Hợp tác vì thịnh vượng

ĐĂNG QUANG 08/04/2013 08:32

Hợp tác xã (HTX) là một mô hình kinh tế, một thời để lại những ám ảnh khó quên. Đó là mô hình kinh tế tích cực cũng lắm, tiêu cực cũng nhiều. Tích cực như một chính sách hỗ trợ cho con em xã viên được đi học, mà nhờ đó, nhiều trẻ em nghèo có được cơ hội “bước qua lưng trâu vào đời”.

Tích cực như các HTX nông nghiệp huy động nhân tài vật lực một cách nhanh nhất để cung ứng cho đất nước thời chiến và sau đó cải tạo đồng ruộng, khai hoang phục hóa, phát triển mạng lưới thủy lợi... Một thống kê cho biết, vào thời kỳ phát triển cao nhất của phong trào HTX, năm 1986 cả nước có đến 76 nghìn HTX, với hơn 20 triệu xã viên, trong đó có 16.740 HTX nông nghiệp, với 94,2% số hộ nông dân tham gia và sản xuất được hơn 80% sản lượng lương thực, thực phẩm cho đất nước.

Nhưng bên cạnh những thành quả thì những tiêu cực phát sinh trong điều hành mô hình kinh tế này đã làm cho hình ảnh HTX trở nên xấu đi. Như việc phân phối sản phẩm nảy sinh tệ cào bằng, tham nhũng. Những câu ca một thời đã mô tả thực trạng: “Mỗi người làm việc bằng hai/ Để cho chủ nhiệm mua đài, sắm xe”, hay “ Hợp tác hợp te/ Không có miếng vải mà che cái l.”…

Nhờ có đường lối đổi mới, mô hình kinh tế HTX được thức nhận lại và thực hiện chuyển đổi khi nền kinh tế chuyển từ tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường. Cái gì tan thì tan, cái gì bền vẫn bền. Khá nhiều HTX làm ăn yếu kém phải giải thể, nhưng cũng có nhiều HTX làm ăn kiểu mới hình thành. Cho đến nay, về lĩnh vực hoạt động, HTX đã có sự mở rộng. Như trong lĩnh vực nông nghiệp, cuối năm 2012 chỉ còn 9.900 HTX; tổng số lượng HTX cũng chỉ còn 19.717 nhưng có thêm mô hình HTX thương mại – dịch vụ (mạnh nhất như Saigon Co.op, là một trong 500 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam với hệ thống 56 siêu thị Co.opMart ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành trên cả nước). Bên cạnh đó, còn có các HTX hoạt động trên lĩnh vực tín dụng, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, dược, giáo dục, tin học… Các HTX hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, đều có những bước tiến đáng kể với các sản phẩm mới.

Quảng Nam là một tỉnh có phong trào HTX khá mạnh một thời. Những lá cờ như Duy Sơn 2, Đại Hiệp, Điện Nam 2, Điện Thọ… còn để lại những ấn tượng tốt. Tuy vậy, trong bối cảnh chung của cả nước vào “đêm trước đổi mới”, HTX ở Quảng Nam cũng từng lao đao, lận đận. Qua một hành trình dài, nay ở Quảng Nam còn 184 HTX. Đáng chú ý là các HTX nông nghiệp ở Quảng Nam đã có bước chuyển qua làm dịch vụ, nhất là khâu sản xuất, cung ứng giống và vật tư nông nghiệp. Những lá cờ mới đã xuất hiện như HTX Tam Thành 1, Điện Thọ 1, Duy Thành, Tam An 2, Phú Đông… Góp nguồn động viên, khuyến khích cho mô hình kinh tế hợp tác, Quảng Nam đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, với quy mô ban đầu 15 tỷ đồng từ ngân sách cấp.

Mô hình kinh tế HTX rõ ràng sẽ hữu ích nếu được tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, điều hành quản lý cho hiệu quả. Đáng quan tâm là khâu lợi ích của xã viên trong cộng đồng chung. Không phải nghiễm nhiên mà đã có sáng kiến để trao tặng cúp vàng “Hợp tác vì cộng đồng thịnh vượng” cho các HTX tiên tiến vào dịp 11.4 (Ngày HTX Việt Nam). Thịnh vượng là một mục tiêu mà trong đó lợi ích của cộng đồng xã viên và cộng đồng xã hội tìm được tiếng nói chung hài hòa.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác vì thịnh vượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO