Hợp tác xã cần vốn phát triển sản phẩm OCOP

MAI LINH - ĐÔNG YÊN 14/12/2023 07:30

Thời gian qua, nhiều hợp tác xã (HTX) là chủ thể của các sản phẩm OCOP gặp khó khăn vì thiếu vốn để mở rộng quy mô sản xuất, trong khi đó không dễ tiếp cận các kênh vốn vay ưu đãi.

HTX Quế Trà My - Minh Phúc (xã Trà Giang, Bắc Trà My) cần hỗ trợ thêm nguồn vốn để có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ. Ảnh: PV
HTX Quế Trà My - Minh Phúc (xã Trà Giang, Bắc Trà My) cần hỗ trợ thêm nguồn vốn để có điều kiện đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối thị trường tiêu thụ. Ảnh: PV

Thiếu vốn

Dù thành lập chưa lâu nhưng đến nay HTX Quế Trà My - Minh Phúc đóng tại xã Trà Giang (Bắc Trà My) đã có hơn 20 sản phẩm được chế biến từ cây quế bản địa. Thời gian qua, đơn vị này đã liên kết với 26 hộ dân trồng 56ha quế để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Đáng chú ý, HTX tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho các hộ dân trồng và khai thác quế theo tiêu chuẩn GACP - WHO để đảm bảo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. HTX đã có sản phẩm tinh dầu quế Trà My lọt vào vòng chung kết Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2023. Đây là sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh đầu tiên của huyện Bắc Trà My và đang quyết tâm nâng hạng lên OCOP 5 sao.

Trên cơ sở Nghị quyết số 34 (ngày 9/12/2011) của HĐND tỉnh, ngày 13/1/2012 UBND tỉnh ban hành Quyết định số 172 về việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Ngộ - Giám đốc quỹ cho biết, tính đến cuối tháng 8/2023, nguồn vốn của quỹ gần 112,3 tỷ đồng; trong đó vốn điều lệ ngân sách cấp ban đầu là 15 tỷ đồng, vốn ngân sách cấp hàng năm trong giai đoạn 2013 - 2023 xấp xỉ 92,3 tỷ đồng, vốn bổ sung từ các hoạt động của quỹ hơn 4,8 tỷ đồng.

Từ năm 2012 - 2023, tổng nguồn vốn đầu tư của lĩnh vực kinh tế tập thể ở Quảng Nam hơn 404,7 tỷ đồng. Trong đó, quỹ đã thực hiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho 516 đơn vị với tổng số lượt tiền giải ngân hơn 268 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 66%).

Trước kiến nghị của nhiều HTX về việc không có tài sản thế chấp thì không thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của quỹ, ông Ngộ nói: “Vấn đề này, biết là các HTX sẽ gặp khó nhưng đó là quy định. Chúng tôi được UBND tỉnh giao bảo toàn vốn nhà nước nên phải tuân thủ nghiêm”.

Do còn non trẻ, HTX Quế Trà My - Minh Phúc đang đối diện với nhiều khó khăn về nguồn vốn cũng như việc quảng bá, tiếp cận và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị Hồng Lê - đại diện HTX chia sẻ: “Cái khó chung của các HTX khởi nghiệp như chúng tôi là thiếu kinh phí khi muốn đầu tư xây dựng thêm hệ thống nhà xưởng, lắp đặt các trang thiết bị máy móc để mở rộng quy mô sản xuất.

Vừa qua, HTX mua máy tinh chế tinh dầu quế hết 1 tỷ đồng và được nguồn vốn khuyến công hỗ trợ 40%. Còn việc xây dựng khu nhà xưởng, kho tập kết cũng tốn kém khá nhiều nhưng gần như phải tự túc vì các quy định để tiếp cận nguồn kinh phí hỗ trợ rất khó và tỷ lệ hỗ trợ khoảng 20% là không đáng kể”.

Theo Sở NN&PTNT, tính đến cuối tháng 11/2023 Quảng Nam đã có 351 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP các hạng sao; trong đó có 293 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao (1 sản phẩm tiềm năng 5 sao). Hiện nay, toàn tỉnh có 86 HTX là chủ thể của 87 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao.

Nhìn chung, sau khi đạt chuẩn OCOP, phần lớn HTX đều thiếu nguồn vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và khó khăn trong việc kết nối thị trường tiêu thụ…

Tháo gỡ khó khăn

Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho hay, hiện nay có 2 nguồn hỗ trợ vốn cho các HTX là Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho vay với lãi suất 5,13%/năm; Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh hỗ trợ các HTX vay vốn ở những ngân hàng thương mại theo hướng ngoài mức lãi suất 5,13%/năm do HTX tự chi trả thì phần chênh lệch lãi suất còn lại sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ.

Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ các HTX đầu tư xây dựng nhà xưởng phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất. Theo đó, nếu các HTX có đất cố định để xây dựng nhà xưởng thì các đơn vị liên quan sẽ xem xét hỗ trợ khoảng 70 - 90% kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh, tùy vào vùng đồng bằng hay miền núi.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ từ ngân sách trung ương, giai đoạn 2021 - 2025 Quảng Nam bố trí khoảng 133 tỷ đồng để thực hiện nhiều nội dung hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX theo Nghị quyết số 25 của HĐND tỉnh.

Với nguồn kinh phí trên, ngành liên quan và chính quyền các địa phương tập trung hỗ trợ thành lập mới, củng cố tổ chức các HTX; hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ HTX và thu hút cán bộ trẻ có chuyên môn nghiệp vụ về làm việc tại các HTX; hỗ trợ chính sách tín dụng, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, thời gian qua nhiều HTX than phiền về chuyện thiếu đất để xây dựng trụ sở làm việc, nhà xưởng sản xuất. Tình trạng trên không chỉ xảy ra ở Quảng Nam mà là khó khăn, vướng mắc chung trên cả nước. Vấn đề này, tỉnh đã kiến nghị với các bộ ngành liên quan ở trung ương và hy vọng các quy định sẽ sớm được điều chỉnh để tạo hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế thông thoáng cho mô hình kinh tế tập thể phát triển…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác xã cần vốn phát triển sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO