(QNO) - Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Mỹ năm 2022 đạt 124 tỷ USD, so với chỉ 450 triệu USD vào năm 1995.
Quan hệ kinh tế Việt - Mỹ phát triển mạnh mẽ từ giữa những năm 1990. Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ được chính thức thiết lập ngày 12/7/1995.
Kim ngạch xuất khẩu hai chiều Việt Nam - Mỹ đạt 124 tỷ USD vào năm 2022, tăng khoảng 3,5 lần cách đây 10 năm - thời điểm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện (2013 - 2023).
Năm ngoái, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ và là quốc gia thành viên thuộc Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ.
Trong khi đó, Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong 10 năm qua, kim ngạch xuất khẩu hằng năm của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng bình quân gần 20%.
Bộ Tài chính cho biết, về quan hệ đầu tư, nhiều năm qua Mỹ luôn là một trong những đối tác có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, hiện xếp thứ 11/142 quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, với 1.223 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký hơn 11,4 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, Mỹ nằm trong top 10 quốc gia Việt Nam có dự án đầu tư.
Theo Bộ Công Thương, 8 tháng đầu năm 2023, dù chịu nhiều tác động không mấy thuận lợi do kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm, thương mại hai chiều Việt - Mỹ vẫn đạt 71,6 tỷ USD. Dù sụt giảm 19,1%, tương ứng mức giảm 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, Mỹ vẫn là thị trường dẫn đầu nhập nhiều hàng hóa Việt Nam.
Thương mại Việt - Mỹ không chỉ phát triển mà còn trở nên năng động, đa dạng. Việt Nam trở thành nhà cung cấp các sản phẩm quan trọng cho thị trường Mỹ bao gồm hàng may mặc, giày dép, đồ nội thất, hải sản và thiết bị điện tử trong khi nhập khẩu từ Mỹ gồm máy móc, máy tính, đồ điện, nông sản...
Việt Nam cũng là một nút quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa đối với nền kinh tế Mỹ, từ chất bán dẫn, điện thoại đến ô tô, tấm pin mặt trời... thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu.
Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E. Knapper, Việt Nam - thành viên của nền kinh tế toàn cầu cũng đóng vai trò trung tâm trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - nơi sinh sống của hơn một nửa dân số toàn cầu và đóng góp vào 2/3 tăng trưởng kinh tế thế giới.
Đáng chú ý, Việt Nam cùng Mỹ trở thành những đối tác đầu tiên khởi động Sáng kiến về Khuôn khổ kinh tế thịnh vượng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF), tập trung vào 4 trụ cột chính: kinh tế công bằng, kinh tế kết nối, kinh tế phục hồi và kinh tế xanh.
Vào tháng 3 vừa qua, đoàn doanh nghiệp Mỹ với hơn 50 tập đoàn, công ty lớn như SpaceX, Netflix and Boeing thăm và làm việc tại Việt Nam, thảo luận về cơ hội đầu tư và kinh doanh, mở ra triển vọng về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tương lai gần.
Bởi vậy, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam trong hai ngày 10 và 11/9/2023 được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ Việt - Mỹ sâu sắc thêm trong nhiều lĩnh vực bao gồm đầu tư và thương mại.