Hợp tác về Biển Đông vì an ninh và phát triển khu vực

VĂN SANH 10/11/2018 03:48

(QNO) - Cơ sở cho mọi giải pháp cơ bản bắt đầu từ lòng tin và các hoạt động hợp tác thực chất để giải quyết tranh chấp Biển Đông là một trong những vấn đề nóng nhất hiện nay của thế giới.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VĂN SANH
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VĂN SANH

Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 10 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” do Học viện Ngoại giao, Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS) và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức diễn ra trong 2 ngày 8 và 9.11 tại TP.Đà Nẵng. Tham dự hội thảo có 89 học giả quốc tế; 22 cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam; gần 100 học giả, đại biểu Việt Nam; cùng 110 phóng viên đến từ 60 hãng thông tấn, truyền hình trong và ngoài nước.

PGS-TS. Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá, hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, sau 10 năm tổ chức đã có được khung chương trình nghị sự ổn định, giúp hình thành một mạng lưới học giả quốc tế nghiên cứu về Biển Đông, góp phần nâng cao nhận thức của giới hoạch định chính sách và công chúng về vấn đề Biển Đông.

Tuy nhiên, theo ông Tùng, nỗ lực của khu vực và quốc tế giảm căng thẳng ở Biển Đông, hướng tới những giải pháp hòa bình và đảm bảo an ninh vẫn chưa được như mong muốn. Nguyên trạng Biển Đông tiếp tục bị thay đổi theo hướng xói mòn trật tự quốc tế, hạn chế các thành phần hợp tác và xói mòn lòng tin giữa các nước liên quan. Gốc rễ của vấn đề Biển Đông được bàn đến nhưng chưa được xử lý về mặt chính sách và thực tiễn.

Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee - Toà án Luật biển quốc tế ITLOS thì cho rằng, hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực Biển Đông cần dựa trên 4 thành tố: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát. Ông khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất; đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.

Trong khi đó, GS. Jay Batongbacal - Giám đốc Viện Các vấn đề hàng hải và luật biển (Đại học Philippines) nhận định: “Việt Nam đang làm tốt trong bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên theo tôi, quan trọng nhất là phải cương quyết bảo vệ quan điểm về chủ quyền của mình”.

Các học giả nhất trí cho rằng tranh chấp Biển Đông sau 10 năm đã thay đổi về lượng và chất, ngày càng trở nên phức tạp và chứa đựng nhiều tầng nấc, và là ví dụ nổi bật về các tranh chấp trong khu vực. Biển Đông hiện là khu vực cạnh tranh địa chiến lược và địa chính trị giữa 2 siêu cường Mỹ - Trung Quốc; đồng thời thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực như Úc, Ấn Độ, Nhật Bản. Tranh chấp Biển Đông có quan hệ mật thiết với tranh chấp ở các khu vực biển lân cận khác, như Biển Hoa Đông, do đó tác động mạnh mẽ tới hòa bình, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung tại khu vực.

Năm 2018 đánh dấu một thập kỷ trưởng thành của chuỗi hội thảo quốc tế về Biển Đông - “Hợp tác vì hoà bình và phát triển khu vực”. Tại hội thảo lần này, 32 tham luận được trình bày. Theo đó tình hình Biển Đông, động thái của các nước trong 10 năm qua đã được các đại biểu thảo luận, đánh giá toàn diện. Các chủ đề lớn bao gồm: Xây dựng các lực lượng trên Biển Đông; Xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết tranh chấp; Các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên Biển Đông; Trật tự và bất ổn trên Biển Đông: Tổng kết quá khứ và định hình tương lai.

Hiện nay, mọi giải pháp cho vấn đề Biển Đông đều được các nước trên thế giới quan tâm. Các hoạt động không tính đến lợi ích của nước khác tất sẽ đưa đến sự chú ý của dư luận và các động thái nhằm tìm kiếm sự cân bằng có lợi cho hòa bình và phát triển trong khu vực. Tuy tương lai hòa bình của vùng biển này phụ thuộc nhiều vào cách ứng xử của Trung Quốc - một quốc gia đang nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông để từng bước thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”, song những nỗ lực phấn đấu của ASEAN và Việt Nam cũng như sự quan tâm có trách nhiệm của các cường quốc bên ngoài khu vực mới là nhân tố quan trọng, không thể thiếu để duy trì một trật tự ổn định trên Biển Đông.

VĂN SANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác về Biển Đông vì an ninh và phát triển khu vực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO