Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 19 hợp tác xã (HTX) hoạt động vận tải đường bộ và 1 HTX vừa hoạt động vận tải đường bộ vừa vận tải đường thủy nội địa (HTX Vận tải thủy bộ và du lịch Hội An). Tổng số thành viên của 20 HTX này là 2.805 người, khoảng 3.000 lao động (đa số là thành viên HTX). Ước tính, mỗi năm doanh thu bình quân của một HTX khoảng 500 triệu đồng, lãi 70 triệu đồng.
Thời gian qua, HTX vận tải đã được tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, phát triển kinh tế - xã hội; hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, khuyến khích phát triển vận tải đường thủy nội địa. Các HTX đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, đổi mới chất lượng dịch vụ để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... Tuy nhiên, loại hình HTX vận tải vẫn chưa thay đổi về chất, chưa có mô hình điển hình tiên tiến. Nhiều HTX truyền thống vẫn trong tình trạng khó khăn, yếu kém kéo dài; năng lực nội tại còn yếu, cơ sở vật chất nghèo nàn; chưa có giải pháp để đổi mới phương thức quản lý. Một số HTX chỉ thực hiện dịch vụ vận tải đơn thuần, trong khi đó kinh doanh vận tải bằng ô tô, đường thủy nội địa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Để khắc phục tồn tại, yếu kém trong loại hình kinh doanh HTX vận tải, Sở GTVT đã kiến nghị cấp có thẩm quyền hướng dẫn, tạo điều kiện hoàn thiện bộ máy quản lý theo đúng Luật HTX năm 2012, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực GTVT. Tạo thuận lợi cho các HTX vận tải vay vốn đầu tư đổi mới phương tiện và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động kinh doanh. Sở GTVT cũng kiến nghị cân đối ngân sách để hỗ trợ, khuyến khích xây dựng, phát triển mô hình HTX hoạt động hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phát triển hoạt động vận tải theo hướng hiện đại. Ưu tiên, ưu đãi, hỗ trợ khuyến khích phát triển, cho phép HTX được giao đất hoặc thuê đất dài hạn để làm văn phòng, trụ sở, bến bãi đỗ xe, nhà xưởng.