(QNO) – Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm quản trị, địa hình xa xôi cách trở đang khiến nhiều hợp tác xã (HTX) của các huyện miền núi gần như hoạt động cầm chừng.
Khó trăm bề
Là một trong những HTX ra đời sớm nhất ở vùng cao Tây Giang, HTX Dược liệu Đức Huy (xã A Tiêng, Tây Giang) chuyên cung cấp các đặc sản của vùng núi rừng địa phương này theo hướng an toàn, chất lượng như cao đảng sâm, rượu đảng sâm, rượu ba kích, nấm lim xanh rừng, nấm linh chi...
Năm 2019, HTX Dược liệu Đức Huy đã trở thành một chủ thể sản xuất và cung cấp sản phẩm rượu đẳng sâm và cao đẳng sâm đạt chuẩn chuẩn OCOP 4 sao và giải A sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2020.
“HTX đã nỗ lực nhưng gần đây có dấu hiệu chững lại khi thị trường tại huyện này có chừng mực, trong khi việc mở rộng thị trường gặp muôn vàn khó khăn khi không đủ kinh phí truyền thông, marketing. Chúng tôi rất cần chính quyền hỗ trợ nhiều hơn trong khâu quảng bá, xúc tiến thương mại tại các hội chợ. Vì ở tận Tây Giang mà đưa các sản phẩm xuống miền xuôi rất tốn kém nên dù nhu cầu có nhưng đành bất lực” – bà Phạm Thị Lài - Giám đốc HTX Dược liệu Đức Huy nói.
Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và trợ lực từ UBND huyện Nam Giang, Zơm Râm Đa (thôn A Liêng, Tà Bhing, Nam Giang) cùng nhóm hộ đã gầy dựng nên HTX Nông – lâm nghiệp A Liêng tròn một năm. HTX non trẻ này với 12 thành viên dù nỗ lực sản xuất nhưng vẫn chưa thể lớn mạnh hơn. Hiện tại, HTX chăn nuôi 10 con nái heo đen để cung cấp con giống cho một số dự án kinh tế ở huyện này. Đồng thời, để tăng thu nhập, các thành viên trong HTX tận dụng đất đồi trồng thêm chuối chát, 70 cây bưởi da xanh.
Zơm Râm Đa chia sẻ, tổng kết năm 2022, mỗi thành viên trong HTX được chia lợi tức từ 5–6 triệu đồng. Điều này là khá ít so với công sức bỏ ra nhưng HTX chẳng thể mở rộng quy mô sản xuất khi nguồn vốn đầu tư không có, nội lực HTX vẫn còn yếu.
“Ở đây chăn nuôi heo theo kiểu hộ gia đình nhiều nên thị trường tại chỗ gặp khó. Còn thương lái dưới xuôi lên mua ép giá vì chi phí vận chuyển cao. Hiện tại, HTX còn cần được vay khoảng 200 triệu đồng để có thể chăn nuôi dê, bò, trồng ngô thì mới hy vọng tăng doanh thu, lợi nhuận” – ông Đa nói.
Theo ông Hồ Văn Luyến – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang, địa phương có 10 HTX, trong đó có 6 HTX nông nghiệp. Hầu hết HTX đều làm ăn thua lỗ, lợi nhuận thấp. Do vậy, không có HTX nào đạt tổng điểm 80 theo tiêu chí đánh giá do Bộ KH–ĐT ban hành.
“Vốn là rào cản lớn nhất đối với các HTX ở Nam Giang vì nội lực yếu, vốn đóng góp của các thành viên không nhiều. Đồng thời, thiếu năng lực quản lý tài chính, sản xuất nên họ chưa thể bứt phá, sản xuất theo hướng hàng hóa được” – ông Luyến cho biết.
