với Trường Đại học Quảng Nam, năm 2017 nhà trường cũng đã ký kết hợp tác đào tạo lao động với khách sạn Mường Thanh Tam Kỳ. Ông Huỳnh Tấn Quốc – Phó Tổng Giám đốc Công ty Hùng Cường (đơn vị quản lý khu du lịch sinh thái hồ Phú Ninh) cho rằng, du lịch phía nam của tỉnh hiện rất thiếu nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Chất lượng nguồn nhân lực thấp đang là nỗi trăn trở của doanh nghiệp, nên các trường cần đảm bảo đào tạo chuẩn đầu vào thì chất lượng đầu ra mới tốt được. “Theo quy định, khu, điểm du lịch nào muốn được công nhận sao thì chất lượng nguồn lao động cũng phải đạt chuẩn tương ứng, nên việc hợp tác với nhà trường trong đào tạo sẽ giúp doanh nghiệp hoàn thiện đội ngũ lao động của mình” - ông Quốc nói.

Theo ông Hồ Tấn Cường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, tính đến hết năm 2017, tổng lao động làm việc trực tiếp trong ngành du lịch toàn tỉnh là hơn 13 nghìn người. Trong đó, lao động trong lĩnh vực lưu trú khoảng 10 nghìn người (chiếm 76%); lĩnh vực lữ hành, vận chuyển là 1.000 người (chiếm 8,2%); lĩnh vực nhà hàng, các khu vui chơi giải trí và các dịch vụ khác là 2.000 người (chiếm 15%). Dự báo đến năm 2020, ngành du lịch cần khoảng 20 nghìn lao động trực tiếp và 40 nghìn lao động gián tiếp. Trong đó, nhu cầu lao động cần đào tạo tại các doanh nghiệp lưu trú giai đoạn từ năm 2018 - 2020 gần 11.300 người. Với các doanh nghiệp lữ hành, nhu cầu đào tạo lao động khoảng 880 người, chiếm 7% trên tổng số lao động cần đào tạo. “Hiện tại, đang có một sự chuyển dịch và cạnh tranh lao động khốc liệt trong ngành du lịch, nhất là khi các dự án lưu trú lớn ở Nam Hội An, Vinpearl ra đời, nên ngay từ bây giờ nhà trường cần có một chương trình hợp tác cụ thể và mang tính đón đầu với các doanh nghiệp” - ông Cường gợi ý.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác đào tạo nhân lực du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO