Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Nỗ lực vượt khó

CÔNG TÚ 10/08/2021 14:42

Khắc phục khó khăn, nhiều hợp tác xã (HTX) công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) hoạt động hiệu quả, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên.

Công nhân Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây. Ảnh: C.T
Công nhân Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ đan sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây. Ảnh: C.T

Gam màu sáng

Trong lúc nhiều cơ sở sản xuất cùng ngành nghề phải “đóng băng” do dịch Covid-19, Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ (thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành) vào những ngày này vẫn hoạt động khẩn trương, vừa tuân thủ các quy định phòng chống dịch.

Tại mỗi phân xưởng, đội ngũ công nhân miệt mài làm việc. Giám đốc Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ - ông Nguyễn Trường Thiên cho hay, đơn vị được thành lập vào năm 1994, chuyên sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, lá phục vụ xuất khẩu và cung cấp nguyên liệu thô cho đối tác.

Vào năm 2004, xí nghiệp được UBND tỉnh công nhận là HTX làng nghề mây, tre, lá; đến năm 2012 chính thức hoạt động theo Luật Hợp tác xã mới gồm 11 thành viên. Nhằm chủ động nguyên liệu đầu vào, ngoài thu mua mây tre lá dưới tán rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, đơn vị còn liên kết trồng hàng chục héc ta mây tại huyện Núi Thành và huyện Nam Giang.

Ông Thiên nói: “Chúng tôi có 50 lao động tại chỗ để chế biến nguyên liệu, đan mẫu, đồng thời có 200 người khác làm việc phân tán ở hộ gia đình tại Núi Thành, Nam Giang. Mức lương bình quân công nhân tại xưởng khoảng 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hàn Quốc và Mỹ”.

Tại Cụm công nghiệp ấp 5, xã Đại Quang (Đại Lộc), một dây chuyền hiện đại trong nhà máy gạch không nung của HTX Gạch không nung Hiệp Hưng vẫn đang vận hành sản xuất.

Theo ông Huỳnh Ngọc Hưng - Giám đốc HTX Gạch không nung Hiệp Hưng, việc đầu tư sản xuất loại gạch này góp phần bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế. Dù thị trường xây dựng đang bị hạn chế bởi dịch bệnh, tiêu thụ sản phẩm gạch không nung gặp trở ngại đáng kể, song đơn vị vẫn duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho hơn 30 lao động là người địa phương.

Cần tiếp tục hỗ trợ

Quảng Nam hiện có 27 HTX hoạt động trong lĩnh vực CN-TTCN. Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh - ông Võ Bảy chia sẻ, giữa khó khăn chung của nền kinh tế, các HTX luôn duy trì sản xuất kinh doanh, thích ứng tốt hơn với cơ chế thị trường trước sự cạnh tranh khốc liệt từ các thành phần kinh tế khác. Hoạt động của các HTX đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các địa phương, góp phần khai thác nguồn lực, tham gia tạo các sản phẩm mới, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho thành viên.

“Nhiều HTX mạnh dạn đổi mới tổ chức bộ máy, đầu tư công nghệ, trang thiết bị, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời tham gia các hội chợ thương mại trong, ngoài tỉnh để quảng bá sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ, HTX CN-TTCN Đại Hiệp (Đại Lộc), HTX Sản xuất gạch không nung Hiệp Hưng là minh chứng điển hình” - ông Võ Bảy đánh giá.

Nói về nỗ lực của HTX trong tiếp cận công nghệ, Trưởng phòng Kế hoạch - kiểm tra Liên minh HTX tỉnh - ông Đặng Văn Tính chia sẻ, Xí nghiệp Mây tre lá xuất khẩu Âu Cơ từng được hỗ trợ lắp đặt lò luộc nguyên liệu mây.

Gần đây, đơn vị tiếp tục trang bị nồi hơi đốt sinh khối, ngành chức năng hỗ trợ lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Còn HTX CN-TTCN Đại Hiệp đầu tư cải tạo nhà máy sản xuất gạch theo công nghệ đập sàng, lò tuynel trần phẳng sử dụng nguyên liệu đất đồi nên đã hạn chế thấp nhất ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí mà chất lượng gạch đảm bảo tốt.

Trong khi đó, Giám đốc HTX Sản xuất dầu nguyên chất Bảo Tâm (xã Tam Ngọc, Tam Kỳ) - ông Phạm Văn Huệ cho biết, dưới sự tư vấn của Liên minh HTX tỉnh, đơn vị quyết định đầu tư sản xuất theo hướng chế biến sâu, trang bị dây chuyền hiện đại. Thời điểm này, “Dầu đậu phụng nguyên chất Bảo Tâm” và “Dầu mè nguyên chất Bảo Tâm” được công nhật OCOP 4 sao, sản phẩm hiện có mặt tại hơn 200 siêu thị, khách sạn hầu khắp cả nước.

Theo ông Đặng Văn Tính, Liên minh HTX tỉnh từng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về nâng cao kỹ năng quản lý điều hành, nghiệp vụ kế toán, nghiệp vụ ban kiểm soát cho các HTX trong lĩnh vực CN-TTCN.

Những vướng mắc có liên quan gửi đến, liên minh sẽ tư vấn, hỗ trợ giúp đỡ HTX tháo gỡ, nhất là về mặt pháp lý. Tuy nhiên, những đơn vị này gặp khó khi tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Quảng Nam. Khác với HTX nông nghiệp, Nhà nước cũng chưa có nhiều chính sách hỗ trợ HTX phi nông nghiệp, trong lúc vai trò của thành phần kinh tế trên đã được khẳng định.

Do đó, việc ban hành những cơ chế, chính sách dành cho HTX phi nông nghiệp rất cần quan tâm. Các địa phương nên ưu tiên bố trí đất đai, hạ tầng cụm công nghiệp có sẵn để HTX vào sản xuất tập trung, vừa đảm bảo môi trường. Giữa thực tế bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, Nhà nước cũng cần xem xét miễn, giảm thuế để trợ lực cho họ vượt qua khó khăn, tái đầu tư sản xuất.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hợp tác xã công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: Nỗ lực vượt khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO