Hợp tác sản xuất nông nghiệp hàng hóa

TRẦN HỮU 29/02/2016 10:05

Nhờ các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) mạnh dạn đầu tư, tổ chức cho nông dân liên kết sản xuất nên một số cánh đồng trên địa bàn huyện Thăng Bình đã cho năng suất và giá trị kinh tế cao.

Bảo hành cho cây trồng

Thời gian qua, mặc dù tỉnh luôn có cơ chế ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực “tam nông” nhưng thực tế trên đồng đất xứ Quảng vẫn thưa bóng các nhà đầu tư, nguyên nhân chủ yếu là tính rủi ro cho sản xuất trồng trọt rất cao. Tuy nhiên, tại huyện Thăng Bình, bước đầu một số địa phương đã tìm đến doanh nghiệp, HTX để liên kết sản xuất.

Vụ đông xuân 2014 - 2015, ngành nông nghiệp huyện và chính quyền xã Bình Tú đã hợp tác với Công ty TNHH giống cây trồng Syngenta Việt Nam triển khai thí điểm hơn 2ha lúa lai trên cánh đồng mẫu tại thôn Tú Ngọc B (xã Bình Tú). Từ trước đến nay, hầu như nông dân địa phương chỉ quen canh tác với giống lúa truyền thống, không quen đổi giống mới. Tuy nhiên, khi công ty cam kết sẽ bảo hành cây trồng, năng suất và giá trị thu về sẽ cao hơn giống cũ, thì hầu hết nông dân đều hưởng ứng. Năng suất lúa vụ này đạt bình quân 15 tạ/ha. Công ty đứng ra mua 31 nghìn đồng/kg nên mỗi héc ta thu được hơn 46 triệu đồng. Theo tính toán của nông dân, sau khi đã trừ mọi chi phí, mỗi sào sản xuất lúa lai thu nhập cao hơn sản xuất lúa đại trà trên dưới 700 nghìn đồng. Nông dân Nguyễn Văn Phương trồng gần 2 sào ruộng lúa lai, thu hoạch bán lại cho công ty hơn 6 triệu đồng. Nhiều nông dân cho biết, ban đầu họ rất e dè sử dụng nguồn giống mới, nhưng khi công ty cam kết, ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm nên họ rất an tâm sản xuất. Thực tế thì năng suất và giá trị kinh tế lúa lai cao hơn hẳn giống truyền thống.

Trên cánh đồng thôn Trà Đóa 1 (xã Bình Đào), đã bắt đầu hình thành cánh đồng lớn theo hướng sản xuất hàng hóa.Ảnh: TR.HỮU
Trên cánh đồng thôn Trà Đóa 1 (xã Bình Đào), đã bắt đầu hình thành cánh đồng lớn theo hướng sản xuất hàng hóa.Ảnh: TR.HỮU

Theo Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình, do vụ đầu tiên sản xuất lúa lai nên người dân mới tiếp cận với kỹ thuật, chưa tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác khoa học, vừa làm vừa rút kinh nghiệm nên năng suất chưa cao. Tuy nhiên, sau khi trình diễn xong, các cánh đồng đạt mức 70 triệu đồng/ha cho mô hình trồng lúa lai không còn xa lạ. Việc chủ động tìm đến nguồn giống của doanh nghiệp, cái lợi nhất người nông dân là được bảo hành về sản phẩm, ổn định đầu ra, không còn tâm lý lo sợ rủi ro trồng trọt.

Ly nông nhưng đất vẫn sinh lợi

Rào cản canh tác lớn nhất của xã Bình Đào trong những năm qua chính là đất đai nhỏ hẹp, manh mún; chưa tạo ra vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa. Tình trạng nông dân chuyển nhượng ruộng đất để chuyển sang các ngành nghề lao động khác có chiều hướng tăng. Chính vì thế, từ vụ đông xuân 2015 - 2016, HTX Bình Đào đã bắt đầu làm “bà đỡ” cho nông dân trong sản xuất. Từ đầu năm đến nay, hơn 3,7ha đất ruộng của người dân thôn Trà Đóa 1, Trà Đóa 2 (xã Bình Đào) đã giao hẳn cho HTX canh tác. Toàn bộ diện tích trên nông dân bỏ hoang, hoặc giao lại cho nông dân khác canh tác giờ được HTX đứng ra thuê lại trồng trọt. Cái lợi là người dân không trực tiếp sản xuất, song đến mùa vụ thu hoạch vẫn hưởng lợi theo hợp đồng đã ký kết.

HĐND tỉnh khóa VIII, kỳ họp thứ 15 cuối năm 2015 đã thông qua nghị quyết về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh (đối tượng bao gồm HTX, liên hiệp HTX). Trong chính sách này có hỗ trợ khuyến khích tập trung ruộng đất đầu tư sản xuất hàng hóa theo hình thức người dân góp vốn bằng đất hoặc cho thuê lại đất.

Ông Trần Hữu Tam, nông dân thôn Trà Đóa 1 cho biết: “Những năm trước do đi làm thợ nề ở xã, tôi đành bỏ hoang đất, hoặc cho không hàng xóm làm, nhưng từ ngày “tá ruộng” (giao đất) cho HTX, tôi được lợi cả đôi đường. Đó là vừa có gạo để ăn do HTX thuê đất chia lại sản lượng, vừa yên tâm làm thợ nề ở xa”. Còn lão nông Nguyễn Văn Bá (thôn Trà Đóa 1) bộc bạch: “Tôi tuổi cho cao sức yếu đâu thể làm đồng mãi được. Mình có đất cho HTX thuê lại có hạt gạo để ăn”. HTX thuê đất nông dân và cũng bỏ tiền ra thuê nhân công từ nông dân để phục vụ nông dân. Theo ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX Bình Đào, hiện tại nông dân lao động trên đồng ruộng được HTX trả 200 nghìn đồng/ngày, riêng lao động phun thuốc trừ sâu trả cao hơn với mức 400 nghìn/ngày. Trong số 10ha đất thực hiện thí điểm mô hình tích tụ ruộng đất ở xã Bình Đào, có 6,3ha HTX liên kết với nông dân sản xuất, diện tích còn lại HTX thuê lại của người dân. “Trong số 10ha này, trước đây có đến 149 thửa ruộng của người dân, bây giờ chúng tôi phá bờ còn lại 57 thửa. Việc tích tụ ruộng đất sẽ tạo cánh đồng lớn dễ áp dụng cơ giới hóa, tái cơ cấu lực lượng lao động. Điều quan trọng người dân dù ly nông nhưng đất đai của họ vẫn sinh lợi” - ông Sanh nói.

Năm 2015 - 2016, xã Bình Đào làm thí điểm 20ha sản xuất lúa giống VN121 và cây đậu phụng giống L23. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương, tích tụ, tập trung ruộng đất ở xã Bình Đào là mô hình điểm đầu tiên của tỉnh, khẳng định tính hiệu quả trong sử dụng đất, hiệu quả sản xuất và thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Điều quan trọng là cắt giảm chi phí đầu vào, tăng giá trị đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; đảm bảo sinh kế bền vững cho nông dân sau khi chuyển từ lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp - dịch vụ.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác sản xuất nông nghiệp hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO