Hợp tác quốc tế thương mại điện tử

LỮ ĐINH HÀ MY 05/09/2018 01:42

Mới đây, đoàn công tác Sở Công Thương cùng các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn đã có chuyến làm việc với các chuyên gia Hàn Quốc và Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc để tìm hướng thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử và quảng bá mạnh mẽ sản phẩm xứ Quảng đến với doanh nghiệp Hàn Quốc.

Đoàn công tác Sở Công Thương giới thiệu sản phẩm đặc trưng xứ Quảng với đối tác Hàn Quốc. Ảnh: L.Đ.H.M
Đoàn công tác Sở Công Thương giới thiệu sản phẩm đặc trưng xứ Quảng với đối tác Hàn Quốc. Ảnh: L.Đ.H.M

Xu thế chung

Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử (TMĐT) nhanh và ổn định. Để làm được điều đó, Hàn Quốc đã chú trọng đến nền tảng công nghệ thông tin đặc biệt là hướng đến khu vực kinh tế tư nhân, nhận thức của doanh nghiệp, nguồn nhân lực, khuôn khổ pháp lý... Trung bình hàng năm TMĐT Hàn Quốc tăng 35 - 45%/năm,  riêng năm 2017 đạt 70 tỷ đô la Mỹ, chiếm 25% tổng giao dịch thương mại của Hàn Quốc. Nhiều năm qua, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và TMĐT giữa Việt Nam và Hàn Quốc hết sức mạnh mẽ, Việt Nam là đối tác thứ 2 của Hàn Quốc, sau Trung Quốc. Mới đây, đoàn công tác Sở Công Thương cùng các địa phương và doanh nghiệp trên địa bàn đã có chuyến làm việc với các chuyên gia Hàn Quốc và Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc để tìm hướng đi cho thúc đẩy hoạt động TMĐT và quảng bá mạnh mẽ hơn các sản phẩm của xứ Quảng đến với doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông Phạm Khắc Tuyên - Bí thư thứ nhất, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc thống kê, Hàn Quốc có 50 triệu dân, trừ đi người già và trẻ em có 30 triệu người tham gia vào TMĐT. Như vậy xu hướng thương mại truyền thống dần giảm đi, Việt Nam cũng đang dần tiến đến xu hướng đó và đang tham gia TMĐT tích cực hơn.

Người Hàn Quốc biết đến Việt Nam thông qua những quảng cáo hình ảnh du lịch. Nhiều người tiêu dùng Hàn Quốc hiện quen với các thương hiệu như: cà phê Trung Nguyên, G7, cơm dừa sấy khô, tinh dầu quế, trà trái nhàu… Trong chuyến công tác này, đoàn Quảng Nam giới thiệu đến nước bạn những sản phẩm đặc trưng từ: Công ty CP gỗ Công nghiệp Quảng Nam, các sản phẩm thực phẩm chức năng được làm từ sâm Ngọc Linh của Công ty CPTM Dược sâm Ngọc Linh Quảng Nam; trầm hương Nông Sơn, đồ thủ công mỹ nghệ của gốm Thanh Hà, bột chùm ngây, rau má, trà xanh, viên mật nhân, thương hiệu Yến sào Bảo Trân của Công ty TNHH Yến sào Tiên Phong…

Cần hoàn thiện nhiều khâu

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã xây dựng, nâng cấp sàn giao dịch TMĐT tại địa chỉ www.quangnamtrade.com.vn do Sở Công Thương chủ trì, hiện đã và đang có hơn 200 doanh nghiệp được hỗ trợ tham gia sàn giao dịch TMĐT.
Trươc mắt Sở Công Thương hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp Hàn Quốc tham gia gian hàng trên sàn TMĐT Quảng Nam trong thời gian 12 tháng, sau đó Quảng Nam sẽ phối hợp với các thương vụ Việt Nam mời chuyên gia từ các nước có sự phát triển mạnh về TMĐT như Nhật Bản, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan sang tư vấn cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm định hướng, hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp và công dân Quảng Nam trong quá trình kinh doanh với các nước có lĩnh vực công nghiệp, thương mại và TMĐT phát triển.

Theo ông Moon Ki Bong - Chủ tịch Trung tâm hợp tác kinh doanh Hàn Quốc với ASEAN, với những sản phẩm có tính chất dược liệu sẽ tạo nhiều tiềm năng để thúc đẩy TMĐT tại Hàn Quốc. Ưu điểm của TMĐT là người tiêu dùng ngồi một chỗ và tìm kiếm những thông tin đó. Ví dụ, sản phẩm yến sào của thương hiệu Yến sào Bảo Trân. Khi tìm trên website của một công ty về TMĐT cho ra rất nhiều kết quả liên quan đến yến sào, từ đó người tiêu dùng sẽ so sánh được giá cả để lựa chọn phù hợp. “Theo tôi các cơ sở hạ tầng internet thật tốt phục vụ  mua bán trực tuyến là quan trong nhất, tiếp đến cần phát triển thẻ thanh toán điện tử mới phục vụ được buôn bán TMĐT. Thứ nữa là hệ thống logistics phải thật thuận lợi để kịp thời chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng” - Ông Moon nói.

“Các loại dược liệu của Việt Nam là rất lớn nhưng chúng ta vẫn chưa phát huy được sản phẩm liên quan ra thị trường thế giới vì các điều kiện thuế quan, phi thuế quan, các kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm và dược phẩm rất nghiệm ngặt ở các nước phát triển. Sau chuyến đi này chúng tôi mong muốn nhận được sự tư vấn của các chuyên gia Hàn Quốc và sự đồng hành của chính quyền địa phương để hoàn thiện sản phẩm, vươn ra thị trường quốc tế” - ông Nguyễn Duy Thạnh - Giám đốc Công ty TNHH Yến sào Tiên Phong, thương hiệu Yến sào Bảo Trân mong muốn.

Còn ông Ông Đoàn ngọc Sơn  - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho rằng, công tác hợp tác quốc tế về TMĐT rất khó khăn. Để phát triển lĩnh vực này, Bộ Công Thương và ban ngành, doanh nghiệp sẽ kiểm tra đồng bộ các chỉ tiêu để hoàn thiện trong thời gian tới.

Đối với Quảng Nam trong những năm gần đây các cấp chính quyền vẫn quan tâm phát triển TMĐT, tuy nhiên cơ chế chính sách riêng tỉnh vẫn chưa ban hành, chỉ áp dụng chung các văn bản, nghị định của Chính phủ và Bộ Công Thương. Sở Công Thương thực hiện đợt công tác này thông qua đề án thông tin đối ngoại của UBND tỉnh và Nghị quyết 45 của HĐND  để phát triển TMĐT tại các nền kinh tế có TMĐT phát triển. Tuy nhiên nguồn kinh phí cho hoạt động tương đối khiêm tốn, hoạt động TMĐT chưa cao.

LỮ ĐINH HÀ MY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác quốc tế thương mại điện tử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO