Hợp tác quốc tế ứng phó đại dịch Covid-19

NAM VIỆT 23/11/2020 10:45

(QNO) - Ngày 21 và 22.11, Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra theo hình thức trực tuyến do Ả-rập Xê-út chủ trì, hướng tới giải quyết những vấn đề quan tâm bao trùm từ khủng hoảng dịch bệnh, kinh tế đến phát triển bền vững.

Một bức ảnh kỹ thuật số về “gia đình” G-20. Ảnh: Reuters
Một bức ảnh kỹ thuật số về “gia đình” G-20. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh G-20 năm nay diễn ra trong bối cảnh thế giới đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), cướp đi sinh mạng của hơn 1,37 triệu người trong tổng số hơn 58 triệu ca nhiễm bệnh (tính đến ngày 22.11.2020) kể từ khi bùng phát vào cuối năm ngoái ở Trung Quốc.

Ngay trong phát biểu khai mạc hội nghị, Quốc vương Ả-rập Xê-út Salman bin Abdulaziz nói: “Chúng ta có nhiệm vụ cùng nhau vượt qua thách thức trong hội nghị thượng đỉnh này và đưa ra một thông điệp mạnh mẽ về hy vọng và sự trấn an”.

Thông điệp của nước Chủ tịch luân phiên G-20 đưa ra trong lúc có những lo ngại rằng đại dịch có thể làm sâu sắc thêm sự chia rẽ toàn cầu giữa người giàu và người nghèo.

Theo AP, trong khi các quốc gia G-20 đóng góp hàng tỷ USD để phát triển vắc xin Covid-19, họ cũng chủ yếu tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung vắc xin của riêng họ.

Tuy nhiên, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng: “Chúng ta cần phải tránh bằng mọi giá viễn cảnh về một thế giới hai tốc độ, nơi chỉ những người giàu hơn mới có thể tự bảo vệ mình trước vi rút và khởi động lại cuộc sống bình thường”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, đại dịch chỉ có thể được khắc phục nếu tất cả quốc gia có một loại vắc xin giá cả phải chăng.

Quốc vương Salman bin Abdulaziz nêu rõ, đại dịch Covid-19 là một cú sốc chưa từng có, ảnh hưởng đến toàn thế giới chỉ trong một thời gian ngắn, gây thiệt hại về kinh tế - xã hội trên phạm vi toàn cầu. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để vượt qua cuộc khủng hoảng này thông qua hợp tác quốc tế” - Quốc vương Salman bin Abdulaziz khẳng định.

Một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh G-20, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói, dù 10 tỷ USD đã được đầu tư vào các nỗ lực phát triển vắc xin, chẩn đoán và điều trị, song cần thêm 28 tỷ USD nữa để sản xuất hàng loạt, mua và phân phối vắc xin Covid-19 khắp thế giới.

Ông Guterres kêu gọi thêm các nước G-20 tham gia COVAX - một sáng kiến quốc tế nhằm phân phối vắc xin Covid-19 cho các quốc gia khắp thế giới.

Để chuẩn bị cho những đợt bùng phát trong tương lai, Liên minh châu Âu (EU) đề xuất một hiệp ước về đại dịch có thể giúp các nước phản ứng nhanh hơn và theo cách phối hợp hơn.

Đại dịch Covid-19 tác động sâu rộng đến hầu hết nền kinh tế, đặc biết tại các nước đang phát triển, đẩy hàng trăm triệu người mất việc làm và rơi vào cảnh nghèo túng cùng cực.

Trong năm nay, G20 đã chi 11 nghìn tỷ USD để hỗ trợ kinh tế phục hồi, hoãn nợ cho các nước nghèo nhất để cho phép các quốc gia đó tập trung chi tiêu vào các chương trình kích thích và chăm sóc sức khỏe, cũng như đóng góp hơn 21 tỷ USD tài trợ cho các công tác chẩn đoán, nghiên cứu và phát triển vắc xin, điều trị Covid-19.

Do vậy, Hội nghị thượng đỉnh G-20 - diễn đàn bao gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất trên thế giới và EU đại diện khoảng 85% sản lượng kinh tế thế giới và 3/4 tỷ trọng thương mại quốc tế, năm nay được kỳ vọng sẽ góp phần đưa thế giới thoát khỏi “bóng ma” Covid-19 và hồi phục kinh tế sau khủng hoảng dịch bệnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác quốc tế ứng phó đại dịch Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO