Các hợp tác xã (HTX) làng nghề đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển vì rất khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng. Đa số đang “tự bơi” bằng nhiều cách.
Cắm sổ đỏ để… giữ nghề
Ông Trần Hữu Phương - Phó Giám đốc HTX Tơ lụa Mã Châu (Duy Xuyên) chia sẻ, mỗi HTX có đặc thù nghề nghiệp và tài sản khác nhau. Riêng với làng nghề thủ công truyền thống, đa số máy móc sản xuất trong nước, giá trị ít nên không đủ điều kiện để thế chấp cho ngân hàng khi cần vay vốn. Từ thực tế của đơn vị mình, ông Phương cho biết, HTX muốn tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng phải đáp ứng các yêu cầu như: hệ thống tài chính kế toán của HTX phải minh bạch; phải có tài sản để thế chấp; có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả… Song, các HTX chủ yếu hoạt động dịch vụ là chính, tính khả thi trong xây dựng phương án sản xuất kinh doanh chưa cao, chưa đáp ứng được các yêu cầu vay vốn hỗ trợ lãi suất, khả năng thanh khoản của các HTX thấp… nên các HTX làng nghề khó tiếp cận được nguồn vốn vay.
Ông Trần Hữu Phương - Phó Giám đốc HTX Tơ lụa Mã Châu cho biết, HTX đang gặp khó trong tiếp cận nguồn vốn vay. Ảnh: T.Q |
Và cách để HTX Tơ lụa Mã Châu tạo nguồn vốn hoạt động chính là “mượn” sổ đỏ của các thành viên trong Ban điều hành HTX để thế chấp vay ngân hàng. Câu chuyện bắt đầu vào năm 2011, sau một thời gian hoạt động ở mức cầm chừng, 4 thành viên của Ban điều hành HTX Tơ lụa Mã Châu quyết định phải vực dậy làng nghề bằng mọi cách. Thế là họ “mượn” 4 sổ đỏ của gia đình thế chấp vay ngân hàng tổng số tiền 3 tỷ đồng làm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Có nguồn vốn, HTX thay đổi cơ cấu sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu lụa Mã Châu, không tập trung vào kinh doanh hàng thô mà bắt đầu đi sâu vào sản xuất thành phẩm… Hiệu quả kinh tế của HTX ngày một rõ nét. Tuy nhiên, muốn dựng lại thương hiệu lụa Mã Châu cần phải có nguồn vốn lớn hơn. Ngặt nỗi, HTX vẫn không thể tiếp cận vay vốn các ngân hàng thương mại cũng vì khó khăn cũ. Trong khi đó, hiện nay, 2 trong số 4 sổ đỏ thế chấp ngân hàng đã bị cá nhân rút lại để đầu tư các hoạt động kinh doanh khác. Chỉ còn 2 sổ đỏ thế chấp tại ngân hàng, 6 tháng đáo hạn một lần. Ông Phương nói, nhiều khi phải đi vay nóng để kịp đáo hạn. Cần phải nhắc lại rằng Mã Châu là một trong 16 làng nghề nằm trong danh mục được tỉnh hỗ trợ để đầu tư phát triển và phục vụ du lịch (theo đề án Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015 - 2020, được UBND tỉnh phê duyệt ngày 7.4.2015). Cả trước đó nữa, từ năm 2012 Quảng Nam đã thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh, theo nghị quyết đã được HĐND tỉnh khóa VIII thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 12.2011). Tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Ngộ - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh cho hay, điều kiện để quỹ này cho vay vốn cũng là HTX phải có một phần tài sản thế chấp và bảo đảm.
Niềm tin tín dụng
Sau một thời gian hoạt động ở mức cầm chừng, 4 thành viên của Ban điều hành HTX Tơ lụa Mã Châu quyết định phải vực dậy làng nghề bằng mọi cách. Thế là họ “mượn” 4 sổ đỏ của gia đình thế chấp vay ngân hàng tổng số tiền 3 tỷ đồng làm vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. |
Về câu chuyện HTX cần phải thế chấp tài sản khi vay vốn, ông Ngộ nói: “Nếu không có tài sản thế chấp thì sẽ không bảo tồn được vốn. Quỹ có ưu đãi về mặt lãi suất, nhưng HTX cũng phải tạo niềm tin tại chúng tôi bằng việc xây dựng một đề án tốt và thể hiện uy tín của mình. Nếu quỹ cho vay không có tài sản thế chấp thì HTX sẽ làm ăn thiếu trách nhiệm, được chăng hay chớ”. Trong khi đó, theo một số ngân hàng, nguyên tắc trong tín dụng là phải có niềm tin với nhau. Niềm tin đó thể hiện bằng tài sản và hiệu quả kinh doanh của HTX. Các tổ chức tín dụng nhìn vào đó để làm cơ sở cho HTX vay vốn.
Thông thường hoạt động của HTX dựa vào 4 nguồn vốn: vốn đóng góp của thành viên HTX (vốn điều lệ), vốn từ các dự án, vốn hỗ trợ phát triển từ các tổ chức tài chính nhà nước và vốn từ các ngân hàng thương mại. Trong 4 nguồn vốn đó, các HTX làng nghề chỉ dựa vào vốn điều lệ để hoạt động. Bởi, vốn dự án thì hiếm, vốn hỗ trợ HTX thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội khi vay cần phải có tài sản thế chấp như vay tại các ngân hàng thương mại. Thêm nữa, HTX làng nghề được xếp vào diện HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong khi ưu đãi thì dành cho các HTX nông nghiệp.
Quay trở lại câu chuyện tiếp cận vốn vay của các HTX làng nghề truyền thống, một “nút thắt” lớn đối với họ chính là chưa tạo được niềm tin tín dụng với các ngân hàng thương mại. Ngay cả với nguồn vốn vay có cơ chế hỗ trợ, ưu đãi về lãi suất các HTX cũng khó tiếp cận. Ông Nguyễn Hữu Ngộ chia sẻ, các HTX có nhu cầu vay vốn lớn, trong khi tài sản thế chấp không có, đề án phát triển trong tương lai lại thiếu tính khả thi, rất khó để bảo toàn nguồn vốn. Dù có nguồn vốn vay hỗ trợ, nhưng điều tiên quyết chính là khả năng thanh toán nợ của các HTX còn rất hạn chế. Và họ muốn tồn tại được thì phải tự thân vận động để tạo niềm tin với các tổ chức lẫn ngân hàng.
THƯ QUÂN