Hôm qua 1.12, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum tổ chức hội nghị đánh giá quy chế phối hợp quản lý bảo vệ rừng (BVR) vùng giáp ranh. Hai năm qua (2019 - 2020), từ sự chia sẻ thông tin kịp thời, tăng cường trách nhiệm quản lý, BVR mà 3 địa phương có thêm “cánh tay nối dài” trong việc đấu tranh với các hành vi xâm hại rừng trái phép ở vùng giáp ranh.
Thêm “đồng minh” giữ rừng
Không phải ngẫu nhiên mà chi cục kiểm lâm 3 tỉnh (Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum) từ nhiều năm nay đã ký kết quy chế phối hợp BVR ở khu vực giáp ranh. Bởi nơi đây giàu hệ sinh thái rừng, lại có khu vực rừng đầu nguồn của các con sông lớn. Mặt khác, khu vực giáp ranh còn dai dẳng tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp. Con đường Đông Trường Sơn cắt qua dãy rừng nguyên sinh nối giữa xã Trà Vân (Nam Trà My) và xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) mở ra, tạo cơ hội cho lâm tặc khai thác, vận chuyển gỗ phi pháp.
Hai năm qua, kiểm lâm 3 địa phương tổ chức 2.479 đợt tuần tra, truy quét bảo vệ rừng. Trong số 277 vụ phát hiện, đến nay đã xử lý 272 vụ (256 vụ vi phạm hành chính, 16 vụ vi phạm hình sự) và 5 vụ đang trong giai đoạn xử lý. Lực lượng chức năng tịch thu hơn 857,7m3 gỗ tròn các loại, tạm giữ 28 ô tô và xe gắn máy. Thu nộp vào ngân sách nhà nước số tiền vi phạm hơn 5,6 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Viết Chưởng - Chủ tịch UBND xã Sơn Bua, việc tranh chấp đất lâm nghiệp của 2 xã kéo dài nhiều năm. Đất lâm nghiệp bị lấn chiếm thường nằm xen kẽ, sát diện tích rừng tự nhiên. Do đó, các đối tượng vi phạm, lấn chiếm đất lén lút mở rộng quy mô bằng hình thức phá rừng tự nhiên để trồng keo hoặc trồng hoa màu, lúa rẫy. Ở vùng giáp ranh, 2 địa phương phát hiện và ngăn chặn 4 vụ vi phạm liên quan đến rừng, trong đó đã yêu cầu 3 hộ lấn chiếm đất lâm nghiệp trả lại đất và nộp tiền phạt vi phạm.
Theo Hạt Kiểm lâm Nam Trà My, 2 năm nay, đơn vị đã phối hợp với các Hạt Kiểm lâm Tu Mơ Rông, Kôn Plông (Kon Tum), Hạt Kiểm lâm Sơn Tây (Quảng Ngãi) tuần tra truy quét 6 đợt, phát hiện nhiều vụ xâm lấn đất lâm nghiệp, đẩy đuổi hàng trăm đối tượng ra khỏi rừng. Giữa các hạt quản lý BVR đã trao đổi thông tin bằng hình thức họp giao ban hoặc gọi điện thoại để xử lý các vụ việc phát sinh. Xây dựng mạng lưới thông tin giữa kiểm lâm địa bàn, lực lượng chuyên trách của chủ rừng với 30 chốt trồng sâm Ngọc Linh ở Trà Nam, Trà Linh giáp ranh với huyện Tu Mơ Rông , Đăk Glei (Kon Tum) để kịp thời thông tin đối tượng lạ đến địa bàn.
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam - ông Trần Văn Thu cho biết, nhờ có thêm lực lượng quản lý, BVR phía tỉnh bạn mà vùng giáp ranh đã bớt “nóng” hơn. Đơn cử, lực lượng kiểm lâm huyện Nam Trà My và chính quyền xã Trà Vân phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Tây quản lý được 60 hộ dân ở nóc Ông Ruộng và nóc Ông Thanh thuộc thôn 3 (xã Trà Vân) đang sản xuất nông, lâm nghiệp với diện tích 60ha tại tiểu khu 144, 146 xã Sông Bua (huyện Sơn Tây). Đồng thời quản lý được 232 hộ ở thôn 3 xã Trà Vinh (Nam Trà My) đang sinh sống và sản xuất trên khu vực tranh chấp có diện tích 6.566ha tại huyện Kon Plong (Kon Tum).
Xử lý dứt điểm xâm lấn đất rừng
Nhìn nhận hạn chế trong quy chế phối hợp BVR, ngành kiểm lâm của 3 địa phương cho rằng, hành vi khai thác rừng và xâm lấn rừng trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp ở vùng giáp ranh, trong khi việc phối hợp truy quét còn thiếu đồng bộ. Thêm vào đó, cơ chế trao đổi thông tin chưa được thực hiện tới nơi tới chốn.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, vùng giáp ranh giữa Kon Tum và Quảng Ngãi còn xuất hiện “điểm nóng” vi phạm pháp luật lâm nghiệp. Điển hình, ngày 18.8.2020, lực lượng chức năng thuộc 2 tỉnh đã phát hiện 2 vụ khai thác rừng trái phép. Đó là vụ xảy ra tại khoảnh 1 và 2 tiểu khu 495 (xã Hiếu, huyện Kon Plông) thuộc lâm phận do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông quản lý với khối lượng gỗ bị thiệt hại hơn 81,3m3. Một vụ khác xảy ra tại khoảnh 16 và 17 tiểu khu 440 thuộc lâm phận do UBND xã Pờ Ê (Kon Plông) quản lý với khối lượng hơn 40m3. Các khu vực trên nằm giáp ranh với huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) và đều được lực lượng chức năng của huyện Ba Tơ phối hợp xử lý.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng, với các vụ việc xâm hại đất lâm nghiệp vùng giáp ranh cần phải xử lý dứt điểm. Các hạt kiểm lâm, đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy 3 địa phương khi xây dựng kế hoạch phối hợp phải phù hợp với quản lý hoạt động lâm nghiệp của địa phương mình; phối hợp kiểm soát tình trạng người dân ở vùng giáp ranh sang địa phương khác khai thác rừng và phá rừng trái phép để lấy đất sản xuất.
Về phía Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, việc BVR khu vực giáp ranh có hiệu quả hay không phụ thuộc vào cách phối hợp, chia sẻ thông tin và cùng chung trách nhiệm xử lý “điểm nóng”. Quảng Nam đang tích cực xúc tiến bán chứng chỉ các-bon rừng, tạo sinh kế bền vững cho dân vùng giáp ranh, với kỳ vọng sẽ bảo vệ được sự giàu có hệ sinh thái rừng tự nhiên. Thực tiễn cho thấy, ở đâu có dự án đầu tư phát triển sinh kế, làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp thì nơi đó rừng tự nhiên ít bị xâm hại hơn.