Đa số HTX ở Nam Giang hoạt động dựa vào các tổ chức hỗ trợ và sự giúp đỡ của chính quyền. Trong khi đó, HTX lại có đội ngũ cán bộ quản lý chưa thông hiểu Luật HTX, trình độ hiểu biết khoa học – công nghệ còn thấp… nên công tác tổ chức, điều hành chưa hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Nguyễn Đăng Chương khẳng định: “Thiếu vốn, đất sản xuất, chưa mạnh dạn đầu tư máy móc, chưa chủ động liên kết, liên doanh… khiến các HTX không thể cho ra các sản phẩm chế biến sâu, hàng hóa và đầu ra bấp bênh".
Trong khi đó, tại huyện Nông Sơn, từ năm 2009 đến nay trong số 16 HTX ra đời thì đã có 3 HTX giải thể. Và ước tính lãi bình quân chỉ đạt 15 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của lao động chỉ đạt 2 triệu đồng/tháng.
Một số HTX tổ chức dịch vụ du lịch phải tạm dừng hoạt động vì ảnh hưởng chung COVID-19, các HTX chăn nuôi gia cầm, sản xuất nông sản thì không tiêu thụ được sản phẩm hoặc giá bán thấp nên thua lỗ hoặc chậm thu hồi vốn. Thêm vào đó là tư duy làm ăn kiểu cũ không thể khai thác hết lợi thế từ các chính sách, cơ chế hỗ trợ chính là nguyên nhân khiến các HTX trên địa bàn huyện Nông Sơn không thể phát triển mạnh.
[VIDEO] - Ông Zơ râm Đa - Giám đốc HTX Nông - lâm nghiệp A Liêng:
Tìm hướng đi mới
Theo ông Trần Mạnh Sỹ - Phó Trưởng phòng Tài chính - kế hoạch huyện Nông Sơn, để phát triển kinh tế tập thể HTX, năm 2022, Huyện ủy Nông Sơn đã có chương trình thực hiện đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2025, thành lập mới 10–15 HTX; doanh thu bình quân của HTX tăng 5–6%/năm, thu nhập bình quân của người lao động trong HTX tăng khoảng 3–5%. Và có khoảng 30% HTX ứng dụng công nghệ cao, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý, sản xuất, kinh doanh.
“Trước mắt sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về Luật HTX năm 2012 và các cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân nắm rõ, tích cực xây dựng HTX. Đồng thời, Nông Sơn sẽ chú trọng khâu tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý nhà nước, thành viên HTX về nghiệp vụ, kinh nghiệm quản lý, kỹ năng xúc tiến thương mại” – ông Sỹ cho biết.
Về xây dựng cơ chế, Nông Sơn định hướng sẽ xây dựng HTX theo hướng áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất hiện đại. Địa phương này sẽ tiến đến xây dựng chính sách hỗ trợ một phần kinh phí cho các HTX đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà kho, xưởng chế biến, dịch vụ cơ khí, vận tải tại địa phương.
Tại Nam Giang, việc phát triển kinh tế HTX còn gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; củng cố các HTX còn yếu kém để vực dậy loại hình kinh tế tập thể này.
“Thay đổi nhận thức về tầm quan trọng của HTX đối với việc phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững ở địa phương cho nhân dân là giải pháp thực hiện trước tiên và xuyên suốt. Chúng tôi cũng rất mong tỉnh, trung ương bố trí nguồn vốn nhiều hơn để thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX thành lập mới hoạt động” – ông Nguyễn Đăng Chương kiến nghị.
Theo ông Lê Ngọc Trung – Phó Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam, ở 9 huyện miền núi thì kinh tế HTX chưa phát triển mạnh, số lượng còn rất ít. Nguyên nhân chính là do chưa có thói quen hợp tác chung vốn làm ăn, liên kết sản xuất chưa có.
Giao thông đi lại khó khăn đã khiến đầu ra cho các sản phẩm, dịch vụ của HTX ở miền núi khó tìm kiếm thị trường bền vững. Chính quyền địa phương nên hỗ trợ nhiều hơn cho khâu quảng bá, tiếp cận thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm qua việc thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm…