Qua mấy năm hình thành và hoạt động hiệu quả, HTX Nông nghiệp Đại Đồng Phát (Đại Đồng, Đại Lộc) cho thấy đây là mô hình lập thân lập nghiệp triển vọng của thanh niên trong loại hình kinh tế hợp tác, cần nhân rộng.
Khởi nghiệp từ tay trắng
Thành lập từ năm 2016 với tiền thân là Tổ hợp tác chăn nuôi xã Đại Đồng, HTX Nông nghiệp Đại Đồng Phát là mô hình kinh tế gia trại của những thanh niên vốn tốt nghiệp đại học, tham gia tốt phong trào đoàn hội địa phương và có đam mê khởi nghiệp từ chăn nuôi. Mô hình kinh tế hợp tác này xuất phát từ ý tưởng của “bộ ba” Võ Đông Biểu, Nguyễn Đức Cương và một thanh niên trẻ khác vốn là những người bạn thân, cùng sinh năm 1989, quê thôn Lâm Tây, xã Đại Đồng. Võ Đông Biểu (SN 1989, Phó Bí thư Đoàn xã Đại Đồng) tâm sự: “Những năm đầu ra trường mang hồ sơ rong ruổi tìm việc, bọn em khá gian nan, rồi bạn em được hợp đồng đi dạy song đồng lương ít ỏi không thể trụ nổi với nghề.
Lúc đó chúng em nghĩ, tại sao mình không làm kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình? Một mô hình tổ hợp tác chăn nuôi được vạch ra, rồi từ ý tưởng đi tới hành động. Chúng em được hỗ trợ vay vốn 300 triệu đồng để biến ước mơ thành hiện thực”. Ban đầu, nhóm thanh niên tìm đến một cơ sở ở Điện Bàn để học kỹ thuật nuôi dế, nuôi rắn mối và tham gia các khóa tập huấn chăn nuôi và đã tạo sản phẩm đầu tay. Song thời điểm đó thị trường tiêu thụ không rộng rãi nên họ chưa thành công như mong đợi. Sau khi nghiên cứu, tìm kiếm được thị trường và đầu ra, các bạn lại quyết định chuyển sang nuôi heo rừng lai. “Từ tay trắng, bọn em vay vốn gầy dựng mô hình. Cương đang làm ở một công ty bất động sản, rất nỗ lực tìm kiếm thị trường, giao dịch, còn em thì đứng chân, gắn bó với gia trại” - Võ Đông Biểu chia sẻ.
Đàn heo rừng sinh trưởng tốt trong môi trường tự nhiên. Ảnh: Hoàng Liên |
Vốn có nền tảng kiến thức, nhanh nhạy, các thanh niên này dễ dàng tiếp cận kỹ thuật nuôi heo rừng và đúc kết kinh nghiệm qua nhiều đợt đi tham quan mô hình ở các trại Hòa Sơn, trại nuôi của quân đội ở TP.Đà Nẵng và các lớp tập huấn chăn nuôi do tổ chức thanh niên, hội nông dân tổ chức. Các bạn đã bỏ ra cả trăm triệu đồng để mua con nái giống heo rừng có nguồn gốc Thái Lan vốn mắn đẻ, nuôi con tốt từ trại giống Hòa Sơn và con đực giống heo rừng trong nước từ một gia trại quân đội. Qua 2 năm thả nuôi, con lai F1 đầu dòng được giữ lại làm giống để nhân đàn, còn các lứa heo rừng F2 sau 1,5 tháng tách mẹ được đưa vào nuôi thương phẩm đạt trọng lượng khoảng 40 - 60kg là xuất bán. “Hiện, gia trại bọn em đã xuất bán được 3 lứa heo rừng thương phẩm, giá khá tốt, người tiêu dùng cũng khá chuộng sản phẩm từ chăn nuôi truyền thống, trong môi trường tự nhiên. Mình có mấy thì họ sẽ tiêu thụ hết thôi. Không chỉ xuất bán hàng loạt, gia trại còn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhỏ lẻ ở địa phương và TP.Đà Nẵng qua các mối quen. Dịp tết, chuyện một gia đình, cơ quan, đơn vị đặt hàng 1 - 2 con heo rừng để dùng khá nhiều. Heo sẽ được chuyển đến lò mổ và thịt sẽ được chuyển tới tận nơi nếu khách yêu cầu”. Thông thường, mỗi con heo rừng lai tầm 30kg hơi có giá 4,2 - 4,5 triệu đồng, con 40kg hơi tầm 5,6 triệu đồng.
Gia trại của nhóm thanh niên nằm trong tổng diện tích 5.000m2, thuộc gò Miếu Ông (thôn Lâm Tây), cao ráo, thuận lợi về điện, nước. Các khu vực nuôi heo thịt, heo nái hậu bị, nái sinh sản và đực giống được phân lô. Với heo đực giống và nái sinh sản, trọng lượng mỗi con cả trăm ký, giá trị lên tới cả trăm triệu đồng/con. Heo trưởng thành mỗi năm đẻ 2 lứa, chu kỳ sinh sản 114 - 117 ngày, tương tự heo nhà. Heo nái khi đẻ, chúng tự lót ổ nằm, chỉ khi heo con chừng 1,5 tháng là tách bầy. Hiện, đàn heo rừng ở gia trại lên tới hơn 60 con.
Cần sự tiếp sức
Tuy mới thành lập, song HTX Nông nghiệp Đại Đồng Phát có doanh thu mỗi năm hơn 300 triệu đồng. Không chỉ nuôi đối tượng heo rừng, HTX Đại Đồng Phát còn mở rộng diện tích chuồng trại chừng 50m2 nuôi heo nái sinh sản và heo siêu nạc với tổng đàn lên tới 40 con. Hai ao nuôi cá trắm cỏ, cá gáy để cải thiện kinh tế đã hình thành trên diện tích hàng trăm mét vuông. Cả hàng trăm gốc chanh không hạt được trồng đang thời kỳ phát triển. Một mô hình nuôi heo sinh sản theo hướng công nghiệp có sự liên kết với doanh nghiệp vừa được hình thành trên diện tích chuồng trại chừng 100m2. Theo đó, HTX này đang kết nối với Tập đoàn Cipi, đầu tư chuồng trại cả trăm triệu đồng nuôi heo nái sinh sản và hậu bị, tạo con lai sữa và chuyển sang nuôi heo thịt theo hướng công nghiệp. Theo Nguyễn Đức Cương - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Đồng Phát, hiện tại, HTX tìm con giống chất lượng và đang cử người tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật của công ty giống và thức ăn chăn nuôi để có thêm kinh nghiệm. Khi nào chuồng trại hoàn thành sẽ thả giống...
Bên cạnh những thuận lợi kể trên, HTX Đại Đồng Phát cũng đối diện với không ít khó khăn. Đó là nguồn vốn vay hỗ trợ mở rộng sản xuất chăn nuôi, đầu tư cơ sở hạ tầng chuồng trại và cơ chế hỗ trợ về đất đai còn hạn chế. Đất lập gia trại do chưa được cấp “sổ đỏ” nên HTX không thể dùng để thế chấp vay vốn. Ngoài 5.000m2 đất khai phá và mua lại ở khu gò miếu, các thanh niên trẻ đang cần thêm diện tích để mở rộng gia trại, cải tạo vùng hoang hóa của thôn Lâm Tây để hình thành thêm khu vực trồng cỏ, chuồng trại để nuôi bò sinh sản, song điều này chưa giải quyết được. “Dẫu đây là bước đi thiết thực, hiệu quả, doanh thu ban đầu là có song gia trại này hình thành bởi những người trẻ khởi nghiệp từ tay trắng, vẫn đang lấy ngắn nuôi dài nên rất cần sự hỗ trợ, tạo điều kiện của các tổ chức và Nhà nước về quỹ đất phát triển trang trại, cơ chế về vốn vay” - Nguyễn Đức Cương nói.
Có thể nói, HTX Đại Đồng Phát là hướng đi mới, hiệu quả của những thanh niên trẻ trên con đường lập thân lập nghiệp. Song “vạn sự khởi đầu nan”, rất cần sự hà hơi tiếp sức từ các tổ chức tín dụng để mô hình lớn mạnh, phát triển bền vững.
TRIÊU NHAN - NHẬT DUY