Hợp tác về khoa học và công nghệ: Triển khai nhiều dự án thiết thực

HÀN GIANG 16/09/2019 10:52

Nghiên cứu giải pháp quản lý, bảo vệ và hạn chế xung đột của đàn voi, hay lắp đặt hệ thống chống sét bảo vệ rừng di sản Pơmu tại Tây Giang là hai trong nhiều nội dung được quan tâm thảo luận nhằm góp phần cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác về KH&CN giai đoạn 2017 - 2020 giữa UBND tỉnh và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, tại hội nghị được tổ chức cuối tuần qua tại TP.Tam Kỳ.

Quang cảnh hội nghị đánh giá kết quả sau hơn hai năm thực hiện thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Quảng Nam và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.Ảnh: N.Đ
Quang cảnh hội nghị đánh giá kết quả sau hơn hai năm thực hiện thỏa thuận hợp tác về khoa học và công nghệ giữa Quảng Nam và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.Ảnh: N.Đ

Đánh giá về kết quả thực hiện giai đoạn 2017 - 2019, UBND tỉnh cho biết, việc hợp tác trong nghiên cứu khoa học thời gian qua của hai bên về cơ bản thành công và hiệu quả. Có nhiều nhiệm vụ trong khuôn khổ hợp tác giữa UBND tỉnh và Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đã được triển khai thực hiện. Hầu hết đề tài thuộc lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào đời sống và sản xuất. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, hai bên có thể phối hợp thực hiện tốt hơn nhưng do các vướng mắc về cơ chế, phương pháp, đề tài... “Quảng Nam luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội phải bền vững, giữ gìn tính nguyên vẹn của môi trường sinh thái, đa dạng sinh học, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên bản địa. Vì thế, từ khi tái lập tỉnh đến nay, nhiệm vụ ứng dụng KH&CN vào giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được xem là nhiệm vụ trọng tâm, mang ý nghĩa chính trị rất lớn. Vậy nên tất cả công trình, đề tài nghiên cứu gì mà Viện đề xuất nếu thấy phù hợp với tình hình, yêu cầu phát triển thì tỉnh đều rất ủng hộ, phối hợp để triển khai có hiệu quả nhất” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh.

Rừng cây Pơmu ở Tây Giang. Ảnh: ĐÌNH HIỆP
Rừng cây Pơmu ở Tây Giang. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Nghiên cứu di chuyển đàn voi

Theo UBND tỉnh, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi tỉnh Quảng Nam có diện tích gần 19.000ha nằm trên hai xã Quế Lâm và Phước Ninh (Nông Sơn). Việc nghiên cứu cơ sở khoa học để di chuyển đàn voi từ huyện Bắc Trà My về khu bảo tồn này là cần thiết nhằm bảo tồn, tập trung voi một cách hữu hiệu; đồng thời là cơ sở để xây dựng kế hoạch giảm thiểu tác động của xung đột giữa voi và người trên địa bàn tỉnh. Đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh thông tin, đàn voi có 5 cá thể đang sinh sống tại khu vực giáp ranh ba huyện Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức với diện tích khoảng 30.000ha. Chúng hay ra khu vực dân cư và sản xuất hoa màu của người dân nên xảy ra xung đột giữa voi và người. Điều đáng quan ngại là đàn voi này không phát triển được nữa, không xuất hiện con non từ 10 năm nay. Trong khi đó, đàn voi sống tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi có ít nhất 7 cá thể, gồm con non, trưởng thành và voi già nhưng cũng có thể bị cận huyết. Đây là vấn đề mà các nhà khoa học cần quan tâm, việc di chuyển đàn voi từ Bắc Trà My về khu bảo tồn vừa dễ quản lý, vừa giúp chúng phát triển.

Phối hợp nghiên cứu mối quan hệ giữa động đất và việc tích nước của thủy điện

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đề nghị các cơ quan của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cần khẩn trương hoàn thành các đề tài đang triển khai. Riêng đối với đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ phòng chống xói lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn do tỉnh phê duyệt, dù theo kế hoạch đến tháng 11.2020 hoàn thành, nhưng cơ quan thực hiện đề tài cần hoàn thành sớm hơn. Bởi, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, sử dụng nguồn vốn AFD của Pháp - 40 triệu euro, để xây dựng hệ thống bảo vệ bền vững bờ biển Cửa Đại. Tỉnh rất cần khi bắt tay vào khảo sát, thì nên có kết quả nghiên cứu này để phục vụ cho việc lập dự án. Ngoài ra, đề nghị Viện Vật lý địa cầu phối hợp với tỉnh triển khai nhanh đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước mà tỉnh đã đăng ký liên quan đến vấn đề động đất và việc tích nước của hệ thống nhà máy thủy điện bậc thang trên địa bàn. Từ đó, có cơ sở khoa học đề xuất việc tích nước như thế nào cho phù hợp...

Qua thảo luận, GS-TS.Phan Ngọc Minh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho rằng, đề tài nghiên cứu cơ sở khoa học di dời đàn voi từ Bắc Trà My về Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voi là nhiệm vụ cấp bách, cần đưa vào kế hoạch thực hiện trong năm 2020. Viện sử dụng kinh phí của mình để thực hiện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, việc di chuyển đàn voi về khu bảo tồn là vấn đề rất phức tạp. Tỉnh đã mời một số chuyên gia của ngành nông nghiệp, kiểm lâm nghiên cứu và đưa ra một số ý kiến ban đầu nhưng đó là tư vấn không chính thức. “Chúng tôi muốn có một nghiên cứu sâu hơn, trên cơ sở nghiên cứu đó mới có quyết định nên hay không nên di dời. Và không chỉ di chuyển đàn voi, Viện cần bổ sung thêm nhiệm vụ nghiên cứu giải pháp quản lý, bảo vệ và hạn chế xung đột của đàn voi, giảm thiểu tác động đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn” - ông Thanh đề nghị.

Chống sét cho rừng Pơmu

Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, từ khi được phát hiện đến nay, quần thể cây Pơmu được người dân vùng cao hết sức giữ gìn, bảo vệ nghiêm ngặt. Nhưng do nằm trên độ cao 1.400m nên rừng cây thường xuyên bị sét đánh, khốc liệt nhất là vào mùa mưa. Hiện nay, trong số 2.011 cây Pơmu qua kiểm đếm, lập hồ sơ công nhận là cây di sản Việt Nam đã có khoảng 100 cây bị sét đánh, gãy ngọn và chết khô. Việc bảo vệ rừng cây nằm ngoài khả năng địa phương nên mong các nhà khoa học hỗ trợ. “Việc bố trí, sắp xếp dân cư ở các xã vùng cao của huyện từ độ cao 1.200m trở lên thì nguy cơ sét đánh cao, do đó, huyện đang cho khảo sát, xây dựng các cột thu lôi chống sét nhằm giảm thiểu mất an toàn trong khu dân cư, ổn định cuộc sống” - ông Linh nói.

Theo TS.Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), việc thực hiện chống sét cho rừng Pơmu không nên thực hiện đại trà mà làm từng bước một, tập trung quan trắc đánh giá, có tiền đến đâu làm đến đó, lựa chọn phương án tiết kiệm nhất nhưng hiệu quả và ưu tiên kêu gọi nguồn xã hội hóa. Viện Vật lý địa cầu sẽ hỗ trợ tỉnh xây dựng trạm quan trắc đánh giá trước khi xây dựng dự án đầu tư chống sét cho quần thể rừng Pơmu. Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh giao Sở NN&PTNT và ngành kiểm lâm hỗ trợ huyện Tây Giang nghiên cứu thiết kế hệ thống chống sét cho rừng Pơmu, tính toán đưa vào dự án đầu tư, trong đó có một phần nguồn vốn xã hội hóa. Đồng thời đề nghị Viện Vật lý địa cầu sớm hỗ trợ huyện Tây Giang xây dựng trạm quan trắc dông sét.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác về khoa học và công nghệ: Triển khai nhiều dự án thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO